Cổ đông mới thay thế toàn bộ Hội đồng quản trị của Vinaconex

Đại diện của Công ty An Quý Hưng và Bất động sản Cường Vũ lần lượt nắm giữ 7 ghế trong Hội đồng quản trị mới của Vinaconex.

Ngày 11/1, Vinaconex tiến hành họp ĐHCĐ bất thường sau khi đã có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp. Sau khi bán phần vốn Nhà nước, hiện tại, Vinaconex có 3 cổ đông lớn chiếm 87% vốn, gồm công ty An Quý Hưng nắm 57,71% vốn, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ giữ 21,3% vốn và Đầu tư Star Invest nắm 7,57% vốn.

Đại hội có sự tham dự của 101 cổ đông và người ủy quyền, đại diện cho hơn 417 triệu cổ phiếu, tương đương 94,52% cổ phần. Trọng tâm của ĐHCĐ bất thường tại Vinaconex đó là bầu HĐQT và Ban kiểm soát mới nhằm đưa các nhân sự của cổ đông mới vào trong ban lãnh đạo công ty.

Nghị quyết được Vinaconex công bố sau Đại hội cho biết 7 thành viên mới trúng cử vào HĐQT bao gồm ông Thân Thế Hà, ông Nguyễn Quang Trung (2 đại diện do Viettel đề cử); ông Nguyễn Xuân Đông, ông Dương Văn Mậu, ông Bùi Tuấn Anh, ông Nguyễn Hữu Tới và ông Đào Ngọc Thanh ( 5 đại diện do HĐQT trước đó đề cử).

Trong các thành viên mới được bầu, 2 thành viên do Viettel đề cử có liên quan đến Liên doanh KĐT An Khánh, nơi công ty Bất động sản Phú Long nắm giữ 50% cổ phần. Bất động sản Phú Long thành viên của tập đoàn Sovico Holdings.

Trong 5 thành viên còn lại, ông Đông là CEO của An Quý Hưng, công ty mẹ của Vinaconex. Ông Dương Văn Mậu là Phó Tổng giám đốc hiện tại của Vinaconex và là chủ tịch nhiều công ty thành viên của tổng công ty này. Ông Bùi Tuấn Anh và ông Nguyễn Hữu Tới đến từ Vinaconex 12, một công ty mà Vinaconex sở hữu 36% cổ phần.

Đáng chú ý là ông Đào Ngọc Thanh, người sau đó đã được bầu làm chủ tịch HĐQT của Vinaconex. Ông Thanh hiện là CEO của Ecopark, đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Contana, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API).

Đối với thành viên Ban kiểm soát, ông Nguyễn Xuân Đại (đại diện của Cường Vũ) được bầu vào ban kiểm soát mới. Ngoài ra có 3 nhân sự từ Vinaconex và 1 nhân sự hiện đang giữ vị trí trưởng bộ phận kế toán CTCP Picenza Việt Nam.

Trước đó, thương vụ thoái vốn Nhà nước khỏi Vinaconex gây chú ý khi An Quý Hưng đã chi tới 7.366 tỷ đồng để mua lại 255 triệu cổ phiếu VCG do SCIC nắm giữ trong đợt đấu giá ngày 22/11. Mức giá mà nhà đầu tư này trả cao hơn 35% so với mức giá khởi điểm.

Cùng với An Quý Hưng, công ty Cường Vũ cũng chi ra 2.002 tỷ đồng để mua 94 triệu cổ phần VCG do Viettel nắm giữ, tương đương 21,3% vốn của Vinaconex. Công ty Star Invest không mua cổ phần đấu giá mà mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài để trở thành cổ đông lớn của Vinaconex.

Tại Đại hội, ông Nguyễn Xuân Đông, CEO của An Quý Hưng đồng thời là Tổng Giám đốc hiện này của Vinaconex cho rằng, Vinaconex là một thương hiệu tốt hình thành hơn 30 năm qua nhưng do cơ chế nên chưa phát triển đúng mức. "Khi vào tay chúng tôi Vinaconex sẽ được phát triển lên rất nhiều. Trong tương lai, lĩnh vực đầu tư sẽ được coi là then chốt, mảng xây lắp sẽ là trụ đỡ để phát triển mảng đầu tư", biên bản ĐHCĐ của Vinaconex viết.

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch mới của Vinaconex cho biết: Chúng tôi muốn làm gì đó để giữ lại thương hiệu Vinaconex, đưa công ty trở thành top 3 công ty xây dựng lớn nhất trong nước.

Ông Thanh cũng cho biết, ông đại diện cho một nhóm cổ đông tham gia vào Vinaconex và phần lớn các cổ đông làm trong ngành xây dựng. "Chúng tôi không phải là các đại gia, cũng không có ngân hàng", biên bản ĐHCĐ của Vinaconex viết.

Vinaconex là một doanh nghiệp xây dựng nhà nước có lịch sử 30 năm được cổ phần hóa, công ty đã xây dựng các công trình lớn trên cả nước như Trung Tâm Hội nghị Quốc Gia, Tràng Tiền Plaza. Ngoài ra, Vinaconex phát triển nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, như Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính và các dự án hạ tầng đường giao thông, nước sạch.

Bên cạnh thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng, giá trị thu hút nhà đầu tư của Vinaconex được cho là nằm ở quỹ đất rộng lớn hàng triệu m2 do doanh nghiệp này và các công ty thành viên sở hữu hoặc quản lý.

Công ty còn nắm giữ 30% cổ phần tại Nhà máy xi măng Cẩm Phả. Đây là dự án từng khiến Vinaconex điêu đứng nhưng sau khi về tay Viettel đã có lãi trở lại và đang từng bước trả các khoản nợ cho chính Vinaconex.

Vinaconex cũng đang thực hiện cải tạo hai dự án chung cư cũ trên đường Láng Hạ với tổng quy mô đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Đồng thời công ty đang triển khai hai dự án chung cư khác tại 25 Nguyễn Huy Tưởng và Vinata Towers.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/co-dong-moi-thay-the-toan-bo-hoi-dong-quan-tri-cua-vinaconex-1547212010826.htm