Cô gái 8X truyền cảm hứng về nghị lực vượt lên số phận

Dù bị mất một chân do tai nạn giao thông nhưng chưa bao giờ Bế Thị Băng có suy nghĩ đầu hàng số phận và gắn cuộc đời vào chiếc xe lăn. Bởi, cuộc sống là sự dũng cảm bước lên phía trước.

Là một trong 64 gương mặt thanh niên vinh danh “Tỏa sáng nghị lực Việt Nam 2020”, Bế Thị Băng gây ấn tượng với gương mặt xinh đẹp và bản lĩnh vượt lên số phận.

Chân dung Bế Thị Băng - nghị lực của cô gái chỉ đeo một chiếc giày

Chân dung Bế Thị Băng - nghị lực của cô gái chỉ đeo một chiếc giày

24 tuổi, Bế Thị Băng gặp biến cố tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đó là một ngày khi cô đang tham gia giao thông, chiếc xe container đã đâm vào đuôi xe máy kéo lê chiếc xe trên đường. Vụ tai nạn khiến cô bị mất máu nhiều, đứt động mạch đùi. Và để bảo toàn cho tính mạng, bác sĩ đã phải cắt bỏ và tháo 1 phần khớp háng bên chân phải của Băng. Sau 4 ngày trên giường bệnh, Băng tỉnh lại và mơ hồ khi đối diện với cuộc sống hằng ngày. Tâm lý bế tắc của nữ nha sĩ đang trong quá trình thực tập, ước mơ nghề y đang viết dở, cuối cùng cô gái Tày lựa chọn tự đứng lên bằng chính đôi chân khiếm khuyết của mình.

Mỗi ngày, Băng vịn tay vào tường, tự tập đứng vững bằng một chân. Vốn yêu thích nghề múa, khi đã cân bằng được cơ thể cô dùng sức tì vào bờ tường làm chỗ dựa. Mỗi lần tập múa là mỗi lần đôi bờ vai bị trầy xước, thâm tím. Nhưng nỗi đau thể xác đó đã được bù đắp bằng hình ảnh cô có thể múa bằng một chân.

Sau khi sức khỏe ổn định, Băng bắt đầu gửi hồ sơ đi xin việc. Nhưng, đôi chân khiếm khuyết đều nhận cái lắc đầu từ chối. Cuối cùng, nhờ sự nỗ lực cô nhận được lời mời làm việc của phòng khám cô từng thử việc trợ thủ nha trước thời điểm bị tai nạn.

Thế nhưng, đối diện với cuộc sống thường nhật, Băng cũng chịu những áp lực không nhỏ. “Đó là ánh mắt kỳ thị của mọi người nhìn vào đôi chân khiếm khuyết của mình. Nhất là khi mỗi lần ra đường ai ai cũng nhìn vào chân của tôi với đôi mắt im lặng và với vẻ tò mò khác lạ. Có người nhìn im lặng thì không sao. Nhưng có những người họ nhìn mà xì xèo bàn tán “Ôi, sao chân nó lại thế này… thế kia…thật tội nghiệp…Thật sự nghe xong câu nói đó, tôi chỉ muốn bật khóc”, Băng trải lòng.

Hình ảnh Bế Thị Băng tự tin múa bằng một chân

Thời điểm xuống Hà Nội bắt đầu cuộc sống thứ 2 với một chân, cô cũng từng rơi vào cảm giác đó. Cảm giác gia đình không tin tưởng, thương cô côi cút một mình giữa đô thị. Băng nhớ như in cuộc gọi điện của bố muốn đón cô về quê ngồi xe lăn để tiện chăm sóc vì ở Hà Nội thì sống thế nào, tàn tật rồi. Những câu nói ám ảnh Băng lúc đó khiến bản thân cô là gánh nặng của gia đình. Trong đầu Băng lúc đó lựa chọn “Tật nguyền nhưng không xe lăn”.

Trước đây, bản tính của Băng sống không thích phụ thuộc vào bất kỳ vai đó và dù khuyết tật, cô vẫn muốn sống là chính mình. Đó là Băng muốn sống một cuộc đời tự chủ, không chấp nhận bản thân sống một cuộc đời vô dụng. Sau khi nhận được công việc yêu thích, cô tham gia học múa, tích cực hoạt động thể thao và tìm niềm vui trong công việc. Những nghiệt ngã từ số phận ấy đã không quật ngã được “tinh thần thép” trong con người phụ nữ ấy. Nó chỉ là điểm trừ trong cuộc sống để cô dùng nghị lực và bản thân với nhiều điểm cộng bù đắp.

Tham gia chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2019”, điều Băng muốn truyền tải chính là thông điệp ký ức về bản thân mình từ 1 người bình thường bỗng 1 ngày trở thành người khuyết tật. Cô tin rằng, cuộc sống có những điều bất ngờ đến mà mình không thể học hay được biết trước. Nhưng rồi mọi nỗi đau cũng đã qua. Điều quan trọng là cô vẫn còn được sống đó là một hạnh phúc cho cuộc đời lần thứ 2 và ngày mai, ngày mai nữa, vẫn còn phải sống tiếp để bước qua thử thách của cuộc sống này.

6 năm sau từ sau vụ tai nạn, Băng đã sống một cuộc đời thứ 2 của mình. Ngoài công việc chuyên môn, cô gái đến từ Cao Bằng (SN 1987) còn là bà chủ của chuỗi du lịch homestay Hồ Tây (Hà Nội). Năm 2017, cô kết hôn với một GS Toán học người Đức. Năm 2020, cô trở thành đại sứ Mottainai “trao yêu thương, nhận hạnh phúc” quỹ học bổng dành cho những trẻ em nghèo (mồ côi) là nạn nhân của tai nạn giao thông. Là người tích cực với các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, trong đợt lũ miền Trung, cô đã đóng góp tiền và kêu gọi cộng đồng chung tay vì “rốn lũ” miền Trung. Theo kế hoạch, cô sẽ đến miền Trung trao quà cho các gia đình khó khăn sau lũ vào tháng 1 tới.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/co-gai-8x-truyen-cam-hung-ve-nghi-luc-vuot-len-so-phan-222780.html