Cô gái ấp ủ niềm hy vọng cho phụ nữ người Mông

Những ai đã từng đến với người Mông ở vùng cao nguyên đá sẽ hiểu được niềm vui mà Sùng Thị Sy đang ấp ủ.

Sùng Thị Sy bên các sản phẩm từ vải lanh.

Sùng Thị Sy bên các sản phẩm từ vải lanh.

Từ mùa xuân năm 2018, đến với Cao nguyên Đồng Văn – Hà Giang, tại các điểm du lịch thu hút nhiều du khách như Dinh thự nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, khách hàng có cơ hội chiêm ngưỡng những sản phẩm gia dụng dệt từ lanh trắng – một loại vải truyền thống của người Mông. Bên những sản phẩm rất tự nhiên và rất đẹp ấy là cô bán hàng người Mông Sùng Thị Sy. Cứ mỗi món hàng được bán, Sy lại vui vẻ tự nhủ với mình: “Phụ nữ người Mông mình rồi sẽ hết khổ...”.

Những ai đã từng đến với người Mông ở vùng cao nguyên đá sẽ hiểu được niềm vui mà Sùng Thị Sy đang ấp ủ.

Vào những ngày tháng 10 này, trời cao nguyên đá thường hay có những cơn mưa sụt sùi quyện với làn sương giá buốt. Trong cái giá buốt ấy, men theo con đường cheo leo bên sườn núi là những người đàn bà lầm lũi cõng bó cỏ to gấp 5, 6 lần thân mình, còng rạp xuống.

Hỏi chuyện họ, đa phần chỉ cười và lắc đầu, người nhanh miệng nhất nói được tiếng Kinh cũng chỉ ngắn gọn cho biết, chị không biết chữ vì không được đi học, công việc chính là lấy chồng, đẻ con, làm nương, cuốc rẫy, tra hạt, cắt cỏ bò, lấy rau lợn, se lanh, dệt vải, thêu váy, nấu ăn, giặt giũ, kiếm củi, gùi nước, đi chợ…

Số việc kể ra vượt xa rất nhiều con số chị có thể đếm được trên các ngón tay nhưng phải làm tất cả và không công việc nào kiếm ra tiền để chị cũng như những người phụ nữ Mông khác có thể tự mua cho mình, cho con cái quần cái áo hay thỏi son làm đẹp. Đã có chị bị chồng đánh một trận vì đã dám... xin tiền chồng mua băng vệ sinh khi đến tháng.

Cuộc sống bế tắc, bị bạo lực đã khiến không ít người phụ nữ Mông bỏ nhà đi sang biên giới tìm việc. Ở Sà Phìn nhiều gia đình sáng ngủ dậy, chồng không thấy vợ, con thấy mẹ, nhà cửa trống vắng. Còn người mẹ, người vợ ấy đã rơi vào tay các đường dây mua bán người...

Khôi phục lại truyền thống, trao tự tin cho những người phụ nữ

Bản thân Sùng Thị Sy - cô gái người Mông 29 tuổi – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang cũng là một nạn nhân của bạo lực gia đình. Khi người chồng đi làm xa nhà thì thôi, chứ cứ về là đánh vợ nếu như vợ yêu cầu gì đó, kể cả mua sắm những thứ thiết yếu cho con, cho gia đình.

Thế nên, khi quyết định thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thôn Sà Phìn A với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Đồng Văn, Sùng Thị Sy ngay lập tức đã nghĩ đến những người phụ nữ bị bạo lực, nạn nhân mua bán trở về và phụ nữ khuyết tật.

“Dù chưa tròn một năm hoạt động nhưng các chị em trong HTX đã thấy mình tự tin lên rất nhiều. Có công ăn việc làm, họ có tiền để mua sắm cho con cái, bản thân và cả mua quà cho mẹ nữa. Chồng thấy vợ tự kiếm ra tiền, không xin tiền mình, cũng không dám đánh mắng vợ nữa. Các chị em có công việc, có thu nhập, có cuộc sống dễ chịu hơn nên không bỏ nhà ra đi nữa” - Sùng Thị Sy vui mừng kể với.

Một lý do nữa cũng không kém phần quan trọng để khiến Sy say mê với mô hình HTX này đó chính là ước mơ khôi phục lại nét truyền thống của người Mông trong việc sử dụng các sản phẩm dệt từ lanh trắng. “Nghề dệt vải lanh và thêu đã có từ lâu đời, nhưng những phụ nữ dân tộc Mông sản xuất ra để phục vụ gia đình, nếu không dùng hết thì đem bán lẻ tại các chợ phiên.

Nhưng để làm ra được các sản phẩm thổ cẩm từ cây lanh có màu sắc đẹp, đường nét tinh xảo và độ bền cao phải trải qua trên 40 công đoạn, đòi hỏi người dệt phải rất kiên trì, nhẫn nại và khéo léo nên thế hệ trẻ của người Mông rất ngại và lãng quên dần truyền thống này”, Sy cho biết.

Nỗ lực hiện thực hóa những ước mơ

Ngày 23/11/2017, HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A được khai trương và tháng 3/2018 mẻ hàng đầu tiên đã được bán ra thị trường.

Nhớ thời điểm quyết định thành lập HTX, chị Vàng Thị Cầu – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn cho biết, với 15 thành viên ban đầu và giờ là 20 người, cùng với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng, ngành nghề của HTX chính là chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt nhuộm vải lanh truyền thống. Đến nay, HTX đã sản xuất được rất nhiều sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã rất phong phú, bước đầu đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.

Sản phẩm chủ yếu được trưng bày tại điểm tham quan Dinh thự Họ Vương và bán cho khách du lịch, số tiền thu được, HTX đầu tư tái sản xuất, một phần trả lương cho thành viên, người lao động. Tiền lương bình quân của thành viên đạt từ 6 triệu đến 6,5 triệu đồng/người /tháng, so với việc trước khi chị em tham gia HTX thì mức thu nhập cao gấp gần chục lần.

“Bản thân Sùng Thị Sy khi nhận được gần 6 triệu đồng tiền lương tháng đầu tiên đã không khỏi xúc động vì đã biết rằng từ nay cuộc sống của mình sẽ đổi thay. Ngoài những thành tựu nêu trên, thì điều quan trọng là HTX giờ đã trở thành điểm tựa vững chắc của khá nhiều phụ nữ có hoàn cảnh éo le, như bà Sùng Thị Say, dân tộc Mông, 55 tuổi ở xã Sủng Là là người tàn tật, không có sức khỏe để làm nương và các công việc nặng nhọc; chị Giàng Thị Già, dân tộc Mông 23 tuổi do nhẹ dạ cả tin đã từng bị lừa sang Trung Quốc…

Những hoàn cảnh trên đã được HTX tiếp nhận, tạo việc làm và được các chị em trong HTX đùm bọc, động viên chia sẻ, giúp đỡ, đối với các chị cuộc sống như được hồi sinh...” – chị Vàng Thị Cầu cho biết.

Điều chị Vàng Thị Cầu không nói đó là việc hình thành HTX với sản phẩm lanh trắng và những thành viên là phụ nữ bị bạo lực, bị buôn bán trở về này vốn là ý tưởng của chị - một người phụ nữ Mông cũng đã từng trải qua hành trình vất vả của sự khao khát vươn lên đi tìm con chữ, tri thức để làm chủ cuộc đời mình.

Trong chuyến công tác đến Cao nguyên đá Đồng Văn mấy năm trước, người viết bài này đã có dịp rong ruổi cùng chị đi đến những miền đất nơi phụ nữ Mông còn khốn khổ vì nghèo khó, hủ tục. Trong hành trình ấy, chị đã kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình, khi chị là con cả trong gia đình 8 chị em, 16 tuổi vẫn mù chữ, thường mon men đến lớp học cắm bản để học lỏm.

Chị muốn biết chữ để đọc được những chữ ở các tấm áp phích giăng trên đường, biết chữ để đi chợ biết đường mà tính toán, không bị người ta lừa, biết chữ sẽ tự mình đọc được truyện mình thích, không phải nhờ người khác kể cho nghe.

“Thèm” chữ quá chị xin bố, bố gằn giọng bảo đi học thì cho ra khỏi nhà đi luôn, thử xin mẹ, mẹ hỏi con còn có những 7 đứa em, đi học, ai trông em cho mẹ đi làm. Không thể để vuột mất con chữ, chị trốn nhà lên Trung tâm huyện Đồng Văn học bổ túc. Và tiếp theo đó là hành trình gom chữ, học hết trung học phổ thông rồi về Hà Nội kẽo kẹt 11 năm, tấm bằng đại học mới về với chị.

“Mình không tham gì, chỉ tham học, cứ ban ngày học ở giảng đường, tối đến Trung tâm tiếng Anh, tranh thủ học những chứng chỉ khác. Có kiến thức, mình tự tin hẳn lên, không còn sợ bất cứ điều gì”, chị Cầu tâm sự...

Năm 2010, Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận và tái công nhận năm 2014. Trong đó huyện Đồng Văn là vùng lõi của Công viên, có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Dinh thự nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, Phố cổ thị trấn Đồng Văn… là nơi thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong sự khởi sắc của mảnh đất quê hương, chị Vàng Thị Cầu và Sùng Thị Sy luôn ấp ủ những ước mơ mang lại hạnh phúc cho cuộc đời những người phụ nữ Mông.

Chia sẻ với tôi, Sùng Thị Sy cho biết: “Các thành viên HTX rất chăm chỉ, họ ý thức được ý nghĩa của công việc. Không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình, tạo công việc ổn định cho bản thân, giúp họ có được một nghề cụ thể mà còn gìn giữ nét văn hóa của đồng bào mình. Mong muốn rằng HTX sẽ có nhiều vốn và đầu ra mạnh mẽ hơn nữa để giữ truyền thống và giúp được nhiều phụ nữ có số phận không may”.

Còn chị Vàng Thị Cầu bật mí với tôi dự định về một tổ thêu dệt thổ cẩm dân tộc Lô Lô ở Lũng Cú hoạt động như mô hình HTX lanh trắng; xin hỗ trợ để thành lập tại các xã, các địa chị tin cậy, tạm lánh cho phụ nữ bị bạo lực, mô hình khách sạn do phụ nữ quản lý, làm việc...

Với trái tim của một người mẹ, chị đã kêu gọi thành lập Quỹ trẻ em nghèo để hỗ trợ những đứa trẻ bơ vơ vì bố chết, mẹ sang Trung Quốc lấy chồng, mất tích. Hiện có 23 đứa trẻ như thế đang được giúp đỡ với mức tiền 250.000 đồng/tháng, tuy nhỏ nhưng đỡ được phần nào cho các em tiền mua lương thực.

Những hành động ấy, những tấm lòng ấy của những người phụ nữ như chị Vàng Thị Cầu, Sùng Thị Ly đang xua tan bớt đi cái lạnh se sắt của vùng sơn cước...

Năm 2018, lần đầu tiên Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức ở cấp quốc gia. Trong số 137 đề án khởi nghiệp gửi về từ các tỉnh, thành trên cả nước, TƯ Hội LHPNVN đã lựa chọn 20 đề án xuất sắc vào vòng chung kết trong đó có đề án “Phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên” của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) do Sùng Thị Sy làm Giám đốc.

Đề án này cũng là 1 trong số 5 đề án được các tổ chức, công ty tài trợ để hỗ trợ hiện thực hóa với số tiền 100 triệu đồng.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/co-gai-ap-u-niem-hy-vong-cho-phu-nu-nguoi-mong-418497.html