Có được mang thai hộ? Tổ chức mang thai hộ phạm tội?

Báo Bảo vệ pháp luật có bài 'Quảng Ninh: Đối tượng tổ chức đường dây mang thai hộ bị khởi tố'. Tôi muốn hỏi mang thai hộ có phải chịu trách nhiệm hình sự? Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý như thế nào?

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Đây là quy định mang tính nhân văn cao khi tạo cơ hội cho nhiều người được làm cha mẹ. Luật hôn nhân và gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện mang thai giúp cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai, sinh con mặc dù đã áp dụng kỹ thuận hỗ trợ sinh sản; bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Đặc điểm cơ bản của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là người phụ nữ hoàn toàn tự nguyện mang thai "hộ" và không nhận bất kỳ lợi ích kinh tế nào.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên sự tự nguyện và được xác lập bằng văn bản.

Để thực hiện biện pháp mang thai hộ, không phải do các bên tự tìm đến nhau nhờ mang thai, mà phải tuân theo các điều kiện và trình tự thủ tục nhờ mang thai, sinh con khá chặt chẽ. Việc mang thai hộ phải được tuân thủ chặt chẽ quy định tại các điều Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, không ít trường hợp lợi dụng việc mang thai hộ để hưởng lợi về kinh tế, trái mục đích mà nhà nước hướng tới khi cho phép mang thai hộ.

Nhằm điều chỉnh hiện tượng lạm dụng việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đi ngược với bản chất nhân văn của việc mang thai hộ, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) đã bổ sung tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” (Điều 187). Đây là một điều luật mới nhằm đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để trục lợi.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là một hành vi bị pháp luật Hôn nhân và gia đình cấm thực hiện.

Tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là tội danh được quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự.

Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi chủ trì, dụ dỗ, lôi kéo, lên kế hoạch để các bên mang thai hộ gặp nhau của một người hoặc một nhóm người có năng lực trách nhiệm hình sự, được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp vì mục đích hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Vì vậy việc mang thai hộ không phải chịu trách nhiệm hình sự. còn tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị xử lý theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự như sau:

Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư: Trần Văn Kiệm (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/tu-van-phap-luat/luat-su-cua-ban/co-duoc-mang-thai-ho-to-chuc-mang-thai-ho-pham-toi-74345.html