Cô gái 'canh cua rau đay' và chuyện học sinh phải giỏi toàn diện

Cô gái “canh cua rau đay” Phạm Thị Quyên có thể không phải là học sinh giỏi toàn diện nhưng lại là kỹ sư tốt. Không thiếu những học sinh giỏi toàn diện sau khi ra trường không biết mình phải làm gì…

Mấy ngày qua, dư luận vẫn chưa hết nóng vì câu chuyện gameshow “Ai là triệu phú” (phát sóng tối 22.11 trên VTV3), nữ kỹ sư Phạm Thị Quyên tốt nghiệp trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã phải dùng đến sự trợ giúp ở ngay 2 câu hỏi đầu tiên được coi là dễ ợt: “El Nino là gì?” và “Người ta thường nấu canh cua với rau gì?”

Cô kỹ sư Phạm Thị Quyên bó tay với câu hỏi được cho là dễ ợt!

Người xem đã được một phen cười hả hê khi thấy cô kỹ sư trẻ với đôi mắt ngơ ngác: “Ôi! Mới câu đầu tiên sao khó thế? Cháu chưa nghe đến từ này bao giờ? Cháu nghĩ đó là một loại sữa!”. Đến câu hỏi về canh cua, cô gái trẻ lại trả lời rất hồn nhiên: “Ôi! Cháu chưa nấu canh cua bao giờ. Cháu có ăn rồi nhưng không biết trong ấy người ta cho cái gì?”

Ngay sau những tiếng cười sảng khoái, cộng đồng mạng lao vào một cuộc “ném đá” không thương tiếc đối với cô gái trẻ. Người khắt khe cho rằng cô kỹ sư đã 24 tuổi nhưng thiếu kỹ năng sống, giống “gà công nghiệp”, người ta phán đoán cô chắc phải được nuông chiều từ bé, không phải động chân tay vào công việc bếp núc?

Hả hê xong, nhiều người quay sang chỉ trích cách giáo dục của nhà trường: “Không biết họ dạy cho cô những gì? Nói rộng ra, học sinh đang học được gì trong trường học? Một nền giáo dục khiến cho một kỹ sư không biết...nấu canh cua với rau đay là nền giáo dục kiểu gì đây?”

Đám đông xúm vào “ném đá” Quyên không hề biết rằng, cô kỹ sư trẻ là cô gái duy nhất theo học khoa ô tô của trường ĐH Công nghiệp. Thay bằng không biết nấu canh cua với rau đay, cô giỏi hơn rất nhiều nam sinh viên trong khoa với việc chui vào gầm ô tô, bắt vít, sửa máy cho các thể loại ô tô.

Trong khi không ít cử nhân cứ nhận bằng là...gia nhập đội quân thất nghiệp hùng hậu hơn 225.000 người mỗi năm, thì cô gái nhầm El Nino với sữa lại đỗ ngay vào một tập đoàn danh tiếng của Nhật với mức lương mơ ước. Và trong khi dư luận đang rào rào buông lời chỉ trích thì cô kỹ sư trẻ lại tung tẩy ở đất nước khắt khe bậc nhất thế giới về lựa chọn lao động là Nhật Bản để theo đuổi những dự án khó nhằn của công ty mình.

Cô gái “canh cua rau đay” dường như không chỉ đơn thuần là nạn nhân của lối tư duy đám đông, phong trào “ném đá” cộng đồng hay thói quen của những “anh hùng bàn phím”. Cô là nạn nhân của cả đám đông đang bị “lỗi hệ thống” - hậu quả của một quá trình dài lâu và được hun đúc trong những cái khuôn thành tích mang tên: “Học sinh giỏi toàn diện - đã giỏi tức là cái gì cũng phải giỏi”.

Bất kỳ ai từng ngồi trên ghế nhà trường cũng từng không thoát nổi ước mơ: Trở thành học sinh giỏi toàn diện. Để được công nhận là học sinh giỏi toàn diện, người đó phải được ít nhất 8’ trong học bạ cuối năm ở tất cả các môn học từ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và tất nhiên không ngoại trừ cả mỹ thuật, giáo dục công dân, thậm chí...thể dục, văn nghệ.

Tôi đã từng chứng kiến một cô bạn cùng lớp, là lớp trưởng, cô biết ăn nói, có uy với các bạn và tất nhiên học rất giỏi. Hầu như tất cả các môn học cô đều được trên 9', riêng các môn Toán, Lý, Hóa luôn được 10'. Nhưng đáng tiếc, cô lại là người có sức khỏe không tốt, rất yếu ớt và thỉnh thoảng lại ngất “bất thình lình” do huyết áp thấp. Chính vì điều này, điểm môn thể dục của cô luôn thấp, thường xuyên không vượt qua điểm 4. Giáo viên chủ nhiệm không chấp nhận “để mất” một học sinh giỏi toàn diện trong lớp mình nên đã đề nghị giáo viên thể dục “đặc cách” nâng điểm của cô trong học bạ. Và cuối năm nào cũng vậy, cô lớp trưởng yếu ớt không vượt qua điểm 4 vẫn đương nhiên trở thành học sinh giỏi toàn diện với 8' môn thể dục.

Việc đòi hỏi sự toàn diện ở một học sinh giỏi còn khiến không ít người rơi vào bi kịch: Giỏi thì giỏi thật mà chẳng biết giỏi gì. Nhiều học sinh “trót” làm học sinh giỏi toàn diện, sau 12 năm chăm chỉ ngoan ngoãn làm thợ học, thợ thi, dành giải này, giải nọ nhưng khi chọn trường, chọn nghề thì không biết mình có sở trường, sở đoản gì, nên theo học cái gì? làm cái gì trong tương lai? Và lúc này cái danh “Học sinh giỏi toàn diện” trở thành một mê cung hết sức nhảm nhí, khiến cho người có được cái danh đó không biết sử dụng chính bản thân mình vào việc gì cho hợp lý, chỉ vì... cái gì cũng giỏi.

Hiện "cô gái rau đay" Phạm Thị Quyên đang đầu quân cho một tập đoàn của Nhật Bản.

Nhận ra bất hợp lý này, gần đây ngành giáo dục đã thay đổi mục tiêu đào tạo theo hướng: Phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Cụm mỹ từ này, nói đơn giản tức là người học sẽ được học đạo đức để sống tốt, học kỹ năng để sống an toàn và đặc biệt là được phát triển tiềm năng, điểm mạnh của bản thân mình để sống hạnh phúc.

Để đi đến được đích này, đã có nhiều động thái: Từ việc chỉ được thi các môn bắt buộc, hiện, học sinh đã được thi các môn tự chọn; từ việc đánh đồng khen thưởng: Học sinh tiên tiến, học sinh giỏi....hiện, đã có những tờ giấy khen từng mặt như: “Có năng khiếu về môn Toán; Học tốt môn Mỹ thuật...”

Tuy nhiên, để một xã hội đã quen với việc khen một đứa trẻ đạt điểm cao ở tất cả các môn chuyển sang khen một đứa trẻ chỉ hát rất hay mà học văn hóa cực dốt thì những cải cách, đổi mới trong giáo dục còn là cả một quá trình lâu dài và đầy gian nan.

Tôi chợt nhớ lại lời của GS Toán học Ngô Bảo Châu: “Giáo dục không có chức năng đào tạo ra những con người giống nhau, không thể đào tạo ai ai cũng thành một mẫu người chung. Phương pháp giáo dục mang tính nhân bản nhất là làm sao mỗi người phát triển được tài năng vốn có của mình”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/co-gai-canh-cua-rau-day-va-chuyen-hoc-sinh-phai-gioi-toan-dien-725741.html