Cổ đông nắm 1% cổ phần được tiếp cận 'bí mật DN': Sợ đối thủ cài vào quấy phá?

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nhỏ từ 10% xuống 1% được quyền tiếp cận thông tin, tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty.

Các ý kiến nêu ra tại Hội thảo “Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức sáng nay 15/10.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% để thực hiện một số quyền của cổ đông như: yêu cầu xem xét, trích lục hồ sơ, báo cáo tài chính, hợp đồng, giao dịch của công ty…và tham gia vào các quyết định quan trọng của công ty. Đồng thời, bãi bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, nội dung này đang gây ra nhiều tranh cãi.

Hội thảo “Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) diễn ra ngày 15/10

Hội thảo “Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) diễn ra ngày 15/10

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này có một nội dung rất quan trọng là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Để làm được điều đó cần phải tăng mức độ bảo vệ cổ đông, trao cho họ quyền tiếp cận thông tin.

Theo luật hiện nay thì chỉ một số cổ đông được tiếp cận thông tin sâu, đó là nhóm sở hữu 10% cổ phần trở lên và trong thời hạn 6 tháng liên tục.

“Lần này chúng tôi sửa đổi để theo chuẩn mực quốc tế. Dự kiến bãi bỏ 6 tháng và giảm tỷ lệ từ 10% xuống 1%. Khi chúng tôi đưa ra ý kiến này thì rất nhiều người phản đối, đề nghị giữ nguyên mức như hiện nay. Người ta cho rằng giảm xuống 1% là quá mức, vô hình chung tạo điều kiện cho cổ đông vào phá rối doanh nghiệp”, ông Hiếu cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, nếu muốn tăng cường khả năng quản trị doanh nghiệp dần tiếp cận theo chuẩn quốc tế thì không thể giữ tư duy thế này được.

“Ví dụ như ở Nhật Bản chỉ cần 1 cổ phiếu là có quyền yêu cầu cung cấp thông tin doanh nghiệp. Ở Hàn Quốc áp dụng tỷ lệ 3%. Theo Luật Chứng khoán thì cổ đông sở hữu 5% cổ phần đã là cổ đông lớn. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát với hơn 300 doanh nghiệp trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM và kết luận rằng sở hữu 1% cổ phần của một doanh nghiệp niêm yết là rất lớn, lớn đến mức không ai chịu hi sinh quyền lợi để phá rối, triệt tiêu doanh nghiệp mà mình đang sở hữu 1% cổ phần cả”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết quản trị công ty ở các nước đề rất cao quyền cổ đông nhỏ. Xu hướng các nước là làm sao để người dân dù bỏ vốn ít nhưng vẫn được bảo đảm quyền lợi. Do đó ông Tuấn ủng hộ giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần.

“Tuy nhiên giảm tỷ lệ là bao nhiêu, là 1%, 2% hay 3% thì còn phải xem xét kĩ. Song tôi tin rằng tỷ lệ 1% là hợp lý. Người đã nắm 1% cổ phần thì quyền lợi kinh tế cũng đã gắn bó với doanh nghiệp. Nếu họ làm tổn hại cho lợi ích của công ty thì trước hết họ cũng bị ảnh hưởng. 1% là một tỷ lệ không hề nhỏ đối với một nhà đầu tư”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) lo ngại về vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh.

“Trong quản trị doanh nghiệp bảo vệ bí mật kinh doanh rất quan trọng. Nếu chúng ta không cẩn thận đối thủ cạnh tranh hoàn toàn có thể mua 1% cổ phần để làm khó dễ cho doanh nghiệp. Thực ra 1% có thể không lớn nhưng có thể làm khó dễ doanh nghiệp, làm tăng chi phí quản trị doanh nghiệp”, ông Việt nói.

Theo ông, tỷ lệ 10% có thể giảm xuống nhưng nếu giảm mạnh 1% thì cần suy nghĩ kỹ vì cần phải đề phòng.

Còn ông Phan Lê Hoàng, Phó TGĐ Tập đoàn Thái Bình Dương cho rằng, việc bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng là phù hợp, vì đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình mà không phân biệt có động cũ hay cổ đông mới.

Tuy nhiên, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ động hoặc nhóm cổ động sở hữu từ 10% xuống còn 1% thì không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ là việc làm đúng, nhưng để ổn định công ty thì vẫn cần phải có một tỷ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm cổ đông lớn”, ông Hoàng nói.

Diệu Thùy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/co-dong-nam-1-co-phan-duoc-tiep-can-thong-tin-sau-so-doi-thu-cai-vao-quay-pha-post316781.info