Cô gái sư phạm và ước mơ truyền thông

Đặng Thị Hoài Thương, gương mặt "2X" nổi bật tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng, vừa đạt danh hiệu "Miss truyền thông" trong đêm chung kết cuộc thi Người đẹp ảnh Việt Nam năm 2020 (Miss Photogenic Vietnam 2020) tổ chức tại TP Đà Nẵng. Sở hữu gương mặt khả ái, vóc dáng thanh mảnh, chất giọng ấn tượng, cô gái sư phạm đến từ huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đang bắt đầu một hành trình thú vị. Hành trình của cô là một gợi ý về tinh thần học hỏi, nỗ lực vươn lên cũng như định hướng nghề nghiệp của người trẻ. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc phỏng vấn Hoài Thương về hành trình tỏa sáng tại Miss Photogenic Vietnam 2020.

Đặng Thị Hoài Thương (phải) nhận danh hiệu "Miss Truyền thông" tại cuộc thi Người đẹp ảnh Việt Nam năm 2020.

Đặng Thị Hoài Thương (phải) nhận danh hiệu "Miss Truyền thông" tại cuộc thi Người đẹp ảnh Việt Nam năm 2020.

P.V: Bạn có thể chia sẻ một vài trải nghiệm về cuộc thi vừa trải qua?

Đặng Thị Hoài Thương: Cuộc thi Người đẹp ảnh Việt Nam khởi động từ tháng 3-2020, vòng sơ loại có hơn 500 thí sinh cả nước tham gia. Sau 6 tháng, trải qua các vòng thi ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đến vòng bán kết còn lại 28 thí sinh, và chung kết có 18 thí sinh được chọn. Đêm chung kết diễn ra tại Đà Nẵng tối 9-11-2020, thí sinh phải trải qua 3 phần thi, bao gồm ứng xử, trình diễn áo dài và trình diễn trang phục dạ hội. Điều rất ấn tượng ở cuộc thi này là, cùng với vẻ đẹp hình thể, ban tổ chức (BTC) rất đề cao vẻ đẹp trí tuệ, tâm hồn. Ngay từ vòng loại, các thí sinh đều phải trải qua phần thi chỉ số thông minh (IQ) với những câu hỏi đa dạng, thậm chí đề cập đến cả những đề tài kinh tế, xã hội có tính thời sự - điều ma hầu như rất ít cuộc thi sắc đẹp khác có. Điều này, với em là một trải nghiệm đặc biệt, khiến em ý thức hơn về sự hài hòa giữa vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp trí tuệ và vẻ đẹp tâm hồn, đòi hỏi không chỉ chăm chuốt sức khỏe, nhan sắc mà còn liên tục học hỏi, nâng cao kiến thức và thể hiện tình yêu thương.

P.V: Bạn đã đối diện với câu hỏi nào đòi hỏi trí tuệ cao trong suốt cuộc thi vừa qua?

Đặng Thị Hoài Thương: Cuộc thi là cả một hành trình, và những câu hỏi xuất hiện không chỉ từ ban giám khảo khi em đứng trên sân khấu, mà còn các câu hỏi, đối đáp rất ý nhị, sâu sắc từ phía huấn luyện viên, thành viên ban tổ chức và cả giữa các thí sinh trong suốt quá trình tập luyện. Những đối đáp, ứng xử trong quá trình thi cũng không hề ít quan trọng hơn phần thi trên sân khấu.

Còn câu hỏi thật sự ấn tượng, với cá nhân em, chính là câu hỏi ở vòng bán kết. Ban giám khảo yêu cầu em phân tích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, rằng chưa bao giờ đất nước ta có vị thế như hiện nay. Em đã trả lời rằng, đất nước ta có bốn nghìn năm lịch sử, có lúc hưng thịnh, có lúc suy yếu, nhưng đại thể vẫn là một nước nông nghiệp, kỹ thuật thô sơ, người dân đa phần nghèo khổ. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống của người dân được nâng cao, sản phẩm làm ra không chỉ đủ dùng trong nước mà còn xuất khẩu. Đó là một bước tiến dài so với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Em cũng rất ấn tượng với câu hỏi ở đêm chung kết, rằng điều gì khó khăn nhất khi làm việc trong tập thể, đề ra cách giải quyết khó khăn đó. Em trả lời rằng, khó khăn lớn nhất trong môi trường tập thể là cái tôi của mỗi người. Để giải quyết khó khăn, điều quan trọng nhất là người lãnh đạo, người phải đón nhận áp lực và hậu quả từ mọi phía, do đó họ thực sự phải tài năng, thực sự thấu hiểu. Về phía nhân viên, mỗi người phải biết hạn chế cái tôi, biết san sẻ, yêu thương và không đưa ra những đòi hỏi quá đáng với đồng nghiệp cũng như lãnh đạo của mình.

Thú thật, bây giờ có thời gian suy nghĩ kỹ hơn, em vẫn chưa thực sự hài lòng với những câu trả lời của mình. Tuy nhiên, khi đứng trên sân khấu, với áp lực từ ban giám khảo, khán giả và nhất là thời gian rất ngắn, phải trả lời trực tiếp ngay tức khắc, em nghĩ mình đã nói lên được điều mình nghĩ. Em nhận thức rất rõ rằng, kiến thức bản thân còn rất nông cạn, cần phải học hỏi thêm rất nhiều.

Đặng Thị Hoài Thương hiện là sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

P.V: Danh hiệu "Miss Truyền thông" có ý nghĩa như thế nào với bạn?

Đặng Thị Hoài Thương: Danh hiệu "Miss Truyền thông"là một phần thưởng thú vị, ngẫu nhiên, nó lại trùng khớp với ước mơ của bản thân, với lĩnh vực em đang nỗ lực theo đuổi, đó là ngành truyền thông. Trước đây cũng như hiện nay, bên cạnh công việc chính là học tập, em đã làm MC tại các chương trình, sự kiện. Đặc biệt, mới đây, nhờ một cơ duyên, em đã dẫn chương trình trong một seri phim về chủ quyền Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là một trải nghiệm khác biệt, giàu cảm xúc, cũng là một cơ hội để em tìm hiểu sâu hơn về truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc. Em nhận thấy, truyền thông là một ngành rộng lớn, giàu tiềm năng, có cơ hội việc làm nhưng cũng cạnh tranh khốc liệt. Em không dám đặt ra tham vọng quá lớn, chỉ muốn hướng đến những mục tiêu cụ thể và vừa phải với khả năng, trước hết, em nỗ lực để trở thành MC song ngữ và đón nhận những cơ hội trải nghiệm mới để trưởng thành hơn, tự tin hơn.

P.V: Theo bạn, điều gì là quan trọng để dẫn đến thành công trong cuộc thi này?

Đặng Thị Hoài Thương: Em thấy con đường nào cũng thật nhiều thử thách, không bao giờ có thể đến đích một cách dễ dàng được. Như Lỗ Tấn nói, "trên con đường thành công không có dấu chân của những kẻ lười biếng". Em còn trẻ và các bạn cũng vậy, có rất nhiều cơ hội, nhưng đón nhận như thế nào mới là điều quan trọng. Trải qua 6 tháng tham gia cuộc thi, em đã học hỏi được nhiều điều bổ ích, và đó chính là sự thành công, theo định nghĩa của riêng em.

P.V: Cảm ơn bạn về cuộc phỏng vấn này!

NGUYỄN LÊ (thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_234625_co-gai-su-pham-va-uoc-mo-truyen-thong.aspx