Cô gái bị cha mẹ đặt tên mang ý nghĩa 'mong có em trai'

Suốt gần 2 thập kỷ, Fang Qian phải sống với cái tên mang ý nghĩa 'muốn có em trai' theo nguyện vọng của gia đình.

Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone, kể về hành trình rũ bỏ cái tên mang nghĩa "trọng nam khinh nữ" do gia đình đặt để tìm lại danh tính thực của Fang Qian.

Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê phía đông tỉnh An Huy, Trung Quốc. Gần 20 năm cuộc đời, tôi phải sống với cái tên mình căm ghét - Zhaodi, hàm ý "mong có em trai".

Mọi chuyện bắt đầu năm tôi 6 tuổi. Vì cha mẹ đi làm xa, thường xuyên vắng nhà, bà nội đã tự khai tôi trong hộ khẩu là Zhaodi. Danh tự này hoàn toàn khác với cái tên cha tôi lựa chọn trước đó là Qian, mang nghĩa "xinh đẹp".

Bà giải thích rằng thời xưa, chỉ phu nhân nhà quan mới có chữ "di" trong tên gọi. Nhưng thực chất, người ta thường dùng từ này để đặt tên cho con gái với ước mong đứa tiếp theo sẽ là một cậu quý tử.

Dù tập tục này đang dần mai một, nhiều cô gái vẫn sở hữu cái tên này. Thống kê của chính phủ chỉ ra rằng trong số những họ phổ biến ở Trung Quốc, có 16.557 phụ nữ được gọi là Zhaodi.

 Nhiều trẻ em gái và phụ nữ ở Trung Quốc được gia đình đặt tên mang ý nghĩa "khát cầu con trai".

Nhiều trẻ em gái và phụ nữ ở Trung Quốc được gia đình đặt tên mang ý nghĩa "khát cầu con trai".

Mặc cảm vì tên gọi

Cuối cùng, hy vọng có con trai được gia đình gửi gắm trong cái tên Zhaodi cũng trở thành hiện thực: Tôi có thêm em trai. Cả nhà hết sức vui mừng, dồn toàn bộ yêu thương, săn sóc lên cậu quý tử.

Trong khi đó, tôi phải đối diện với những lời chế giễu, đàm tiếu từ những người xung quanh. Hồi đi học, tên tôi luôn là chủ đề bàn tán của thầy cô, bạn bè. Dần dần, tôi ngày càng khép mình, không chủ động trò chuyện hay giới thiệu bản thân với người khác nữa.

Khi ấy, tôi giận cha mẹ vì để con gái phải mang tên kỳ lạ, vì chiều chuộng em trai hơn. Những cảm xúc tiêu cực dồn nén đẩy tôi vào con đường nổi loạn, khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà gần như rạn nứt.

Fang Qian cảm thấy vô cùng xấu hổ, tủi thân vì mang tên "Zhaodi".

Sâu thẳm trong lòng, tôi chỉ muốn được người thân yêu thương, bạn bè chấp nhận. Quan trọng nhất, tôi thực sự mong cha mẹ sẽ giúp tôi rũ bỏ cái tên mang nghĩa "trọng nam khinh nữ" này.

Dù thỉnh cầu không biết bao lần, cha tôi vẫn cho rằng đổi tên là chuyện bất khả thi. Vì thế, khi đủ 18 tuổi, tôi quyết định tự mình thực hiên điều đó.

Kỳ nghỉ hè năm nhất đại học, tôi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, khăn gói tới sở cảnh sát ở quê nhà An Huy và yêu cầu được thay tên trên giấy khai sinh cùng hộ khẩu. Song, cảnh sát tiếp nhận hồ sơ luôn miệng khuyên nhủ tôi từ bỏ nguyện vọng.

Anh ta nói quá trình sửa đổi danh tính hết sức phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhận bằng tốt nghiệp về sau. Thậm chí, người này còn nói: "Đây là một cái tên hay. Nhân vật nữ trong cuốn tiểu thuyết tôi thích cũng có tên vậy mà!".

“Mỗi cô gái đều xứng đáng có tên riêng”

Sau lần đó, tôi cảm thấy hoàn toàn lạc lối. Nhiều đêm trằn trọc với nỗi niềm riêng, tôi lại lên Internet tìm đọc câu chuyện của những người đồng cảnh ngộ.

Trong số hàng trăm bài viết, tôi tình cờ bắt gặp trang blog của một cô gái có cùng trải nghiệm. Người này mạnh mẽ phản đối cách đặt tên nặng định kiến giới và đồng cảm với bất kỳ ai phải mang cái tên đó suốt đời.

Bài viết này khiến tôi nhận ra bản thân chưa thực sự làm hết sức để đấu tranh cho quyền lợi của mình. Do đó, khi chuyển hộ khẩu về Hàng Châu vì công việc, tôi thử tìm cách thay đổi tên họ một lần nữa.

Theo quy định của chính quyền địa phương, tôi có thể đăng ký sửa đổi danh tính nếu đáp ứng đủ điều kiện. Dù quá trình không hề đơn giản, tôi vẫn nộp đơn với hy vọng tràn trề.

Thủ tục thay đổi danh tính tại Trung Quốc vô cùng phức tạp, thậm chí yêu cầu xuất trình chứng cứ xác minh "tên gọi hiện tại gây ảnh hưởng tâm lý".

Tuy nhiên, yêu cầu của tôi bị từ chối vì thiếu bằng chứng cho thấy cái tên hiện tại "gây tổn thương tinh thần và tâm lý sâu sắc". Ngay hôm đó, tôi vội vã tới bệnh viện để xin xác nhận từ bác sĩ khoa tâm thần.

Nghe câu chuyện của tôi, bác sĩ tỏ ý nghi hoặc và gặng hỏi: "Cô không nghĩ mình đang làm quá mọi chuyện lên sao?". Câu hỏi ấy khiến tôi tổn thương rất nhiều. Nhưng tôi không thể dễ dàng từ bỏ như vậy.

Trải qua 3 tháng ròng với hơn 50 cuộc điện thoại, hàng chục cuộc gặp mặt và vô vàn lá thư gửi tới cơ quan chức năng, nguyện vọng của tôi đã trở thành sự thực. Ngày 22/7/2018, tôi được tái sinh dưới cái tên mới - Qian, nghĩa là "sức sống, hòa bình".

Cầm trên tay chiếc chứng minh thư mới, tôi nhanh chóng chụp lại và gửi ảnh vào nhóm WeChat gia đình. Cha mẹ tôi khi ấy vô cùng vui mừng vì con gái có đủ kiên trì, đủ mạnh mẽ để theo đuổi thứ tưởng như bất khả thi.

Năm 25 tuổi, tôi tự hào vì đã thay đổi tên mình. Tuổi 27, tôi muốn truyền cảm hứng cho những người phụ nữ đồng cảnh ngộ. Hy vọng rằng cùng nhau, chúng ta có thể đưa những cái tên như Zhaodi trở thành dĩ vãng. Vì mỗi cô gái đều xứng đáng có cái tên cho riêng mình.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gai-bi-cha-me-dat-ten-mang-y-nghia-mong-co-em-trai-post1170751.html