Cổ đông chất vấn gì tại Đại hội đồng cổ đông SHB?

Tại Đại hội đồng cổ đông 2018 vừa diễn ra, bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh như lợi nhuận, cổ tức..., những vấn đề gây băn khoăn thời gian qua như nợ xấu tăng, tìm đối tác chiến lược cũng được cổ đông SHB chất vấn.

Ông Đỗ Quang Hiển, trả lời cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018

Ông Đỗ Quang Hiển, trả lời cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018

Nợ xấu có đáng ngại?

Về câu chuyện nợ xấu, một cổ đông thắc mắc: "Nợ dưới chuẩn của SHB trong năm qua vì sao tăng mạnh? Mức trích lập thấp trong năm 2017 có tạo gánh nặng cho SHB trong những năm tới?".

Trả lời cổ đông, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, nợ dưới chuẩn tăng là do khoản nợ trung và dài hạn trước kia của Habubank đến bây giờ trở thành nợ xấu. Cụ thể, khi nhận sáp nhập Habubank, dư nợ của Vinashin tại ngân hàng này là 3.993 tỷ đồng, SHB đã xử lý và trích lập dự phòng là 1.089 tỷ đồng, dư nợ còn lại 2.909 tỷ đồng nằm ở nhóm nợ xấu.

“SHB trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trên cơ sở đề án nhận sáp nhập Habubank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khác với những quy định bình thường của các tổ chức tín dụng khác trong việc trích lập dự phòng trái phiếu VAMC. Trong hoạt động tín dụng, việc phát sinh rủi ro là khó tránh, nhưng do SHB luôn chú trọng quản trị rủi ro, nên nợ xấu hiện tại không đáng ngại”, ông Lê nhấn mạnh.

Ông Lê chia sẻ thêm, tính đến cuối 2017, số dư trái phiếu bán cho VAMC còn lại hơn 8.119 tỷ đồng, trong đó có 650 tỷ đồng đã thu hồi nhưng chưa được tất toán. SHB đã trích lập dự phòng 2.101 tỷ đồng cho khoản này. Trong năm 2018, SHB dự kiến bán 300 tỷ đồng nợ theo quy định của Nhà nước.

Nói thêm về vấn đề nợ xấu, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho hay: “Tỷ lệ nợ xấu đúng là có tăng, nhưng tăng không cao. Ngoài lý do sáp nhập, một phần nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng là theo quy định mới, những doanh nghiệp có nợ xấu ở các ngân hàng khác thì bản thân ngân hàng cũng phải đưa nợ của khách hàng đó vào nợ quá hạn tại ngân hàng mình. SHB cũng có những khách hàng như vậy, nợ tại SHB thì thuộc nhóm 1, nhưng ở ngân hàng khác lại là nợ xấu, nên SHB phải đưa lên thành nhóm nợ xấu”.

Không quan tâm đến nhà đầu tư tài chính đơn thuần

Trước mối quan tâm của cổ đông về phương án tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại khi hiện tại tỷ lệ này đang khá thấp là 9,47% và tiến trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược thực hiện đến đâu, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, hiện nay, không chỉ SHB, mà cả Công ty Tài chính SHB cũng đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo quan điểm của SHB, nếu là cổ đông chiến lược thì phải là nhà đầu tư dài hạn, có tham gia vào quản trị, điều hành Ngân hàng, đồng thời thực hiện việc kiểm soát và chuyển giao về công nghệ...

“SHB không quan tâm đến nhà đầu tư vào Ngân hàng chỉ với mục đích tài chính đơn thuần”, ông Hiển nhấn mạnh.

Giải đáp trăn trở của cổ đông xung quanh việc lợi nhuận chưa tương xứng với quy mô Ngân hàng, ông Hiển cho biết, trong thời gian qua, SHB đã nhận sáp nhập Habubank và Công ty Tài chính Vinaconex - Viettel (VVF). Do đó, SHB phải cấu trúc lại các khoản nợ, cấu trúc lại hệ thống quản trị điều hành, trích lập dự phòng nên lợi nhuận chưa đáp ứng được kỳ vọng.

"Tuy nhiên, với nền tảng vững chắc và chiến lược kinh doanh hợp lý, chúng tôi cam kết sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho các cổ đông", ông Hiển nói.

Liên quan đến vấn đề lợi ích cổ đông, Chủ tịch SHB cho hay, Ban lãnh đạo Ngân hàng mong muốn tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, nhưng phải cân nhắc việc sử dụng vốn, bởi điều này sẽ khiến cổ tức của cổ đông bị phân tán.

Năm 2018, SHB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.200 tỷ đồng, lên mức 13.240 tỷ đồng, thông qua việc chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10%. Đầu tháng 3 vừa qua, SHB đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn lên hơn 12.036 tỷ đồng bằng việc trả 7,5% cổ tức cũng bằng cổ phiếu.

Tính đến cuối năm nay, SHB dự kiến tổng tài sản đạt 315.494 tỷ đồng, tăng 10,31% so với đầu năm; huy động tiền gửi đạt 250.617 tỷ đồng; số dư cấp tín dụng đạt 223.822 tỷ đồng, tăng lần lượt 18,82% và 15% so với năm 2017. SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 2.050 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 3%; tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) mục tiêu ở mức tương ứng 0,6-0,8% và 10,5-11,5%.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/co-dong-chat-van-gi-tai-dai-hoi-dong-co-dong-shb-226408.html