Có được nghỉ không lương trước khi nghỉ chế độ thai sản?

Trong tuần qua, Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của bạn đọc liên quan đến quyền lợi của NLĐ về chế độ thai sản… Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

NSDLĐ không được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ vì lý do mang thai. Ảnh: Nam Dương

Mang thai 7 tháng, có phải làm ca đêm?

Bạn đọc có số điện thoại 0905970XXX gọi điện đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559 hỏi: NLĐ có thai từ tháng thứ 7 thì có phải làm đêm đến 22 giờ không? Có được nghỉ không lương 2 tháng trước khi sinh rồi mới nghỉ chế độ thai sản không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 1, Điều 155 BLLĐ 2012 quy định: 1. NSDLĐ không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây: a) Mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Điều 105 BLLĐ 2012 quy định giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Điều 116 BLLĐ 2012 quy định về việc nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương: 1. NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây: a) Kết hôn: nghỉ 3 ngày; b) Con kết hôn: nghỉ 1 ngày; c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 3 ngày. 2. NLĐ được nghỉ không hưởng lương 1 ngày và phải thông báo với NSDLĐ khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. 3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này NLĐ có thể thỏa thuận với NSDLĐ để nghỉ không hưởng lương. Khoản 1, điều 34 Luật BHXH 2014 quy định: Thời gian hưởng chế độ khi sinh con: 1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Căn cứ vào các quy định trên, bạn vẫn phải làm việc theo ca từ 14 giờ đến 22 giờ nếu công ty không bố trí được bạn làm công việc khác. Ngoài ra, bạn có thể thỏa thuận với công ty về việc nghỉ không hưởng lương cho đến khi sinh con rồi nghỉ hưởng chế độ thai sản.

Nghỉ việc, 1 năm sau mới được nhận sổ BHXH?

Bạn đọc có số điện thoại 0912573XXX gọi điện đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559 hỏi: Tôi nghỉ hết chế độ thai sản xong viết đơn xin nghỉ việc luôn. Công ty nói phải sau một năm nghỉ việc thì mới trả sổ BHXH cho tôi. Công ty làm vậy có đúng?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 47 BLLĐ 2012 quy định: Trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ: 1. Ít nhất 15 ngày trước ngày HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, NSDLĐ phải thông báo bằng văn bản cho NLĐ biết thời điểm chấm dứt HĐLĐ. 2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. 3. NSDLĐ có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà NSDLĐ đã giữ lại của NLĐ. Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định thời gian cụ thể trong bao lâu NSDLĐ phải chốt, trả sổ BHXH cho NLĐ. Tuy nhiên, nếu chốt trả sổ BHXH chậm, NLĐ sẽ không kịp làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp (trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ). Do đó bạn cần đôn đốc công ty trả sổ BHXH sớm cho bạn. Trường hợp Cty cố tình kéo dài, bạn nên làm đơn nhờ Phòng LĐTBXH hoặc LĐLĐ cấp huyện nơi Cty đóng trụ sở can thiệp để được bảo vệ quyền lợi.

Dọa sa thải vì lý do mang thai

Bạn đọc có email trangphamxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Hiện tại tôi đang làm việc cho Công ty H.L. Tôi đang mang thai tháng thứ 4. Công ty đang gây rất nhiều áp lực đối với công việc của tôi với lý do mang thai. Công ty đã dọa sa thải vì lí do mang thai, sau đó thì yêu cầu tôi chỉ được đi làm 2 ngày/tuần để được làm đến khi kết thúc HĐLĐ. Việc cắt giảm số ngày làm việc của tôi như thế có đúng hay không. Nếu như tôi vẫn đi làm đầy đủ mà công ty không trả lương thì tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi bản thân?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 15 BLLĐ 2012 quy định: HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Điều 35 BLLĐ 2012 quy định:1. Trong quá trình thực hiện HĐLĐ, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. 2. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung HĐLĐ được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới. 3. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung HĐLĐ thì tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết.

Điều 126 BLLĐ 2012 quy định: Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được NSDLĐ áp dụng trong những trường hợp sau đây: 1. NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ; 2. NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm. Tái phạm là trường hợp NLĐ lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại điều 127 của Bộ luật này; 3. NLĐ tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng. Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Như vậy, nếu giữa bạn và công ty không có sự thỏa thuận về việc rút ngắn số ngày làm việc thì việc công ty tự ý cắt giảm số ngày làm việc của bạn còn 2 ngày/tuần là trái luật. Pháp luật hiện hành nghiêm cấm NDSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ vì lý do mang thai. Do sa thải là hình thức kỷ luật lao động với hậu quả nặng nề là NLĐ sẽ phải ra khỏi doanh nghiệp, do đó, pháp luật chỉ cho phép NSDLĐ được sa thải NLĐ trong một số trường hợp như đã trích dẫn và không cho phép NSDLĐ sa thải NLĐ vì lý do mang thai. Nếu bạn vẫn đi làm đầy đủ và không được trả lương, trước hết bạn cần làm đơn yêu cầu hòa giải viên lao động cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở hòa giải. Nếu không hòa giải thành, bạn có thể khởi kiện công ty ra TAND cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở để được bảo vệ quyền lợi.

Nam Dương

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/tu-van-phap-luat/co-duoc-nghi-khong-luong-truoc-khi-nghi-che-do-thai-san-612842.ldo