Có được phép công khai tên tuổi người nhiễm Covid-19?

Nhiều bạn đọc nêu thắc mắc, vì sao không công bố chi tiết tên tuổi, hình ảnh các bệnh nhân nhiễm Covid-19, việc công bố có ảnh hưởng đến quyền về bí mật đời tư hay không? Vậy, quy định pháp luật đề cập trường hợp này như thế nào?

Lập hồ sơ bệnh án bệnh nhân Covid tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Thái Hà

Lập hồ sơ bệnh án bệnh nhân Covid tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Thái Hà

Những ngày gần đây, số người nhiễm bệnh Covid-19 ở Việt Nam không ngừng tăng. Ngoài các biện pháp chuyên môn, cơ quan chức năng còn lập danh sách, tiến hành cách ly, giám sát, theo dõi tất cả những người có lịch sử tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm bệnh. Việc thông tin về tên tuổi, địa chỉ của người bệnh trên báo chí, mạng xã hội được áp dụng ở các mức khác nhau.

Một số bạn đọc đặt ra câu hỏi, liệu việc đưa hình ảnh, thông tin cá nhân công khai có vi phạm pháp luật hay không?

Bàn về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, quyền của mỗi cá nhân đối với thông tin, hỉnh ảnh của mình là quyền được pháp luật quy định và bảo vệ.

Việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân cho mục đích thương mại hay không thương mại mà không có sự đồng ý của cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật (trừ một số trường hợp nhất định).

Cụ thể, khoản 1, Điều 32, Bộ Luật dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với thông tin, hình ảnh. Theo đó, cá nhân có quyền đối với thông tin, hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Cũng theo luật sư Bình, cơ quan báo chí những ngày qua viết tắt tên, thông tin cá nhân, đưa hình ảnh nhân vật trong trường hợp này không bị coi là vi phạm pháp luật, vì việc viết tắt tên, nhưng vẫn nêu địa chỉ là đảm bảo việc phòng chống dịch.

Cụ thể, nếu sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân trong các trường hợp ngoại lệ sẽ không bị xem là vi phạm pháp luật.

Khoản 2, Điều 32, Bộ Luật dân sự 2015 quy định: Việc sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có thông tin, hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

Cụ thể, thông tin, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Thông tin, hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó.

Bên cạnh đó, Điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin cá nhân tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. “Với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khá phức tạp, thời gian đầu, Chính phủ và nhân dân đã làm rất tốt. Nhưng, chỉ trong tích tắc, sự thiếu ý thức với cộng đồng, xã hội của một số người, như không khai báo về từ vùng dịch, trốn khai báo, không chịu cách ly... đã gây hoang mang dư luận, đáng bị lên án”, luật sư Bình nói.

Việc sử dụng hình ảnh, thông tin của những người này nếu nhằm mục đích công bố cho mọi người biết ai đã từng tiếp xúc để khai báo y tế, chủ động cách ly; các thông tin không tiêu cực, vì lợi ích quốc gia, dân tộc..., thì không có gì là sai phạm, nhất là trong thời điểm hiện nay, ông Bình nói.

Theo luật sư Bình, một số cá nhân công khai trên mạng xã hội thông tin cá nhân, hình ảnh bệnh nhân Covid-19 và người tiếp xúc cũng là vấn đề pháp lý cần bàn. “Những thông tin này phải được hiểu là thông tin chính thống từ các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan y tế, cơ quan phòng chống dịch bệnh. Nếu những thông tin hình ảnh này sai sự thật, gây hoang mang dư luận, vu khống thì những người đăng tải sẽ bị xử phạt và bồi thường theo từng quy định cụ thể”, ông Bình nói thêm.

Võ Hóa

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/co-duoc-phep-cong-khai-ten-tuoi-nguoi-nhiem-covid19-1618978.tpo