Cô gái bị bắt vì đụng ôtô tiếp tục kêu oan

Dù đã được đình chỉ điều tra nhưng nữ công nhân cho biết sẽ khiếu nại vì cô bị oan chứ không phải do chuyển biến tình hình mà hành vi đó không còn gây nguy hiểm cho xã hội.

Trong vụ “cô gái bị bắt vì đụng ôtô” mà Pháp Luật TP.HCM nhiều lần phản ánh, ngày 15/8, nữ công nhân Thạch Thị Bé Trúc đã nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can của Công an huyện Củ Chi. Quyết định do thượng tá Nguyễn Văn Bổn (Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Củ Chi) ký ngày 13/8.

"Sẽ khiếu nại vì bị oan"

Trong quyết định đình chỉ điều tra, cơ quan điều tra nhận định: “Trong quá trình điều tra, do chuyển biến tình hình mà hành vi của Bé Trúc không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa, phần dân sự đã giải quyết dứt điểm nên Bé Trúc có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và điểm a khoản 2 Điều 29 Bộ luật hình sự (BLHS), cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra bị can”.

Như vậy, về mặt pháp lý, với quyết định đình chỉ điều tra của Công an huyện Củ Chi, Trúc đã chính thức thoát khỏi vòng tố tụng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, Trúc vẫn cho biết sẽ làm đơn khiếu nại lý do đình chỉ điều tra của Công an huyện Củ Chi vì cô cho rằng mình bị oan, cô không hề có lỗi trong vụ tai nạn giao thông chết người này.

“Gia đình đang êm đềm thì tai nạn ập đến, tôi bị giam gần 10 tháng. Hàng xóm cứ xầm xì không biết tôi làm gì đến nỗi bị công an bắt… Gia đình bên chồng cũng không một người đến thăm tôi, kể cả chồng. Đêm nằm nhớ các con thơ chỉ biết khóc, tôi đã ba lần đập đầu vào tường tự tử mà không chết được” - Trúc rơi nước mắt khi nhớ về những ngày tháng sau khi cô bị khởi tố, bắt tạm giam.

Thạch Thị Bé Trúc cùng các LS Trịnh Công Minh, Kim Ron Tha tại Công an huyện Củ Chi.

Trúc khẳng định lại nếu cô thật sự có tội, đi tù bao nhiêu năm cô cũng không sợ. “Sau khi chạy rất nhanh đụng phải xe máy của tôi, tài xế ôtô say xỉn bước xuống xe, có nhiều người dân ở đó chứng kiến. Ai cũng biết mặt người này làm gì, ở đâu nhưng không ai dám đứng ra làm chứng cho tôi. Anh ta là người gây ra tai nạn mà lại ung dung thoát vòng pháp luật, còn tôi tội tình gì mà phải đến nông nỗi này?”.

Trúc gạt nước mắt kể tiếp: “Tôi cũng là nạn nhân, cũng phải đi bệnh viện cấp cứu sau tai nạn đó. Nhiều lần tôi ước mình chết luôn trong tai nạn đó để khỏi phải chịu cảnh oan trái này”.

"Không phù hợp, khiên cưỡng"

Trao đổi với phóng viên, ba luật sư (LS) Trịnh Kim Ron Tha, Trịnh Công Minh, Thân Trung Đại (cùng là thành viên Đoàn LS TP.HCM, bào chữa miễn phí cho Trúc) nhận định việc cơ quan điều tra áp dụng điểm a khoản 2 Điều 29 BLTTHS 2015 là “không phù hợp và khiên cưỡng”.

Theo các LS, điều khoản này quy định: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Với việc miễn trách nhiệm hình sự theo điều khoản này, người bị oan sẽ không được xin lỗi, bồi thường theo luật định.

Trong vụ án của Trúc, các LS cho rằng lẽ ra cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra với căn cứ quá thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm theo điểm b khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015 hoặc hành vi không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 157 BLTTHS 2015 mới phù hợp.

“Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam Trúc gần 10 tháng, đặc biệt khi cô đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự. Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được một lời giải thích nào về việc này thì cơ quan điều tra lại tiếp tục lạm dụng “chuyển biến tình hình” nhằm né bồi thường oan, gọt chân cho vừa giày là không công bằng với Trúc” - LS Minh bức xúc.

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/co-gai-bi-bat-vi-dung-oto-tiep-tuc-keu-oan-post869172.html