'Cô gái nhà người ta' - Bức tranh đậm màu 'sĩ diện hão'

Bức tranh nông thôn mới hiện ra trong phim 'Cô gái nhà người ta' không chỉ sinh động, đa màu sắc mà còn hài hước, nhẹ nhàng.

Phim “Cô gái nhà người ta”. Ảnh:ITN

Phim “Cô gái nhà người ta”. Ảnh:ITN

Ở đó, không chỉ có những con người cần cù, chăm chỉ mà còn có một bộ phận háo danh, sĩ diện hão khiến cuộc sống cứ mãi rơi vào bế tắc.

Từ mặt con vì “sĩ diện hão”

Cô gái nhà người ta” là bộ phim của đạo diễn Trịnh Lê Phong, lấy đề tài xoay quanh một ngôi làng nhỏ miền quê với cuộc sống của một thế hệ thanh niên. Sau những sai lầm, vấp ngã, ích kỉ để rồi từ đó họ trưởng thành hơn, hiểu rõ ý nghĩa về tình bạn, tình thân, tình yêu.

Họ cũng là những người dám đứng lên đấu tranh bảo vệ lẽ phải và dám chống lại thế lực mạnh hơn mình.

Trong phim, bức tranh nông thôn hiện ra muôn hình muôn vẻ, với những nền nếp sinh hoạt và thói quen của người nông dân. Ở đó, có cả một bộ phận không nhỏ những con người vì quyền lợi riêng mà tha hóa, bất chấp luật pháp để làm giàu cho mình.

Cũng có những người thanh niên dám đứng lên chống lại bất công. Ở đó, còn có những con người vất vả, cần cù, nhưng cũng có cả những con người sĩ diện, háo danh.

Có thể nói, sĩ diện chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp nhất phong bộ phim “Cô gái nhà người ta”. Đặc biệt, chính ông Bá, bố của Uyên (nghệ sĩ Quang Tèo đóng) còn tự nhận mình là “sĩ diện nhất cái làng này”.

Trong phim, ông Bá là trưởng thôn của làng Yên. Cũng vì thói sĩ diện hão của người đàn ông ở một vùng quê lạc hậu, ông Bá đã từ mặt cô con gái hư là Đào. Theo ông Bá, việc con gái làm nghề cắt tóc, gội đầu làm ông mất mặt. Chính vì vậy, nhiều năm, Đào phải ở một mình và chịu nhiều điều tiếng trong sự cô đơn.

Cũng vì thói sĩ diện, ông Bá muốn con gái mình là Uyên lấy người nào để ông có thể “mát mặt”. Vậy nên, khi thấy Cường (Trọng Lân đóng) yêu con gái mình, ông đồng ý ngay và cho rằng “chẳng có ai tốt hơn thế”.

Ông cũng không xem xét con gái mình có thích hay không mà chỉ lo vun vào khi gia đình Cường không những giàu có mà lại có uy trong làng. Một lần nữa, thói sĩ diện của mình đã khiến ông mắc nhiều sai lầm khi luôn lo bị hàng xóm chê cười. Để đến khi con gái từ hôn, ông trở thành “người khác”, uống rượu suốt ngày cũng chỉ để đỡ “mất mặt”.

Truyền tải hơi ấm gia đình

Cũng chính vì thói sĩ diện của người dân mà cô giáo Uyên chấp nhận nghỉ việc vì người ta “xì xào”. Uyên không dám sống cho cuộc đời mình khi trong lòng luôn canh cánh sợ làng xóm chê cười. Uyên cũng không dám đấu tranh khi mình bị cưỡng bức.

Thói sĩ diện đã ảnh hưởng phần nào đến một con người trẻ tuổi như Uyên phải sống trong bối cảnh của làng quê nghèo bao năm không thay đổi, là bức tường ngăn cản cô đến với người mình yêu thương.

Là tuyến nhân vật phụ nhưng thu hút được nhiều fan hâm mộ, Trâm, em gái của Khoa do Kiều My đóng cũng “vướng” vào thói sĩ diện. Khi bỏ nhà đi, hoàn cảnh cứ đưa đẩy để Trâm bị ép đi tiếp khách ở quán Karaoke, nhưng lại chẳng dám nói thật với gia đình.

Và khi biết rõ mình bị lừa gạt, phải làm những việc không muốn, cô đã trốn thoát. Thế nhưng, cũng vì “sĩ diện”, cô chẳng dám về nhà. Cô sĩ diện với chính bố mẹ mình và cả người làng. Cô sợ mang tiếng là gái hư và lẩn trốn mọi người.

Cũng vì sĩ diện với làng xóm mà cô gái đóng vai phụ, mẹ của bé Nga đã phải bỏ đi khi trót có bầu. Để rồi, khi quay về làng với đứa con, cô chỉ dám nhận đó là đứa trẻ mình nhặt nuôi. Và thói sĩ diện đó đã khiến người cha chẳng được nhận con. Khi sự thật được nói ra cũng chính là lúc cha con phải chia lìa.

Ở những tập cuối phim, thói sĩ diện của các tuyến nhân vật giảm đi, đồng nghĩa với việc họ dám nhìn nhận vào sự thật, nhìn thẳng vào nhau. Từ đó, mọi nút thắt đều được tháo gỡ khi không còn phải sĩ diện hão nữa.

Trong bức tranh làng quê ấy, điều quan trọng nhất mà phim muốn truyền tải là hơi ấm gia đình, tình làng nghĩa xóm và việc bảo vệ những giá trị cốt lõi của cộng đồng vẫn luôn được đề cao và trân trọng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/co-gai-nha-nguoi-ta-buc-tranh-dam-mau-si-dien-hao-20200329200147234.html