Cô gái chuyển giới 3 lần 'come out' và hành trình 18 năm tìm lại chính mình

tuổi nhận ra giới tính thật của mình, cậu trai Lê Đạt ấp ủ ý định 'come out' vào năm 18 tuổi để được sống với giới tính thật của mình với cái tên Ngọc Hà.

16 tuổi nhận ra giới tính thật của mình, cậu trai Lê Đạt ấp ủ ý định “come out” vào năm 18 tuổi để được sống với giới tính thật của mình với cái tên Ngọc Hà.

Năm 13 tuổi, Ngọc Hà rung động với một bạn nam cùng lớp. Mặt cô đỏ bừng, tim cô thổn thức mỗi lần chạm mặt với cậu bạn ấy. Nhưng cô nhận thức rõ, mình chỉ có thể mãi mãi đứng ở phía sau, quan tâm âm thầm bằng những điều nhỏ nhặt như mua đồ ăn, hỏi han mỗi ngày… và ủng hộ điều cậu ấy làm. Bởi khi đó, cậu bạn ấy đang có tình cảm với cô bạn thân của Hà.

Những tháng ngày cấp 2 đó cũng chính là khoảng thời gian đau khổ nhất trong quãng đời đi học của Ngọc Hà. Khi mà cứ bước chân vào trường là biết bao ánh mắt kỳ thị, khinh thường nhìn theo bóng dáng khép nép, muốn chạy trốn thực tại của Hà.

Ngọc Hà hồi nhỏ dưới cái tên Nguyễn Lê Đạt

“Pê đê kìa!”

“Pê đê đến!”

Những câu cười cợt, đả kích theo mỗi bước chạy thục mạng của Ngọc Hà, đến khi nép vào hành lang lớp học tránh khỏi ánh mắt của mọi người, cô mới thở được.

Giờ chào cờ đầu tuần, thể dục giữa giờ, sinh hoạt ngoại khóa mỗi tuần là điều sợ hãi nhất trong thời gian biểu ở trường của Ngọc Hà. Cô bỗng dưng trở thành tâm điểm của các cuộc tán gẫu giữa các nhóm học sinh trong trường, trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ với lời đàm tiếu “pê đê”.

Vì vậy, trong quãng thời gian đi học ấy, Ngọc Hà luôn là người đến sớm nhất và là người cuối cùng bước ra khỏi trường.

Không ngày nào đến trường, Ngọc Hà không bị tất cả các bạn nam trong lớp đè xuống đất như một trò chơi đùa. Cô sống trong sự trêu đùa đó suốt hơn 1 năm.

Vừa đặt cặp sách xuống bàn, cô bị đè xuống.

Vừa hết tiết học, cô giáo ra khỏi lớp, cô bị đè xuống.

Ngọc Hà cố gắng tỏ ra mình là một người đàn ông mạnh mẽ. Cô đau mà không lên tiếng nên các bạn tưởng rằng cô không đau. Mãi sau này, Hà mới thấu: “Sự mạnh mẽ đó đã vô tình giết chết mình”.

Những lần thở dốc 15 phút mới hồi lại sau khi bị hàng chục bạn nam đè bẹp xuống nền lớp học ám ảnh cô tới mức ra chơi mỗi tiết học, cô phải chui vào nhà vệ sinh để tránh.

Nhưng vào nhà vệ sinh, Ngọc Hà lại bị dội nước lên đầu. Những ngày mùa đông buốt giá, nước lạnh xối từ trên cao hòa vào nước mắt, cô càng uất ức.

Nghẹn ứ. Ngọc Hà chẳng thanh minh. Vì cô biết, người ta đã nghĩ mình như vậy rồi thì cho dù mình có lên tiếng như thế nào thì họ cũng chẳng hiểu ra mà cảm thông.

Ngọc Hà còn bị các bạn nam tụt quần để kiểm tra xem cô có giống họ không. Kinh khủng nhất, họ đã quay lại toàn bộ quá trình đó. Xong xuôi, họ cợt nhả với nhau. Còn Hà, thu lu vào góc tường.

Đúng lúc cô giáo bước vào, nhìn thấy Hà quay lưng về phía bảng, cô giáo hỏi, cả lớp nhao nhao bạn kia bị điên…

Ngọc Hà quay lại, hoang hoải tìm ánh mắt của cậu bạn thầm thích, chỉ nhận lại cái cười cợt, tìm kiếm sự giúp đỡ của các bạn nữ chơi cùng nhưng vô vọng. Cuối cùng có một bạn bày trò đã ra đỡ Hà dậy. Cô giáo ghi sổ đầu bài “Lúc cô giáo bước vào, bạn Lê Đạt ngồi cuối lớp khóc. Đề nghị cô giáo làm rõ chuyện này” nhưng không có ai đưa chuyện ấy ra ánh sáng.

Đơn độc. Tủi hổ. Ngọc Hà bị đả kích đến mức muốn nghỉ học, có ý định tự tử. Cô đã từng nói với mẹ: “Mẹ ơi con muốn nghỉ học” nhưng mẹ cô gạt đi.

Từ hôm đó, Ngọc Hà nung nấu ý định năm 18 tuổi sẽ công khai với bố mẹ.

“Bố mẹ ơi! Con rất muốn làm người con trai đúng nghĩa nhưng con không thể làm được. Con muốn trở thành người con gái của bố mẹ…”

Dòng trạng thái được cập nhật bởi tài khoản facebook có tên Nguyễn Lê Đạt. Đó là nỗi niềm của cậu con trai tóc tém khi tới tham gia sự kiện Việt Pride 2014 – Một sự kiện được cộng đồng LGBT tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh quyền tự do yêu thương và tự do thể hiện không phân biệt xu hướng tính dục và bản dạng giới của mỗi cá nhân.

Cũng từ đây, Ngọc Hà chính thức bước vào chuyến hành trình đầy cam go và thử thách với những lần xung đột giữa bố mẹ và cô.

Một tuần sau dòng cảm xúc tủi hổ khi nhìn thấy các chàng trai được khoác lên mình những chiếc váy lộng lẫy, trang điểm kiêu kỳ đó của Ngọc Hà, bố mẹ gọi cô ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc.

Bố Ngọc Hà nói đôi câu, mẹ cô thêm vào vài lời… Từ giọng nói ngọt ngào, theo cuộc tranh cãi đã trở nên gay gắt. Không khí gia đình trở nên nặng nề.

“Con chỉ muốn ra đường, đâm vào xe ô tô chết quách đi cho xong”, Hà chen ngang cuộc cãi vã của bố mẹ cô.

Sau cuộc nói chuyện, bố mẹ và Ngọc Hà chẳng bên nào nhượng bộ. Cô tiếp tục đi học. Bố mẹ tiếp tục công việc kinh doanh. Cả hai bên tự lừa dối chính mình và lờ đi, như chưa từng có dòng trạng thái kia và cũng chưa có cuộc nói chuyện đó.

Có những lúc Ngọc Hà muốn mở lời, nhưng chỉ cần tiến lại gần thì mẹ đã chặn ngay: “Mày đi ra đi!”.

Lúc này, Ngọc Hà không có người thân nào thấu hiểu, chỉ biết tìm đến những người bạn cũng giống mình để ngả đầu vào: “Mọi người ơi! Hà phải làm sao đây?”, “Hà sợ lắm”…

Một ngày tan trường cuối năm học lớp 12, Ngọc Hà hòa vào dòng học sinh trở về nhà. Bố mẹ cô vẫn như mọi ngày, ngồi đợi cơm trưa. Thấy bố mẹ nói chuyện vui đùa, cô liều mình gợi ý “Con muốn làm con gái”.

Choang! Bát cơm trên tay bố Ngọc Hà rơi xuống đất. “Mày bôi tro trát trấu vào mặt tao, làm tao xấu hổ với họ hàng anh em”, bố cô sẵng giọng.

Mẹ nói Ngọc Hà bị bệnh gì đó, cần phải cắt bỏ cái dây thần kinh đã khiến Lê Đạt tuấn tú của bà trở thành Ngọc Hà yểu điệu, cô mới trở lại "bình thường".

Giữa xóm chợ hối hả, không biết đã có bao nhiêu bữa ăn mà Ngọc Hà chỉ muốn lùa vội bát cơm rồi đứng dậy.

Giữa cơn thịnh nộ của bố mẹ, một lần nữa Ngọc Hà muốn quyên sinh. Rồi cô nghĩ tới những người đã dũng cảm công khai và phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Trong họ chắc hẳn cũng trải qua quá trình giằng xé với khao khát thầm kín, sự xung đột giữa hai bản thể đối lập, và niềm hạnh phúc khi được làm phụ nữ.

Ngọc Hà soi chiếu lại bản thân, thấy cuộc đời mình chưa có gì mà chết như vậy thì phí quá. Và khao khát tìm lại chính mình đã giúp cô bừng tỉnh.

Bố đổ lỗi cho mẹ. Mẹ đổ lỗi cho Ngọc Hà. Cô cầu xin bố mẹ: “Bố mẹ hãy cứ để con sống là một đứa con gái. Con hứa vẫn sẽ cho bố mẹ một đứa cháu”.

Ngọc Hà là con một, lại là con đầu cháu sớm nên không chỉ bố mẹ mà cả ông bà đều kỳ vọng vào chàng trai Nguyễn Lê Đạt. Mọi người lại càng mong chờ sự xuất hiện của những đứa con Hà.

Nghĩ lại, có lẽ bố mẹ đã quá áp lực, quá mệt mỏi với những câu hỏi không lời đáp từ bà con chòm xóm, họ hàng: Tại sao lại đẻ ra một thằng con trai bị như thế? Họ đã dùng từ “bị” khi nói về cô cùng định kiến của mình.

Bố mẹ bắt đầu dần chấp nhận con người thật của Ngọc Hà. Tết vừa rồi, mẹ cô mua tặng cô chiếc áo ngực. Rồi bố cũng tặng cô chiếc nhẫn và vòng cổ có thiết kế rất con gái.

Ngọc Hà tham gia cuộc thi dành cho người chuyển giới, mẹ đã tặng cô đôi cao gót đồng điệu với bộ váy cô mang. Bố kêu gọi mọi người xung quanh: “Mọi người bình chọn cho con gái em Nguyễn Ngọc Hà nhé”.

Dù không lên tiếng chấp nhận nhưng bố mẹ Hà đã ngầm để cho cô sống cuộc đời của một người con gái.

“Ngọc Hà ơi, ra đây bố bảo!”

Câu gọi dịu dàng đó, khi bố thốt ra đầu tiên, Ngọc Hà đã bật khóc. Cô khóc cho những tháng ngày tranh đấu đã qua và khóc cho cả sự biết ơn với bố mẹ của mình.

Người con gái có cái tên Nguyễn Lê Đạt nghĩ mình phải đổi tên để ra dáng thiếu nữ. Kiều Anh, Hồng Hạnh và Ngọc Hà là 3 cái tên hiện lên trong đầu. Cô định chọn tên Kiều Anh nhưng thế nào lại đổi thành Ngọc Hà. Cái tên Ngọc Hà gắn bó với cô từ 3 năm nay.

Tốt nghiệp lớp 12, Ngọc Hà bắt tay vào thực hiện giấc mơ cuộc đời mình, khởi đầu bằng việc nuôi tóc dài. Mỗi ngày thức dậy, cô đều hạnh phúc nhìn ngắm mái tóc của mình.

Giây phút nhìn mình qua gương đã trở thành một trong những khuôn hình đẹp nhất cuộc đời thiếu nữ Ngọc Hà. Đôi tay chậm rãi vuốt từng lọn tóc, mái đầu nghiêng nhẹ, cô như một bông hoa xinh đẹp đang nở bừng sức sống.

Ngọc Hà bắt đầu đánh son, tìm hiểu những điều rất con gái. Chưa có điều kiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính, cô tập trung đầu tư cho vẻ bề ngoài. Cô muốn mặc đẹp, trang điểm khi ra ngoài đường, muốn kiêu hãnh nói với cả thế giới rằng, “Tôi là một người phụ nữ”.

Phong cách ăn mặc của Ngọc Hà biến chuyển dần dần. Cô mặc menswear, rồi chuyển sang đồ nữ đen trơn, từ những áo đơn giản rồi đến những chiếc váy gợi cảm, cầu kỳ.

Lần đầu tiên khoác lên mình chiếc váy xòe gợi cảm, với lớp voan bóng bẩy, trong lòng Ngọc Hà xuất hiện một cảm giác vui sướng lạ lùng. Từng ngón tay cô cứ thế chậm rãi mân mê chiếc váy ao ước bấy lâu. Nó đánh thức phần giới tính nữ ngủ vùi trong cô đã hơn một thập kỷ qua.

Ngọc Hà nép mình ngồi sau xe của bố, khoác chiếc váy bồng bềnh màu hồng xuống phố, lần đầu tiên cô thấy thành phố nơi cô sống lại đẹp một cách lạ lùng đến vậy. Đó cũng là khoảnh khắc đầu tiên cô mặc váy trước mặt người bố của mình.

Màu hồng cũng là màu Ngọc Hà yêu nhất, cô cũng lấy nghệ danh là Pinky trong mỗi lần đi diễn. Cô tự hỏi tại sao biểu tượng cầu vồng lục sắc của cộng đồng LGBT lại không có màu hồng? Là bởi cuộc sống của họ không có màu hồng? Hay để có được màu hồng thì họ phải trải qua quá trình toàn màu đen?

Ngọc Hà không phủ nhận rằng cô cảm thấy thích thú với dáng hình của mình trong những bộ váy duyên dáng. Cô thích cảm giác mềm mại của bộ trang phục nữ và thấy mình thuộc về nó ngay từ giây phút đầu tiên.

Ngọc Hà bắt đầu tiêm hormone nữ từ tháng 3/2018. Khi phần ngực dần dần nhú ra cũng là lần đầu tiên, cô gái 20 tuổi cảm nhận được cái đau nhói ở ngực của một cô bé đến tuổi dậy thì.

Hormone nữ khiến sức Hà yếu đi, không còn dắt nổi chiếc xe máy mà ngày xưa vẫn dắt đi một cách dễ dàng, nhưng cũng đổi lại cho Hà làn da mịn màng và cơ thể mềm mại của một cô gái thực sự mà Hà phải chờ 20 năm mới có được.

Một hành trình vừa đau khổ, vừa viên mãn của cô gái dũng cảm Ngọc Hà mới đi qua được phần nào.

Phía trước cô còn là cả một chuyến đi dài, cũng đầy cam go và thử thách.

(Come out: dùng để chỉ việc công khai thiên hướng tính dục của cộng đồng LGBTI+)

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/co-gai-chuyen-gioi-3-lan-come-out-va-hanh-trinh-18-nam-tim-lai-chinh-minh-d11066.html