Cô gái 16 tuổi chỉ trích lãnh đạo thế giới tại Liên Hợp quốc

Nhà hoạt động tuổi thiếu niên Greta Thunberg vừa lên án các nhà lãnh đạo thế giới không giải quyết được tình trạng biến đổi khí hậu. Cô có bài phát biểu ngắn đầy giận dữ ngay tại trung tâm của Liên Hợp quốc với câu nói: 'Làm sao các người dám thế?'

Greta Thunberg trong lúc phát biểu trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)

Greta Thunberg trong lúc phát biểu trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Reuters)

Bài phát biểu ngắn của Thunberg mở đầu kỳ họp nhằm huy động các chính phủ và doanh nghiệp phá vỡ tình trạng tê liệt về giảm phát thải khí các-bon, khi lượng phát thải khí này đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái, bất chấp cảnh báo của các nhà khoa học.

“Tất cả những điều này đều sai. Tôi không nên ở đây. Tôi đáng ra phải đến trường ở phía bên kia đại dương nhưng các ông bà không để những người trẻ được hy vọng. Sao các người dám thế?” Thunberg nói với giọng chất chứa cảm xúc.

“Các người đã đánh cắp giấc mơ và tuổi thơ của tôi với những lời nói trống rỗng của mình”, cô gái 16 tuổi nói.

Với cảm hứng từ cuộc biểu tình hàng tuần đơn độc của Thunberg bên ngoài trụ sở quốc hội Thụy Điển cách đây 1 năm, hàng triệu người trẻ kéo xuống đường trên toàn thế giới vào thứ Sáu tuần trước để yêu cầu các chính phủ dự kỳ họp của Liên Hợp quốc lần này phải có hành động khẩn cấp.

“Tôi rất xúc động khi trong căn phòng có những người trẻ lên tiếng. Tôi cũng muốn đóng vai trò của mình khi lắng nghe họ. Tôi nghĩ không có người ra quyết định chính trị nào có thể điếc mãi trước lời kêu gọi công lý từ các thế hệ”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu toàn cầu của Liên Hợp quốc.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, người tổ chức thượng đỉnh này để thúc đẩy Thỏa thuận Paris 2015 để chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu, đã cảnh báo các nhà lãnh đạo chỉ đến dự nếu mang theo kế hoạch hành động cụ thể, thay vì những bài phát biểu sáo rỗng.

“Thiên nhiên đang nổi dậy. Và chúng ta tự lừa dối mình nếu nghĩ rằng chúng ta có thể lừa dối thiên nhiên, vì thiên nhiên luôn đáp trả, và trên khắp thế giới, nhiên nhiên đang đáp trả bằng sự giận dữ”, ông Guterres, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha, nói.

“Cái gì cũng có giá của nó. Nhưng cái giá lớn nhất là không làm gì cả. Cái giá lớn nhất là bảo hộ cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang chết dần, xây thêm nhiền nhà máy than, và chối bỏ một điều đơn giản: chúng ta đang rơi vào một hố rất sâu, và để thoát ra, chúng ta trước tiên phải dừng đào”, ông nói.

Tuy nhiên, có rất ít đề xuất mới từ các chính phủ để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu nhanh chóng mà các nhà khoa học nói rằng đã đến lúc phải hành động để đảo ngược lại.

Nhưng thượng đỉnh lần này chứng kiến nhiều doanh nghiệp, quỹ hưu trí, hãng bảo hiểm và ngân hàng cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa.

“Chúng ta đã phá vỡ chu kỳ cuộc sống. Chúng ta cần hỗ trợ chuyển dịch bảo hộ sản xuất nông nghiệp từ chỗ tiêu diệt sự sống sang hỗ trợ đa dạng sinh học”, ông Emmanuel Faber, giám đốc điều hành của tập đoàn thực phẩm Pháp Danone, phát biểu tại thượng đỉnh.

Là người tỏ ra hoài nghi về khoa học biến đổi khí hậu và đã thay đổi chính sách của Mỹ nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ xuất hiện thoáng qua tại sự kiện cùng Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Ông Trump không phát biểu nhưng ngồi nghe phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg, người từng là đặc phái viên của Liên Hợp quốc về hành động khí hậu, mỉa mai về sự xuất hiện mờ nhạt của ông Trump tại sự kiện này: “Hy vọng những thảo luận của chúng tôi sẽ giúp ích cho ông khi ông xây dựng chính sách khí hậu”.

Trong khi một số quốc gia đạt được tiến triển trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, một số nước phát thải nhiều nhất đang tụt lại phía sau, dù những trận cháy rừng lớn, sóng nhiệt và nhiệt độ tăng cao kỷ lục cho thấy phần nào những tàn phá ghê gớm mà con người phải trải qua trong một thế giới đang ấm lên.

Chương trình phát triển LHQ cho biết 14 quốc gia, chiếm 1/4 lượng phát thải toàn cầu, đã gửi tín hiệu rằng họ không có ý định đảo ngược chính sách khí hậu hiện nay vào năm 2020.

Bình Giang

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/co-gai-16-tuoi-chi-trich-lanh-dao-the-gioi-tai-lien-hop-quoc-1467609.tpo