Cổ đông thiệt hại nghìn tỷ vì bất đồng 'leo thang' tại Vinaconex

Giữa 'lùm xùm' về việc ĐHĐCĐ bất thường đầu năm 2019, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG) đã lên tiếng về hàng loạt vấn đề nội bộ công ty đang 'rối như canh hẹ'.

Cổ đông thiệt hại khoảng 1.236 tỷ đồng trong 1 ngày

Sau khi thoái hết vốn Nhà nước, nhiều nhà đầu tư trông chờ việc Vinaconex sẽ có bước nhảy vọt trong việc phát triển kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản đã từng tạo nên tên tuổi cho Vinaconex. Với việc kiện toàn ban lãnh đạo mới vào đầu năm 2019, đây được coi là vấn đề mấu chốt để Vinaconex hiện thực hóa những tham vọng mới của mình.

Thế nhưng, ngày 27/3, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Vinaconex tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019, với các điều khoản về bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát của Vinaconex nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Với diễn biến bất ngờ trên, ngay sau khi thông tin này được công bố thì trong ngày 28/3, cổ phiếu Vinaconex (HNX: VCG) đã liên tục giảm sàn. Điều này cho thấy tác động rõ nét nhất trong việc ảnh hưởng từ quyết định trên của Tòa án. Xa hơn nữa đó là rủi ro đang tiềm ẩn phía sau cuộc “nội chiến” giữa hai nhóm cổ đông lớn là Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) - bên nguyên đơn là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest).

Trước những thông tin ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, ngày 1/4, Vinaconex đã tổ chức gặp gỡ báo chí và thông tin về sự việc trên. Ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Vinaconex cho hay, ngày 27/3, Vinaconex nhận được đồng thời 2 văn bản của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, bao gồm: Thông báo thụ lý vụ kiện và quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, buộc Vinaconex tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019 cho đến khi có bản án, quyết định của tòa án.

“Văn bản thụ lý từ ngày 25/3 nhưng Tổng công ty không nhận được. Tới ngày 27/3, không hiểu sao lại đến cùng lúc với văn bản quyết định áp dụng biện pháp tạm thời. Trước thời điểm đó, khoảng 12h trưa thì văn bản này đã có trên mạng rồi, không hiểu có nhóm nào đó với động cơ gì mà có văn bản đó”, ông Mậu thông tin.

Đại diện Vinaconex cho biết, sau khi có quyết định của tòa án, cổ phiếu Vinaconex phiên hôm đó giao dịch tới 4,9 triệu cổ phiếu ở giá sàn, khiến cổ đông thiệt hại khoảng 1.236 tỷ đồng.

Đại diện Vinaconex cho biết, sau khi có quyết định của tòa án, cổ phiếu Vinaconex phiên hôm đó giao dịch tới 4,9 triệu cổ phiếu ở giá sàn, khiến cổ đông thiệt hại khoảng 1.236 tỷ đồng.

Đại diện Vinaconex cũng cho biết, sau khi có quyết định của tòa án, cổ phiếu Vinaconex phiên hôm đó giao dịch tới 4,9 triệu cổ phiếu ở giá sàn, khiến cổ đông thiệt hại khoảng 1.236 tỷ đồng. Được biết, Vinaconex đang thuê công ty định giá toàn bộ thiệt hại mà công ty này bị ảnh hưởng.

Như đã biết, trước đó một số cổ đông lớn của Vinaconex cho rằng, sau khi An Quý Hưng nhận chuyển nhượng 57,7% vốn điều lệ từ SCIC đã có hành vi “thâu tóm quyền lực” kiểm soát bộ máy nhân sự Công ty; sửa đổi quy chế quản trị và quy chế tài chính để cho phép cá nhân Chủ tịch, Tổng giám đốc quyết định giao dịch tới hàng ngàn tỉ đồng; thực hiện hàng loạt những quyết định có nguy cơ làm cạn kiệt mọi nguồn tài chính của Công ty. Do đó, các cổ đông này đã khởi kiện, yêu cầu hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ.

Liên quan đến lo ngại trên của các cổ đông, ông Dương Văn Mậu giải thích đây là nhu cầu cần thiết để công ty năng động hơn trong việc thực hiện các dự án đầu tư. Tuy nhiên, đây chính chính là vấn đề quan ngại của cổ đông, về các rủi ro tài chính khi Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc được giao quyền quá lớn.

Điển hình là việc Vinaconex quyết định chi ra 700 tỷ đồng từ quỹ đầu tư phát triển để đầu tư chứng khoán, mua cổ phiếu quỹ, được cho là trái với quy chế tài chính. Về vấn đề này, ông Dương Văn Mậu lý giải, đây là một quyết định đầu tư vì khi mua với giá 28 nghìn/cổ phần, sau này lên 40 nghìn/cổ phần sẽ bán, thu lợi. Vậy nhưng, điều các cổ đông quan tâm đó là, nếu giá cổ phiếu giảm thì khoản lỗ này ai chịu và nếu cần đầu tư phát triển công ty mà không bán được cổ phiếu thì lấy nguồn vốn từ đâu?

Bất đồng về quy chế tài chính, dự án Splendora “trì trệ và bế tắc”

Phát biểu tại họp báo, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT của Vinaconex cho hay, sau khi có HĐQT mới, Vinaconex đã có những thay đổi tích cực. Khi Vinaconex đang hoạt động “vào guồng” thì sự việc trên diễn ra một cách bất ngờ và đã gây hậu quả khôn lường.

Ông Đào Ngọc Thanh cũng cho biết thêm, sau khi ĐHCĐ bất thường, các cuộc họp của Vinaconex đều có sự tham gia của tất cả các thành viên HĐQT, bao gồm cả ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Hữu Hà. Tất cả mọi hoạt động đang diễn ra bình thường, tuy nhiên sau đó hai thành viên HĐQT nói trên đã đột ngột khởi kiện công ty.

Nói về về các buổi họp của HĐQT mới, vị Chủ tịch HĐQT cho biết, phiên đầu tiên 100% biểu quyết ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch và các nội dung khác của cuộc họp. Phiên họp thứ 2 nhằm thông qua quy chế hoạt động của công ty, trong đó có quy chế tài chính. Đáng chú ý, tại cuộc họp này, Star Invest và Cường Vũ không thông qua, nhưng theo luật có 5 phiếu ủng hộ nên quy chế được thông qua.

Tại phiên họp thứ 3, vấn đề được đưa ra liên quan đến khu công nghiệp tại Láng Hòa Lạc, lập công ty cơ điện và thành lập công ty quản lý các trường học, các nội dung được thông qua.

Nói về dự án Splendora, Chủ tịch HĐQT của Vinaconex cho biết: "Bây giờ lực bất tòng tâm, mời họp HĐQT thì họ nói bận, không đến gây ra sự trì trệ và bế tắc". (Ảnh: Phối cảnh dự án Splendora)

Cung cấp thông tin về dự án Splendora, ông Thanh cho biết, dự án này hình thành trước khi có sự thay đổi cơ cấu cổ đông của Vinaconex. Tại dự án Splendora, công ty chứng khoán Phú Long và Vinaconex mỗi bên nắm giữ 50%. Dự án này gồm 200ha đã nộp tiền thuê đất cho Nhà nước.

Theo ông Thanh, để phát triển dự án, Vinaconex đề cử ông Thân Thế Hà là Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC), nhưng ông Hà lại đại diện cho Phú Long. Người còn lại là ông Nguyễn Quang Trung (Phó tổng giám đốc Phú Long). Sau đó, ông Thanh đã về làm Chủ tịch HĐQT của Splendora.

“Tôi về là quyền lợi của cổ đông, không thể để dự án lớn kéo dài bao nhiêu năm như vậy. Vinaconex đề cử tôi trực tiếp làm chủ tịch Spendora nhằm phát triển dự án nhưng cho đến bây giờ lực bất tòng tâm, mời họp HĐQT thì họ nói bận, không đến gây ra sự trì trệ và bế tắc”, ông Thanh thông tin.

Những vấn đề then chốt trong việc phát triển Vinaconex hiện vẫn đang “rối như canh hẹ” và chưa thể giải quyết. Chỉ nhìn vào một dự án như Spendora, chúng ta có thể thấy được những khúc mắc trong nội bộ của Vinaconex thời điểm này. Không biết rằng, cuộc "nội chiến" ở Vinaconex bao giờ mới kết thúc, thế nhưng thiệt hại nhãn tiền mà các cổ đông phải chịu là không nhỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết được mớ bòng bong này thì cần có sự đồng lòng của các cổ đông công ty, trong đó không thể không nhắc tới 2 cổ đông lớn là Cường Vũ và Star Invest. Có như vậy, Vinaconex mới lấy lại hình ảnh của “người anh cả” đi tiên phong trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và cả trong ngành bất động sản. Thế nhưng, để làm được điều đó chắc còn phải chờ một thời gian dài, bởi vụ việc liên quan đến xung đột lợi ích của 2 nhóm cổ đông trên đang được Tòa án thụ lý, giải quyết.

Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin./.

Trần Tiến

Nguồn ReaTimes: http://reatimes.vn/co-dong-thiet-hai-nghin-ty-vi-bat-dong-leo-thang-tai-vinaconex-34635.html