Có được từ chối khoản nợ do vợ vay?

Ông B và bà T là vợ chồng đã 30 năm. Ông B vốn tính tình hiền lành, tối ngày chỉ lo nuôi tôm, nuôi cá, ít giao thiệp với bên ngoài. Bà T thì lanh lẹ, xông xáo hơn. Khi gia đình cần vốn để nuôi tôm, nuôi cá, bà T xoay xở để vay vốn. Sau nhiều năm vất vả làm lụng, tài sản của hai vợ chồng chỉ được khoảng hơn 1 tỷ. Hai vợ chồng có hai con, một gái đã ngoài 20 tuổi, đang làm việc ở TPHCM, còn cậu con trai 16 tuổi sống cùng cha mẹ ở quê.

Nếu vay nợ không vì nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ trả nợ riêng. Ảnh minh họa

Bỗng dưng nợ rơi xuống đầu

Ông B vốn an phận nên hài lòng với cuộc sống hiện tại. Theo ông, gia đình dù không giàu có, nhưng đủ ăn, con cái ngoan ngoãn, có hiếu như vậy là mãn nguyện. Bà T thì lại thấy không hạnh phúc và muốn ông B phải tháo vát, biết làm ra nhiều tiền, chứ không an phận. Vì vậy, bà thường chê ông B và hay đem ông ra để so sánh với những người đàn ông khác. Cuối cùng, chuyện gì đến đã đến, bà T có người đàn ông khác. Người này làm ăn chung với bà T nên hai người thường xuyên đi với nhau. Biết chuyện, ông B rất buồn nhưng vì thương con nên không muốn làm lớn chuyện, chỉ khuyên bà T vì con cái mà duy trì cuộc sống chung. Nhưng bà T bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn và cương quyết ly hôn. Khuyên vợ không được, ông B đành buông tay, không níu kéo. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu bà T không khai một đống nợ để yêu cầu chia nợ chung của vợ chồng. Tổng tài sản vợ chồng chỉ hơn 1 tỷ đồng, nhưng số nợ bà T khai với tòa cũng hơn 1 tỷ, trong đó nợ ngân hàng gần 400 triệu đồng, còn nợ ông D, người tình của bà T 800 triệu đồng suốt mấy năm qua. Thương cha vất vả, nay gặp cảnh éo le, người con gái nhờ luật sư để giúp cha trong trường hợp này.

Luật sư nói ông B phải biết được cụ thể những chứng cứ mà bà T nộp cho tòa án là gì thì mới có thể phân tích và nhận định chứng cứ ấy có đáng tin cậy hay không. Nếu lời khai và chứng cứ liên quan đến những khoản nợ chung của vợ chồng ông B, bà T không đáng tin cậy và vô lý, thì ông B có quyền không chấp nhận. Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản như sau:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; 2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; 4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; 5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; 6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Luật sư cũng đề nghị ông B xem lại có cùng ký tên vào những hợp đồng vay vốn với bà T không và số vốn bà T vay có phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình không? Ông B cho biết chỉ ký vào một hợp đồng vay vốn của một ngân hàng xã hội với số tiền hơn 300 triệu đồng để mua tôm, cá kinh doanh. Còn số nợ còn lại ông không biết và không ký tên vào hợp đồng vay vốn nào. Số tiền 800 triệu đồng bà T cùng ông D khai với tòa thì ông B không biết và kịch liệt phản đối. Việc bà T thừa nhận số nợ đó thì khác nào đẩy mấy cha con ra đường vì phải bán nhà trả nợ.

Vay nợ không vì nhu cầu của gia đình, phải chịu trách nhiệm riêng

Theo khoản 3, điều 45 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình thì thuộc về nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng. Do đó, giả sử bà T có vay ông D 800 triệu đồng, nhưng ông B không được biết và số vay không được phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình thì ông B có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ việc chia số nợ chung này.

Ngoài ra theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thì ông B có quyền được biết những chứng cứ mà bà T và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã nộp cho Tòa án là gồm những gì.

Khoản 9, điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định khi tham gia tố tụng, đương sự có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2, điều 109 của bộ luật này. Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ”.

Khoản 5, điều 96 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2, điều 109 của bộ luật này hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. Điều 109 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: Mọi chứng cứ được công bố và sử dụng công khai như nhau, trừ trường hợp nội dung tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu chính đáng của đương sự nhưng phải thông báo cho đương sự biết những tài liệu, chứng cứ không được công khai.

Như vậy, khi giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án thì bà T có nghĩa vụ cung cấp bản sao tài liệu, chứng cứ đó cho ông B. Nếu chưa nhận được tài liệu, chứng cứ, ông B có thể làm văn bản xin hoãn phiên tòa cho đến khi nào nhận được đầy đủ các chứng cứ do bà T cung cấp, vì nếu khi xét xử mà ông B không hề có bất kỳ một chứng cứ nào để đưa ra ý kiến phản đối thì rất bất lợi cho mình.

Nguyễn Thị Thúy Hường

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/tu-van-phap-luat/co-duoc-tu-choi-khoan-no-do-vo-vay-642626.ldo