'Cô gái bão' và chuyện tình đẹp như cổ tích với chàng lính tàu ngầm

Gặp nhau trong đám cưới một người bạn, Hồ Thị Phương Nga đem lòng yêu chàng lính tàu ngầm Lê Đắc Thắng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Tình yêu vượt nửa nghìn cây số

Năm 2015, cô gái trẻ Hồ Phương Nga tham dự đám cưới của một người bạn học chung đại học. Một đám cưới được tổ chức trong quân ngũ. Đó cũng là lần đầu tiên Nga được thấy tường tận cuộc sống của những người lính hải quân mà vốn chỉ được nghe kể và xem trong sách báo.

Lê Đắc Thắng, anh chàng lính tàu ngầm đơn vị 189, là người được phân công đi đón thân nhân và bạn bè của đồng đội đến dự đám cưới. Trong khoảnh khắc đấy, trong trái tim của một người chiến sĩ đã bắt đầu có những xúc cảm mới.

Còn với Phương Nga, cô gái vẫn nhớ vẹn nguyên tâm trạng của những giây phút đầu tiên đó: “Không hiểu sao lúc đó mình thấy cực kỳ ngưỡng mộ anh Thắng, có lẽ chỉ có thể gọi tên nó là cảm nắng bởi lần đầu tiên thấy hình hài một người lính biển rắn rỏi”.

Những khoảnh khắc đời thường của “cô gái bão” và chàng lính tàu ngầm

Những khoảnh khắc đời thường của “cô gái bão” và chàng lính tàu ngầm

Thế rồi, sau đám cưới anh chàng lặng lẽ xin số điện thoại của cô gái. Thời gian quá chóng vánh để có thể tâm tình lâu hơn. Lúc cô gái trở về, chàng trai quê Nghệ An lầm lỳ, ít nói ấy chẳng biết làm gì mà chỉ biết chạy theo dúi vào tay cô gái trẻ một tấm ảnh anh chụp tàu ngầm lúc nổi kèm lời nhắn gửi: “Hy vọng em sẽ có chút cảm tình dành cho anh”.

Tâm sự với chúng tôi, anh Thắng kể: “Gửi thế nhưng anh sợ lắm. Chỉ sợ người ta không có cảm xúc gì dành cho mình, sợ họ cảm giác bị làm phiền”.

Lấy hết can đảm, chàng trai gọi điện cho cô gái. Và có lẽ, trong cơ man của sự tưởng tượng anh cũng không thể hình dung được những gì đang diễn ra. Cuộc điện thoại đầu tiên của họ kéo dài đến hơn 3 tiếng đồng hồ. Họ gọi đó là “cuộc gọi thay đổi cuộc đời”. Ngày 22/12 năm đó cũng là thời điểm Phương Nga xác định rõ tình cảm của mình. Cô lặng lẽ gửi một tấm thiệp chúc mừng với hình ảnh lính tàu ngầm cùng logo áo lính thầm gửi theo cả tình yêu và trách nhiệm.

Một tháng sau, cô gái trẻ từ Kon Tum lặng lẽ bắt xe vượt hơn 500 cây số xuống tại Cam Ranh để gặp cho được mảnh ghép của cuộc đời mình. “Hôm đó, chúng mình ôm chầm lấy nhau như đã quen thân từ lâu lắm rồi. Đến bây giờ đôi lúc cả hai ngồi tâm sự lại vẫn thấy ngại ngùng”, Phương Nga tâm sự.

Sau đúng một ngày gặp mặt, khi chia tay cô gái trở về, chàng trai đã tỏ tình chính thức người mình yêu. Anh Thắng vẫn còn nhớ: “Có lẽ đó cũng là lần đầu tiên nước mắt đàn ông mình rơi. Chưa xa mà đã thấy nhớ. Thấy mình khóc, Nga cũng khóc theo”.

Và cũng từ giây phút đó, những thử thách bắt đầu đến với “cặp đôi tàu ngầm”…

Chọn sống đời dũng cảm

Chưa kịp cảm nhận rõ hạnh phúc thì họ đã phải đối mặt với những thử thách và sự chọn lựa. Thời điểm quen Thắng, Phương Nga đã có việc làm ổn định, một cô nhân viên ngân hàng tại chi nhánh BIDV Kon Tum. Còn anh Thắng, anh là lính tàu ngầm và chắc chắn phải đóng quân và làm việc tại cảng Cam Ranh, Khánh Hòa.

Khoảng khắc đám cưới của anh Thắng và chị Nga

Biết được chuyện, bố mẹ Nga ra sức ngăn cản vì thương con, sợ phải xa cách. Cả hai chẳng biết làm gì ngoài sự lo lắng. Những cuộc nói chuyện thưa dần. Bẵng đi một tháng, thì chị Nga nhận được được một cuộc điện thoại lúc nửa đêm của anh Thắng với giọng điệu rất dứt khoát: “Anh là lính tàu ngầm, anh không thể vào bờ. Nhiệm vụ của anh là bảo vệ bờ biển, bảo vệ đất nước”. Dứt lời, anh quả quyết: “Yêu anh nghĩa là em phải hy sinh nhiều thứ lắm. Em làm được không?”. Có lẽ, Phương Nga cũng chẳng thể ngờ được sự rắn rỏi của người đàn ông mình đem lòng yêu. Thế là Phương Nga đồng ý kèm nhắn nhủ: “Em làm được! Chỉ là ôn thi thôi mà”.

Sở dĩ là ôn thi là bởi để có thể chuyển công tác từ Kon Tum về Khánh Hòa cô buộc phải thi công chức một lần nữa. Thế là cô gái nhà nghèo, bố mẹ chẳng chức quyền đã quyết định từ bỏ một công việc ổn định mà gian nan lắm chị mới có được để quyết định thử thách mình lần nữa với một công việc mới. Hai năm tiếp, chị lăn lộn ôn thi với động lực một ngày được kề bên người mình đem lòng yêu.

Chị vẫn còn nhớ như in khi đến xin việc ở nhiều chỗ, khi thổ lộ thật về lý do còn nhận được câu nói xanh rờn: “Cô về đây để sinh con chứ đâu phải làm việc”. Sau nhiều cố gắng và nỗ lực, chị đã có đáp án cho lời hứa với anh Thắng. Chị đã làm được, đã trở thành một cô nhân viên ngân hàng chi nhánh Agribank Khánh Hòa.

Đó là phần cố gắng của chị, còn với anh Thắng cái khó khăn lớn nhất có lẽ là việc chinh phục được bố mẹ chị Nga. Nhưng bằng cái sự sòng phẳng của một người lính, sự cứng cỏi của biển cả, anh xin gặp bằng được bố mẹ của Nga. Anh Thắng nghĩ lại cái đợt “thừa thắng xông lên” đó mà vẫn nhiều niềm vui: “Hôm đó, mùng 7 Tết, mình xin gặp bố mẹ Nga nói rõ những nhiệm vụ đặc thù của người lính. Mình hứa một khi đã đến với nhau, sẽ cố gắng để hạnh phúc”. Sau cuộc gặp mặt đó, bố mẹ Nga đã đồng ý cho anh chị cưới nhau.

Đám cưới của anh chị đặc biệt lắm, đặc biệt như sự dữ dội thường có ở vùng biển anh Thắng đóng quân. Đám cưới của họ vào lúc cơn bão số 12 đổ bộ Nha Trang năm 2017. Nha Trang vốn là vùng đất bình yên, thế mà đám cưới của anh chị lại đúng vào ngày bão lớn. 30 năm, đây là lần đầu tiên Nha Trang đón một trận bão lớn như vậy. Biệt danh “cô gái bão” cũng có từ đó. Gọi như vậy, để thêm trân quý quyết định dũng cảm của một cô gái trẻ nguyện chấp nhận hy sinh để người mình yêu được yên lòng làm nhiệm vụ.

Từ khi cưới nhau, cả hai luôn đón giao thừa tại đơn vị nơi anh Thắng đóng quân

Đám cưới trong bão lớn, mọi thứ đều trở nên khác biệt. Chị Nga vẫn còn xúc động lắm khi nhớ về ngày ấy: “Hôm đó, mưa to, gió lớn lắm, hơn nửa số mâm cưới bị hủy. Mình phải thuê máy phát điện để trang điểm. Ngồi trang điểm thế thôi nhưng trong lòng thì chẳng yên vì anh Thắng đang phi xe máy để đón bố mẹ từ quê vào. Đám cưới đang diễn ra, thì cái cây trong nhà hàng bật ngược chiều làm ai nấy cũng hoảng hốt. Nhưng sự may mắn lớn nhất là căn phòng trọ tân hôn của mình vẫn tạm yên ổn dù xung quanh tất cả đều bay hết mái”.

Bạn bè, anh em của cả anh Thắng và chị bị hủy máy bay, ra bến tàu, tàu không chạy thế là đành phải gặp xe nào chịu đi là xốc lên ngay cho kịp chứng kiến giây phút hạnh phúc của họ. Thế là một cảnh tượng đặc biệt nữa lại diễn ra khi cả đoàn bạn bè xách cả những vali thùng thình đồ đạc rũ rượi ngồi vào tiệc cưới.

Đã thỏa nguyện với những mong ước những tình yêu của họ vẫn còn lắm cách trở. Những ngày đầu đó, chị ở nhà một mình tự lo liệu, vun vén gia đình. “Hồi đấy, những tháng lương đầu tiên còn thấp, thế là mình nghĩ ra cách chia nhỏ phần lương thành nhiều phong bì. Mỗi phong bì sử dụng cho những mục đích khác nhau”, cô gái nói.

Chị nuôi một con heo đất mà chị gọi là “con heo hy vọng”. Những lúc có niềm vui, chị bỏ vào heo những tờ tiền. Những lúc buồn bực, nhớ nhung chị lại gửi vào đó một tờ giấy nhớ kèm một lời nhắn nhủ nào đó. Cũng có lúc chị gửi vào chú heo những ước vọng của mình.

Trải qua nhiều những biến cố, anh chị giờ đây đã ổn định hơn. Cứ đều đặn hai tuần một lần anh lại được đơn vị tạo cơ hội về cùng vợ và hoàn thành nhiệm mà đồng đội của anh thường đùa là “đào tạo thằng lính con”. Giữa những bon chen của cuộc sống thường nhật, đôi khi ta quên đánh thức chính những những rung cảm sâu sắc của mình để có nhiều lúc chợt được sưởi ấm bởi những câu chuyện như câu chuyện của anh Thắng và chị Nga.

Mấy năm nay anh chị đều ăn Tết cùng đơn vị. Mới đây, chị đã bỏ vào con heo hy vọng của mình ước nguyện sẽ có được sinh linh bé bỏng. Tôi tin điều đó sẽ sớm thành sự thật, bởi đó là món quà xứng đáng cho chuyện tình đẹp của anh chị. Chị nói chọn làm vợ lính là “Chọn sống một đời dũng cảm”. Còn anh Thắng đã nói với chị trong những ngày đầu chung bước: “Đợi một ngày tàu anh về trong kiêu hãnh/Em sẽ là bình minh của lính tàu ngầm”.

Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/co-gai-bao-va-chuyen-tinh-dep-nhu-co-tich-voi-chang-linh-tau-ngam-20190405170121175.htm