Có đủ chuẩn để thành lập ĐH Sức khỏe?

Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc thành lập ĐH Sức khỏe là chủ trương đúng nhưng cần phải đủ điều kiện thành lập, phù hợp với Luật Giáo dục ĐH và thực tế

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định Trường ĐH Y Dược TP HCM xây dựng đề án thành lập ĐH Sức khỏe TP HCM và khi đề án được thông qua thì sẽ đổi tên trường.

Chủ trương 20 năm nhưng vướng luật

Liên quan đến việc tại sao lại gọi là ĐH Khoa học Sức khỏe, TS Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học đào tạo và Công nghệ (Bộ Y tế), cho biết khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng...

Mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các ĐHQG (Hà Nội, TP HCM), ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng). Mô hình này đã được khẳng định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, trên thế giới cũng đã có một số mô hình như ĐH Khoa học Sức khỏe Lào, ĐH California San Francisco (Mỹ)...

Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Y Dược TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Giảng viên, sinh viên Trường ĐH Y Dược TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Theo ông Lợi, cách đây gần 20 năm, chủ trương thành lập ĐH Khoa học Sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và TP HCM. Về bản chất, đây là mô hình ĐH trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường ĐH Y, Trường ĐH Dược, Trường ĐH Điều dưỡng, Trường ĐH Y tế công cộng... Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành...

PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết đề án thành lập ĐH và các trường ĐH thành viên Trường ĐH Y Dược TP HCM đã gửi Bộ Y tế cách nay 1 năm. Đề án này bao gồm ĐH và các trường ĐH thành viên nhưng không quy mô như 2 ĐHQG mà có thể như ĐH vùng.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là vướng Luật Giáo dục ĐH mới có hiệu lực từ tháng 7-2019. Cụ thể, luật quy định việc lập trường ĐH phải có ít nhất 3 chuyên ngành. Hiện nay, có những khoa rất mạnh đào tạo cả thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lại chỉ có 1 chuyên ngành nên không đủ số lượng chuyên ngành để thành lập trường theo luật. Do vậy, để thành lập được các trường ĐH thành viên lại cần điều chỉnh theo luật mới.

Phải đủ điều kiện để thành lập ĐH

Liên quan đến Đề án thành lập ĐH Khoa học Sức khỏe, các chuyên gia giáo dục cũng có những góc nhìn khác nhau.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng trên thế giới, tên gọi ĐH Khoa học Sức khỏe cũng đã có chứ không phải tự Bộ trưởng Bộ Y tế đặt ra. Khi trở thành ĐH Khoa học Sức khỏe thì ĐH này có thể có các trường ĐH thành viên là Trường ĐH Y khoa, Trường ĐH Dược khoa, Trường ĐH Răng hàm mặt…, như Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cho phép.

Nếu thành lập ĐH Sức khỏe, cơ chế giống như 2 ĐHQG thì ban giám đốc sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và kinh phí ngân sách cấp 1 (Quốc hội phê duyệt) nhưng hiệu trưởng các trường ĐH thì do bộ trưởng bổ nhiệm (nay là hội đồng trường) và ngân sách thuộc bộ chủ quản.

Vấn đề là các khoa y, khoa dược, khoa răng hàm mặt... của Trường ĐH Y Dược TP HCM có đủ chuẩn (về đào tạo ĐH, sau ĐH; giảng viên; cơ sở vật chất…) để thành trường thành viên thuộc ĐH Sức khỏe hay chưa.

"Tên gọi của ĐH, trường ĐH chỉ mang tính lịch sử, truyền thống... Nên dùng tên ĐH Khoa học Sức khỏe để bao trùm hết các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe. Có thể hiện nay điều kiện để thành lập ĐH Khoa học Sức khỏe chưa chín muồi nhưng chủ trương thành lập là đúng, đúng với Luật Giáo dục ĐH và phù hợp với thực tế nhiều nước" - TS Nguyễn Đức Nghĩa nêu ý kiến.

Trong khi đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng thành lập ĐH Sức khỏe như bộ trưởng Bộ Y tế nói là chưa ổn. Bởi lẽ đã là ĐH thì cần đa ngành, đa lĩnh vực... Nếu chỉ bó hẹp trong lĩnh vực sức khỏe không thể gọi là ĐH theo đúng nghĩa. Gọi vậy là ĐH đơn lĩnh vực và đa ngành.

Theo TS Vinh, ĐH theo đúng nghĩa ĐH chỉ có 2 ĐHQG (Hà Nội, TP HCM) có nhiều ngành và lĩnh vực, song so với thế giới thì có thể còn thiếu cái này cái khác… Đặc trưng nhất của ĐH là phải có trường hoặc khoa giáo dục đại cương, các khoa khoa học cơ bản. Nếu không thì việc nghiên cứu hạn chế.

Ông Hoàng Ngọc Vinh ví dụ ĐH Sydney (Úc) có hàng chục lĩnh vực như: luật, kỹ thuật, y, giáo dục, nông nghiệp, kinh doanh, phụ nữ... "Nói như bộ trưởng Bộ Y tế thì Trường ĐH Luật cũng có thể gọi là ĐH Luật chăng vì cũng đa ngành luật?" - ông Vinh băn khoăn.

Cần giữ thương hiệu của cơ sở đào tạo

"Hiện chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc bảo đảm đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và thương hiệu của cơ sở đào tạo. Chúng tôi xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải tên gọi, ví dụ Trường ĐH Y Dược TP HCM làm đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình ĐH Khoa học Sức khỏe. Về tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ tên là ĐH Y Dược TP HCM và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình ĐH khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt" - TS Nguyễn Minh Lợi nhấn mạnh.

Ngọc Dung - Huy Lân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/co-du-chuan-de-thanh-lap-dh-suc-khoe-20190917214355544.htm