Cô gái Quảng Trị là thuyền viên du thuyền Mỹ, đi 30 nước trong 8 tháng

Phương Trinh (25 tuổi) quyết tâm trở thành thuyền viên du thuyền hạng sang để thỏa mãn ước mơ đi khắp thế giới, 'mỗi ngày thức dậy ở một đất nước khác nhau'.

3 năm trước, trong khi bạn bè xung quanh bắt đầu lao vào "cuộc chiến" săn việc, Nguyễn Phương Trinh (sinh năm 1995, quê Quảng Trị) lúc đó vừa tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, lại mơ mộng về một hành trình dài, được đặt chân đến mọi châu lục.

Nghe những ý tưởng, dự tính của Trinh, mọi người lắc đầu ngao ngán. Không ai dám tin vào kế hoạch 9X vẽ ra lúc đó. Tất cả đều khuyên cô bớt hão huyền mà sống thực tế hơn.

Thế nhưng, cô thật sự đã thực hiện được mơ ước, chứng minh kế hoạch cô đặt ra 3 năm trước lại chẳng hề viển vông như mọi người vẫn nghĩ.

Cuối tháng 3 vừa qua, Trinh trở về Việt Nam sau khi kết thúc hành trình gần 8 tháng lênh đênh trên biển, đặt chân đến hơn 30 vùng đất, quốc gia khác nhau.

Chưa từng có kinh nghiệm đi biển nhưng Trinh lại là nữ thuyền viên người Việt duy nhất trên du thuyền 6 sao Seven Seas Voyager thuộc Hãng Regent Seven Seas Cruises (Mỹ). Chuyến đi biển đầu tiên, kéo dài 240 ngày, đem đến cho Trinh những trải nghiệm, bài học quý giá đồng thời giúp ngưỡng 25 của cô bớt nghi hoặc, chông chênh.

 Nguyễn Phương Trinh là thuyền viên người Việt đầu tiên của du thuyền 6 sao Seven Seas Voyager thuộc Hãng Regent Seven Seas Cruises.

Nguyễn Phương Trinh là thuyền viên người Việt đầu tiên của du thuyền 6 sao Seven Seas Voyager thuộc Hãng Regent Seven Seas Cruises.

Từng bị loại từ “vòng gửi xe”

Trinh nói cô biết đến jobs onboard (tạm dịch: làm việc trên du thuyền - PV) rất tình cờ. Cái Tết cuối cùng của đời sinh viên, Trinh vẫn băn khoăn không biết sẽ làm gì sau khi ra trường.

Với tấm bằng cử nhân Quan hệ quốc tế, cô nhắm mình sẽ làm chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa hoặc ngoại giao để đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, 9X lại rất thích việc xê dịch, khao khát được một lần đến châu Phi, châu Âu và cả châu Mỹ xa xôi.

Xới tung những trang tìm kiếm trên Internet, cuối cùng, Trinh cũng tìm được jobs onboard - công việc theo Trinh, không quá khác biệt với ngành học nhưng cũng giúp cô được trải nghiệm, đi đây đi đó.

Sau khi xác định được mục tiêu, Trinh lại tiếp tục công cuộc tìm kiếm thông tin, tài liệu về một ngành nghề còn rất mới ở Việt Nam. “Chỉ cần nghe đến đi biển thôi ai cũng phản đối. Thiếu gì đường mà cứ thích đâm đầu vào ngõ cụt”, Trinh nhớ lại lời khuyên của bạn bè.

Hành trình 8 tháng làm thuyền viên, đặt chân đến 30 quốc gia của Phương Trinh.

Gia đình cũng can ngăn đủ lời. Thế nhưng, một khi đã tìm hiểu kỹ, Trinh lại càng thêm quyết tâm vì “biết đâu ngõ cụt với người ta lại là cơ hội đối với mình”.

Tuy nhiên, cú dội đầu tiên đến khi Trinh nộp hồ sơ 2-3 lần đầu đều bị loại từ "vòng gửi xe". Tự tin với vốn ngoại ngữ sẵn có, song Trinh cũng biết điểm yếu lớn nhất của mình là thiếu kinh nghiệm.

Chính vì vậy, cô quyết định khăn gói ra Phú Quốc (Kiên Giang), xin làm việc tại một resort nổi tiếng, bắt đầu học từ việc bưng bê cho đến rót từng ly rượu, lau từng cái bát. Sau 4 tháng, Trinh được cho đứng tại quầy (lounge), được nhiều khách khen trên TripAdvisor và xuất hiện trên bức tường "vinh danh" của resort.

Cơ hội thực sự đến với 9X khi một hãng tàu của Mỹ mở văn phòng tại Việt Nam. Trinh nộp đơn và bất ngờ trở thành ứng viên nhỏ tuổi được nhận ngay vòng phỏng vấn đầu tiên.

Mỗi ngày thức dậy ở một đất nước xinh đẹp

Trinh bắt đầu làm trên du thuyền từ giữa năm 2019, hợp đồng kéo dài 8 tháng, trong đó có 4 tháng thử việc. Con tàu Seven Seas Voyager hơn 15 năm tuổi với sức chứa chỉ khoảng 700 khách. Số thuyền viên khoảng 450 người đến từ hơn 60 quốc gia: Mỹ, Mexico, Italy, Nga, Pháp, Myanmar, Trung Quốc, Nam Phi..., trong đó chỉ có Trinh là người Việt.

9X đảm nhận vị trí bar waitress (tạm dịch: phục vụ đồ uống tại quầy bar – PV). Áp lực công việc không hề nhỏ khi phải làm 13-14 tiếng/ngày, hầu như không có ngày nghỉ trong suốt 8 tháng hợp đồng. “Vì phải làm việc liên tục, nên hầu hết người làm trên tàu đều không có khái niệm thời gian. Không thứ 7, chủ nhật, mọi ngày đều là thứ 2”, Trinh nói.

Ban đầu chưa quen việc, Trinh thường xuyên mắc lỗi, vụng về từ cách mở champagne cho đến việc rót từng ly rượu, cốc bia. Nhưng may mắn, Trinh luôn được khách hàng thông cảm. Những lần làm tốt, 9X còn được khách hàng khen, khích lệ. Điều đó khiến cô có động lực để cố gắng làm cẩn thận và hoàn hảo hơn.

Ước mơ đặt chân đến mọi vùng đất khắp các châu lục của Trinh dần trở thành sự thật.

"Có một cặp vợ chồng lớn tuổi người Mỹ biết mình mới lên tàu vài ngày, cũng là lần đầu tiên đi làm và là người Việt duy nhất nên rất thương, hay quan tâm hỏi han. Ngày rời tàu, họ tới thì thầm với quản lý quan tâm mình nhiều hơn", 9X kể.

Lịch làm việc của các thuyền viên không còn được chia theo thứ 2, 3, 4 hay cuối tuần mà cứ luân phiên làm và nghỉ theo từng điểm đến.

Trinh nói giờ giải lao thực sự “quý hơn vàng” vì ngủ bao nhiêu cũng không thấy đủ sau những ca làm việc liên tục hơn 10 tiếng.

Gần 500 nhân viên đến từ hơn 60 quốc gia khác nhau, mỗi người một văn hóa, giọng nói, đều phải học cách hòa hợp khi làm việc và chung sống trên du thuyền.

Khi mới lên tàu, Trinh thường tự nhắc mình phải cảnh giác hơn vì môi trường đa dạng, phức tạp. Thế nhưng, chỉ chưa đến một tháng, cô đã có những người đồng nghiệp thân thiết, xem nhau như anh chị em trong nhà.

“Nhiều bạn người Philippines, Ấn Độ, Myanmar còn tự nấu các món ngon truyền thống đãi mình. Cảm giác rất ấm áp, thân thuộc”.

8 tháng đặt chân đến 30 quốc gia, Trinh nói cô phần nào thực hiện được mục tiêu “Mỗi ngày thức dậy ở một đất nước xinh đẹp" đặt ra ban đầu. Trong những ngày tàu cập cảng, Trinh lại tranh thủ khoảng thời gian nghỉ giữa ca, tự mượn xe đạp đi thăm thú khắp các thành phố ven biển.

“Một hành trình với quá nhiều kỷ niệm, nếu giờ ngồi viết lại chắc có khi còn dài hơn tiểu thuyết “Suối nguồn” của nhà văn Ayn Rand”, Trinh cười nói.

“Chỉ được cái lỳ và liều”

Sau hành trình bạn bè gặp lại đều nói Trinh giờ chững chạc và ra dáng hơn trước nhiều. Còn đối với 9X, cô không dám nói mình chín chắn hơn mà tự nhận xét: "Tôi chỉ được cái lỳ và liều thôi".

“Nhưng nhiều khi liều và lỳ cũng có cái hay. Nhờ hai điều đó mà không phải là người quá giỏi giang, thông minh mà mình đã thực hiện được ước mơ từng bị nhiều người nghĩ là điên rồ”.

Sau chuyến đi, Trinh cũng góp nhặt được thêm không ít điều mới lạ nhờ sống trong môi trường đa văn hóa, đặt chân đến nhiều quốc gia khác nhau. Cô cũng nhận ra bản thân giờ đây mạnh mẽ và dù bị “ném” vào môi trường nào cũng có thể nhanh chóng thích nghi, hòa nhập.

Chuyến đi giúp cô gái 25 tuổi nhận ra nhiều điều mới về chính bản thân.

Supatra Lasa, 27 tuổi, từng làm việc cùng Trinh trên tàu Seven Seas Voyager, vẫn nhớ rõ cô bạn đồng nghiệp người Việt Nam dáng người nhỏ nhắn, luôn tươi cười, niềm nở với khách và đồng nghiệp. Dù chỉ làm cùng nhau 3-4 tháng song cả hai nhanh chóng thân thiết và hiện tại vẫn thường xuyên nhắn tin liên lạc qua Facebook.

“Trinh là người rất dễ thương, tính tình thân thiện và đặc biệt luôn truyền năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh. Về công việc, tôi nghĩ cô ấy đạt điểm 8/10 và có khả năng làm việc nhóm rất tốt”, Lasa nói với Zing.

Cuối tháng 1, du thuyền Seven Seas Voyager buộc phải tạm dừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thay vì về nước ngay, Trinh quyết định đến Ấn Độ học và lấy bằng Yoga 500 giờ trong vòng 2 tháng. Cô dự định sẽ chuyển sang làm việc ở bộ phận workout sau khi tàu hoạt động trở lại.

“Mình xác định 8 tháng qua chỉ mới là khởi đầu. Chặng đường, hành trình phía trước sẽ còn rất dài và cần nhiều sự chuẩn bị hơn nữa”, Trinh cho biết.

Huệ Lâm
Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gai-quang-tri-la-thuyen-vien-du-thuyen-my-di-30-nuoc-trong-8-thang-post1092945.html