Cô gái Pà Thẻn khởi nghiệp với cây chè quê hương
Tận dụng tiềm năng cây chè địa phương, chị Hủng Thị Dạng đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất, chế biến chè thành phẩm, tạo nên thương hiệu riêng của quê hương.
Ý tưởng táo bạo
Từ thị trấn Quang Bình, Hà Giang, phóng viên phải vượt con đường ngoằn ngoèo, khá vất vả mới đến được xưởng sản xuất của chị Hủng Thị Dạng, ở thôn Thượng Bình, xã Yên Thành.
Trong trang phục truyền thống rực rỡ của người Pà Thẻn, chị Hủng Thị Dạng nhanh nhẹn đón phóng viên tham quan xưởng. Thoăn thoắt vừa nói chuyện, vừa hướng dẫn cho chị em xao chè, có thể thấy nghị lực của người phụ nữ dân tộc dám vươn lên giữa nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Mặc dù địa phương có tiềm năng về cây chè shan tuyết, nhưng từ trước tới nay, bà con mới chỉ dừng lại ở việc thu hái tự do, bán cho người thu mua để kiếm “đồng ra đồng vào”, với giá thu mua thấp và biến động theo giá thị trường.
“Trước đây, địa phương có khoảng 65 hộ dân, trồng được gần 60 ha chè, nhưng chủ yếu chỉ thu hái và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Có người thu mua mới bán được, còn không đành bỏ đấy. Có những thời điểm tới vài năm bà con không thu hái, không chăm sóc cây chè, nên tôi tìm cách sản xuất tại chỗ, tạo cơ hội thu mua, tiêu thụ chè cho bà con...”, chị Dạng chia sẻ.
Vốn là người năng động, thích kinh doanh, chị Dạng không chấp nhận cảnh khó khăn, nhận thấy tiềm năng của thị trường chè và những cách làm có thể cải thiện chất lượng và thu nhập của người trồng chè, chị đã nghĩ tới việc mở xưởng chế biến chè thành phẩm.
Đầu năm 2023, chị Dạng biết đến chương trình hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp do dự án CARE quốc tế tại Việt Nam triển khai, chị đã kết nối với nhóm dự án, lên kế hoạch kinh doanh và tham gia danh sách hỗ trợ sinh kế với mô hình sản xuất, chế biến chè tại địa phương.
Dự án đã hỗ trợ cho mô hình của chị Dạng 1 máy xao chè, 1 máy vò chè, máy phát điện, máy hút chân không... phục vụ các công đoạn sản xuất, đóng bao bì sản phẩm.
Đến tháng 9/2023, chị Dạng đã hoàn thiện nhà xưởng, bắt đầu khởi nghiệp và thuê bà con đến lao động, tạo việc làm tại chỗ. Đến nay, xưởng đã huy động số động chị em phụ nữ vào vụ thu hoạch, sản xuất.
Theo chị Dạng, chè là nguồn thu nhập chính, nhưng ít người dân địa phương nắm vững kỹ năng chăm sóc, thu hoạch, nâng cao chất lượng cây chè...
Hiện nay, xưởng sản xuất chè của chị Hủng Thị Dạng đã sản xuất ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình, với mức 7 triệu đồng/tháng.
Cơ hội vươn lên
Chị Hoàng Thị Xuyển, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Thành, huyện Quang Bình, Hà Giang cho biết: “Qua hoạt động hỗ trợ sinh kế, chị em tại địa phương đã thay đổi rất nhiều về nhận thức trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Các mô hình hỗ trợ sinh kế đã giúp thu nhập của các hộ gia đình được cải thiện. Trong đó có mô hình sản xuất, chế biến chè của chị Hủng Thị Dạng, tạo được công ăn việc làm cho chị em địa phương”.
Giữa đồi chè bạt ngàn, chị Hủng Thị Dạng tự tin tự quay giới thiệu quy trình thu hái chè và đăng trên kênh Tiktok để chào hàng...
Chị Dạng cho biết: “Đầu ra sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện tôi chỉ đang bán theo cách truyền thống, theo đặt hàng của khách; bán lẻ và chào hàng tại các cửa hàng ở trung tâm huyện. Mong muốn lớn nhất hiện nay là sản phẩm có thể tìm được đầu ra, để có thể giúp được bà con tiêu thụ sản phẩm ổn định".
Trăm nỗi lo, nhưng được làm chủ mô hình kinh tế của mình, với chị Dạng, đây còn là niềm vui, động lực để chị cố gắng mỗi ngày...