Cô gái 'da cam' gửi thư cho Tổng thống Mỹ

Trần Thị Hoan - nạn nhân chất độc da cam 23 tuổi, từng sang Mỹ đòi công lý cho bản thân và những người đồng cảnh ngộ - đã viết những bức tâm thư gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama và thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ. Nghe đọc bài

Chuyến đi đòi công lý

Cuối tháng 9.2008, Trần Thị Hoan có mặt trong đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sang Mỹ đòi công lý. Hoan cho biết, tốc độ làm việc của đoàn rất căng, có những hôm kéo dài tới 1-2 giờ sáng. Hoan là người nhỏ nhất trong đoàn, cả về chiều cao lẫn tuổi tác. "Tôi không giúp gì được cho đoàn, nên cố gắng tự xách đồ, giặt quần áo, tự lo cho mình để không vướng bận các cô chú", Hoan kể. Trong vòng 1 tháng, những thành viên trong đoàn đã trải qua hơn 80 cuộc gặp gỡ, giao lưu, phỏng vấn... để nhân dân Mỹ hiểu thêm về nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Lần đầu tiên gặp nhà báo Mỹ, Hoan rất "khớp". Đã thế, Hoan được các cô trong đoàn dặn dò cố gắng không nhờ đến phiên dịch mà phải trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh. Những lần sau, Hoan tự tin, trả lời trôi chảy hơn, trừ khi gặp những từ khó thì mới nhờ đến quyền trợ giúp...

Lúc được hỏi: "Điều ấn tượng nhất trong chuyến đi là gì?", Hoan chia sẻ: "Có nhiều chuyện không thể nào quên. Riêng tôi hay nhớ đến một khuôn viên nho nhỏ có tượng ba đứa trẻ đang đùa vui hồn nhiên, thanh bình ở Mỹ. Đó là kết quả sáng tạo của một số lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Họ tỏ ra hối hận về những chuyện đã làm trên đất nước chúng ta. Và khi đoàn chúng tôi sang, họ hỗ trợ hết mình".

Trần Thị Hoan (giữa) cùng thành viên đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trước trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khi nghe tin Tòa án Tối cao Mỹ bác đơn kiện dân sự của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hoan buồn và thất vọng. Ngày 19.3.2009, Hoan viết một số bức tâm thư gửi nhà chức trách Mỹ, trong đó có lá thư gửi Tổng thống Barack Obama. Hoan kể: "Khi tôi bắt đầu viết thư gửi ông Obama, tôi chợt nhớ đến lá thư do chính ngài Tổng thống viết cho con, bày tỏ mong muốn hai đứa con gái yêu của ông và mọi trẻ em trên thế giới được hạnh phúc. Xúc cảm dâng tràn, tôi viết một mạch...". Còn trong lá thư gửi những vị thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, cô gái này thẳng thắn bày tỏ: "Các ông nghĩ các ông bác bỏ đơn là chúng tôi sẽ bỏ cuộc, sẽ ngừng đấu tranh đòi công lý cho chính chúng tôi sao? Nếu các ông nghĩ thế thì thật sai lầm! Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc cho tới khi chúng tôi nhận được sự công bằng từ các ông. Chúng tôi sẽ đấu tranh đến hơi thở cuối cùng...".

"Chị Hai" ở Làng Hòa Bình

Sinh năm 1986 tại xã Nam Chính, huyện Đức Linh, Bình Thuận nhưng do ảnh hưởng chất độc da cam, Hoan bị mất đôi chân và bàn tay trái. Đến năm 7 tuổi, cô bé vẫn không được đến trường do không có nơi nào nhận. Tình cờ trong một lần lết đi xem đám cưới ở quê, Hoan được một người thợ chụp hình hỏi han và sau đó giới thiệu vào Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ). Tại đây, cô bé được nuôi dưỡng, được học hành. Từ năm học cấp 2, Hoan vừa làm "chị Hai", vừa làm "cô giáo" tình nguyện dạy Toán, truy bài vở cho đàn em đồng cảnh ngộ trong Làng Hòa Bình. Bác sĩ Lê Thị Hiền Nhi, một trong những người chăm sóc Hoan khi Hoan còn bé, nhận xét: "Chúng tôi chỉ hướng dẫn, hỗ trợ; còn lại Hoan đều tự vượt qua những cú sốc tâm lý trong đời. Hoan rất có nghị lực. Cháu hết lòng thương yêu những em trong Làng Hòa Bình". Người viết cũng chứng kiến nhiều đứa trẻ ở ngôi làng đặc biệt này quý mến gọi Hoan là "chị Hai có chiều cao tối thiểu"!

Hiện nay, Hoan đang học ngành Công nghệ thông tin tại trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM. Hoan tâm sự, mỗi khi mùa mưa đến, cô rất sợ những con đường, những bậc thang trơn trượt với những cú té ngã bất ngờ. Những lúc đó, đôi nạng gỗ không thể bảo vệ được cho Hoan. Tuy vậy, Hoan chưa bao giờ có ý định từ bỏ giấc mơ đến trường. Ngược lại, cô còn "chạy sô" cả ban đêm để thực hành vi tính và học thêm ngoại ngữ. Với cô gái này, cuộc đấu tranh cam go đòi công lý cho nạn nhân da cam/dioxin chỉ mới bắt đầu...

"Chị Hai" Hoan và những em nhỏ ở Làng Hòa Bình - BV Từ Dũ - Ảnh: Như Lịch

Kính gửi Tổng thống Obama!

Thưa Tổng thống, tôi tên là Trần Thị Hoan, 23 tuổi, quê ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận của Việt Nam, là nạn nhân thế hệ thứ hai của chất độc da cam, và cũng là một trong số các thành viên đã thay mặt hàng triệu nạn nhân da cam khác có gửi đơn kiện 2 công ty hóa chất của Mỹ Down và Monsanto về việc tạo ra chất dioxin chết người trong thời kỳ chiến tranh; chất độc ấy không chỉ giết chết những người tham gia trong thời kỳ chiến tranh mà còn đang dần dần giết chết các thế hệ trẻ như tôi, và sẽ còn tiếp tục giết cả những thế hệ tới, làm tổn hại nặng nề cho đất nước tôi và nhiều đất nước cũng từng bị rải chất độc này. Tôi có đọc được những dòng thư ông viết cho 2 cô con gái yêu quý của mình, ông đã viết: "Có những điều cha rất mong muốn cho các con - được lớn lên trong thế giới không có giới hạn cho những ước mơ của các con, không có thành tựu gì nằm ngoài tầm với, được trở thành những người phụ nữ đầy lòng thương yêu và tận tụy để giúp xây dựng thế giới này. Cha cũng mong muốn mọi đứa trẻ khác có cùng cơ hội được học, được mơ, được lớn lên và phát triển như những gì các con đang có. Đó là lý do cha đưa gia đình ta bước vào hành trình lớn này", và tôi thật sự xúc động trước tình yêu mà ông dành cho con gái mình cũng như những mong ước mà ông muốn mang lại cho nhiều trẻ em ở các đất nước khác, trong đó chắc chắn có đất nước Việt Nam của chúng tôi. Tôi biết rằng khi tranh cử làm tổng thống, cũng như khi viết những dòng thư trên cho con gái của mình, hẳn là ông cũng đã ít nhiều biết đến chất độc da cam, biết đến những tác hại ghê gớm của nó gây ra, vậy tôi xin được phép hỏi ông: khi ông nói: "Cha cũng mong muốn mọi đứa trẻ khác có cùng cơ hội được học, được mơ, được lớn lên và phát triển như những gì các con đang có", vậy trong cụm từ "mọi đứa trẻ khác", ông có nghĩ đến những đứa trẻ vô tội đang chết dần bởi dioxin không, và cuộc sống, việc học tập của những đứa trẻ đó liệu có được như 2 con gái của ông không, và sẽ như thế nào nếu chúng đang sống trong một đất nước còn gặp nhiều khó khăn? Và ông có những dự định gì để giúp cho "mọi đứa trẻ khác" cũng được học tập, ước mơ, lớn lên và phát triển như con gái của mình? Xin nói riêng về bản thân tôi: thời đi học phổ thông, tôi từng mơ ước sẽ trở thành bác sĩ để về giúp bà con quê tôi vì quê tôi còn nghèo, nhưng tôi đã không thể thực hiện ước mơ ấy vì chất độc da cam đã cướp đi đôi chân và bàn tay trái của tôi, khiến cha mẹ tôi phải rơi bao giọt nước mắt vì xót xa trước hình hài của tôi; và ông nghĩ như thế nào nếu đến thế hệ con của tôi cũng bị như tôi, cũng bị cái thứ chất độc chết người ấy cướp đi hình hài nguyên vẹn, và biết đâu sẽ cướp luôn cả tính mạng của nó (nếu tôi lập gia đình)? Điều này tôi chỉ nói riêng về tôi, nhưng chắc cũng đủ để ông hình dung ra được những nỗi đau của bao bậc cha mẹ khác. Ông đã là cha của 2 cô con gái xinh đẹp, hẳn ông rất hiểu tình yêu thương của các bậc cha mẹ dành cho con mình. Như tôi được biết: các vị cựu chiến binh Mỹ đã được bồi thường, nhưng thế hệ con cháu của họ vẫn chưa nhận được gì từ chính phủ, vậy làm sao con cháu của họ có được cuộc sống tốt như các con của ông? Còn với riêng đất nước của chúng tôi: từ các cựu chiến binh đến các thế hệ trẻ chúng tôi đều không nhận được một tiếng nói công lý nào từ tòa án Mỹ, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần đưa đơn kiện, nhưng các vị thẩm phán của tòa vẫn bác đơn kiện không một lý do và cũng không một lần xem qua tờ đơn! Ít ra khi các vị thẩm phán bác bỏ đơn, các vị cũng nên cho chúng tôi một lý do chính đáng nào chứ?! Vậy cho phép tôi được hỏi ông thêm: khi các vị thẩm phán bác bỏ đơn kiện, vậy mong ước của ông "mang lại cuộc sống tốt cho mọi trẻ em khác" liệu có trọn vẹn không? Ông nghĩ như thế nào nếu tương lai của thế giới chiếm 2/3 là nạn nhân chất độc da cam và nếu tòa án vẫn tiếp tục bác đơn kiện không xem xét? Khi qua Mỹ, tôi thấy rất nhiều người dân Mỹ quan tâm đến vấn đề chất độc da cam, thậm chí là cả các vị luật sư, vậy tại sao tòa án Mỹ lại hờ hững như thế?! Tôi biết rằng ông đang rất bận rộn với bao dự án cấp bách, song tôi nghĩ vấn đề chất độc da cam và cuộc sống của các nạn nhân cũng là một vấn đề cấp bách mà ông cũng nên xem xét vì vấn đề này liên quan đến tính mạng con người và tương lai của toàn thế giới trong tương lai. Mong ông - niềm kỳ vọng không chỉ của riêng nước Mỹ mà còn là của toàn thế giới, một người cha rất mực yêu thương con và có tấm lòng nhân đạo, mong ông dành chút thời gian nhỏ để xem xét vấn đề cho chúng tôi!

Trân trọng kính chào Ông!

Như Lịch

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/co-gai-da-cam-gui-thu-cho-tong-thong-my-367200.html