Cô đồng bóng cậu đất Bắc (Kì 3): Truyền nhân của 'tổ nghề' trải lòng về số phận ba chìm bảy nổi nơi cửa Thánh

Chưa đầy 30 tuổi nhưng 'thương hiệu' Văn Chung hát văn đã nức tiếng gần xa trong giới thanh đồng. Ra đồng vì giấc mơ cặp bạch xà truy đuôỉTập hợp anh em cung văn dưới một mái nhà

Những giá đồng danh tiếng nhất, anh luôn là cái tên được các văn đàn, bản hội ưu ái hàng đầu. Nhưng phía sau hào quang lẫy lừng ấy, ít người biết Nguyễn Văn Chung đã từng trải qua những tháng năm “bảy nổi ba chìm” học nghệ gian nan như thế nào. Và cái giá phải trả khi trót theo hầu cửa Thánh ấy, như chính anh tâm sự, còn là cả lời nguyền vô hình, một căn nghiệp phải trả, khiến Chung suốt cả cuộc đời tình duyên lận đận.

Truân chuyên “tầm sư học đạo”

Chung là con thứ ba trong một gia đình có bốn anh em. Nhà Chung xưa nghèo lắm, chỉ có mẹ làm đồng áng nuôi bốn anh em ăn học. Nhà Chung ngay sát cửa đền Cô (đền Cô Bơ, Thanh Hóa), khi đó bị chiến tranh tàn phá nặng nề chỉ còn chút tường bao nham nhở, một đống gạch vụn, một ban thờ và hai cây bàng cổ thụ. Ngày nào Chung cũng tha thẩn sang đền chơi, tối sáng trăng ra đền đọc sách, làm bài tập. Mặc dù ngày đó, việc sinh hoạt thực hành tín ngưỡng Tứ Phủ còn bị cấm, theo dõi gắt gao nhưng thi thoảng các bản hội khắp nơi vẫn kéo về tổ chức hầu Thánh.

Mỗi buổi hầu ấy với Chung là cả một ngày hội. Cậu bé còn chưa lên mười chìm đắm trong làn điệu chầu văn ma mị, lúc tỉnh lúc mê đầy cám dỗ. Năm 12 tuổi, tranh thủ kì nghỉ hè, cậu lại theo chân một nghệ nhân có tiếng trong vùng ra Tam Điệp (Ninh Bình) học nghề. Khi đó, cả gia sản chỉ có 2 con lợn, cậu đã phải thuyết phục mẹ bán để làm chi phí cho lần đầu tiên xuất gia học đạo trong đời.

Có lẽ phần do nhà nghèo, phần do cái máu đồng cốt đã ngấm vào người, Chung chỉ học hết lớp 8 rồi rẽ ngang sang nghề hát văn. Thời gian đó, anh lang thang khắp các đền phủ, đi lưu diễn ở khắp các nơi như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Lệ, Bảo Hà, Phố Lu, Trái Hút, Đồng Mỏ, Đồng Đăng, Lạng Sơn. Từ đền Ông Hoàng Bảy đến Ông Mười; Từ Phủ Giầy, đến đền Cây Thị, đền Tân La, đền Kiếp Bạc, đền Cửa Ông đến đền Lảnh Giang, đền Sòng Phố Cát…Những tháng ngày phiêu bạt ấy, Chung vừa hành nghề kiếm sống vừa học hỏi các ngón nghề của các cung văn tài danh, để giờ đây trở thành cung văn hiếm hoi có thể hát chính xác cả 13 lối văn cổ mà các bậc tiền nhân để lại.

Sau những năm tháng bôn ba với nhiều văn đàn tứ xứ, năm 18 tuổi, Chung chia tay các cung văn ở đền Ông Mười (Nghệ An) ra Hà Nội lập nghiệp. Công việc đầu tiên của anh là sưu tầm băng đĩa của các bậc tiền bối để nghe và tự mình học tập. Những cung văn lừng lẫy như cụ Kiêm, ông Kha, ông Cao, ông Đạt, ông Vĩnh “6 ngón”, ông Sinh “lớn”, ông Sinh “con”, ông Phán, ông Phụng… thấy anh ham học hỏi, có năng khiếu nên sau vài lần anh lui tới đã cung cấp băng thu những bài hay nhất của mình.

Có băng rồi, đêm nào anh cũng nghe và chìm vào giấc ngủ trong những giai điệu chầu văn ma mị, chập chờn. Có khi sực tỉnh, anh tập hát theo các cụ bất chấp là nửa đêm hay tờ mờ sáng. Nhưng khi đó dù giọng hát đã khá điêu luyện, anh vẫn chưa biết những “hèm” độc đáo của nghề. Anh cứ mê mẩn, không hiểu sao các cụ hát hay đến thế, một tiếng cầm khóe lảy, một cơn xá thăng hoa hay câu hãm mượt mà đủ toát lên thần thái của một nghệ nhân cả đời tu luyện.

Vừa hay lúc đó, anh gặp được cụ Kiêm, người được giới cung văn cả nước lúc ấy xem như “tổ nghề’’ trong giới văn đàn nhận làm học trò. Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh. Lúc đó, cụ Kiêm đã ngoài 70, sức khỏe yếu nhưng cơ duyên cho anh được cụ ân cần chỉ bảo. Mặc dù tai không còn nghe được nhưng cụ Kiêm vẫn có biệt tài đặt lời văn đầy cuốn hút và nhất là tường tận mọi lối hát cổ như lòng bàn tay. Thật tiếc khi anh chỉ được học một thời gian thì ngắn thì cụ mất.

Sau đó, anh tiếp tục tìm đến nghệ nhân Lê Bá Cao để học nghề. Cụ Cao đặc biệt sưu tầm và thuộc hàng ngàn bài thơ Thánh độc nhất vô nhị như Xuất nhập Thiên Thai, Tì Bà cung Bắc… Cụ chính là người thầy mẫu mực , giúp anh học hỏi được muôn vàn điều bổ ích. Sau gần 10 năm vừa đi hát vừa tầm sư học đạo, anh trở thành một cung văn “có thương hiệu” và được các văn đàn, bản hội luôn ưu ái.

Đường tình duyên dang dở

Trở lại câu chuyện đời mình, anh tâm sự những ai đã bước chân vào cửa Thánh, như một cái nghiệp chẳng mấy ai suôn sẻ chuyện tình duyên. Chuyện yêu đương vợ chồng của các cung văn hay giới thanh đồng khắc nghiệt vô cùng. Như có một lời nguyền vô hình, hay một căn nghiệp phải trả, hàng trăm người đi theo thế giới đồng bóng may lắm chỉ có dăm người giữ gìn được mái ấm hạnh phúc.

Anh kể, cung văn với chân đồng khi diễn xướng có một mối giao thoa kì lạ, chuyện các cô gái bỏ nhà bỏ cửa đi theo các anh cung văn vốn chỉ là chuyện thường tình. Khi đã vào độ nhập đồng thì mối lương duyên ấy như Bá Nha – Tử Kỳ, tri âm tri kỉ của nhau, như thể có một sợi dây vô hình buộc chặt. Bản thân anh dù ý thức rất rõ điều đó nhưng cũng không thể nào thoát khỏi định mệnh của nghề.

Theo nghiệp hát văn, việc yêu đương nam nữ đến với anh khá sớm nhưng phải đến năm 28 tuổi, anh mới tìm thấy tình yêu thực sự. Lần ấy đi hát ở Điện Phúc Sơn phố Giảng Võ (Hà Nội), anh gặp một bà đồng đứng tuổi. Trong câu chuyện “trà dư tửu hậu”, anh chỉ bông đùa khi trêu: “Cô có con gái thì gả cho cháu”, thế mà thành duyên phận. Sau đó, anh gặp người vợ đầu tiên của mình, một cô gái trẻ trung, hiền dịu và xinh đẹp nhưng chẳng dính dáng gì đến chuyện hát văn hay Tứ phủ.

Qua lại với nhau chưa đầy một năm, anh và chị quyết định đi đến hôn nhân. Sau lễ cưới, anh phải tất bật chạy vạy ngược xuôi để vay tiền mua một căn hộ tập thể ở Thanh Nhàn. Thời gian đó, cuộc sống của anh thật êm đềm và với thương hiệu hát văn nổi tiếng của mình, chẳng mấy chốc anh đã kiếm đủ tiền trả nợ. Hai đứa con xinh đẹp như thiên thần lần lượt ra đời chỉ trong 2 năm. Nhưng số phận trớ trêu, con tạo bông đùa, Văn Chung lại nảy sinh tình cảm với một chân đồng khác mà sau này sẽ trở thành người vợ thứ hai của anh.

Lúc đó, dù vẫn thương vợ thương con, nhưng mối tình kia anh không thể nào cắt đứt được. “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, mọi chuyện vỡ lở, gia đình tan nát. Đi theo tiếng gọi của tình yêu mới, anh và nữ chân đồng kia “góp gạo thổi cơm chung”. Điều đặc biệt là cả hai người vợ của anh đều tên là Thủy, vợ đầu kém anh 4 tuổi còn người vợ thứ 2 hơn anh 4 tuổi.

Văn Chung bảo, có lẽ cái nghiệp anh gắn với Thủy cung. Thế nên sau hơn hai chục năm trời lưu lạc, anh trở về làm thủ nhang đồng đền Cơ Bơ – Hàn Sơn, thuộc cung mẫu Thoải, cai quản sông nước ao hồ. Về với ngôi đền thiêng đã gắn bó với cả tuổi thơ của mình, anh chỉ có tâm niệm cung phụng cửa Cô, giữ gìn linh khí. Nhưng có lẽ, đó chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời phiêu bạt của cung văn Nguyễn Văn Chung…

Cung văn Văn Chung chính thức ra mở phủ ở đền Cây Quế (Nam Định) năm 28 tuổi. Anh tự nhận mình vừa là người có căn quả, vừa là kẻ mến mộ đạo Mẫu lập phủ trình đồng để cầu hoan hỉ an lạc, sức khỏe bình an. Từ đó, cung văn Văn Chung trở thành cậu Chung, phụng sự việc Thánh không dám chểnh mảng. Tâm sự về lý do quyết định ra mở phủ của mình, cậu Chung bảo cũng xuất phát từ những đêm trăn trở, nghĩ ngợi về một bến neo đậu cho cuộc đời. Khi thiếp đi rồi chìm vào những giấc mơ, anh thường thấy hai con bạch xà truy đuổi mình ráo riết trên sông. Với nhạy cảm của một người thường vào ra cửa Thánh, anh biết để mọi công việc trôi chảy và nhất là thoát ra khỏi cơn ác mộng kinh hoàng đó anh phải ra mở phủ tu đồng, cung nghinh việc Tứ phủ.

Hơn 20 năm theo nghiệp cung văn, hơn 10 năm phụng sự việc Thánh, anh từng lo ngại tình trạng hỗn loạn, người người hát văn, nhà nhà hát văn chỉ vì tiền, có những kẻ thậm chí học vài điệu cơ bản, đi hát chỉ cốt sao kích thích bà đồng hưng phấn, “thướng” nhiều tiền đang hủy hoại hát Văn, một thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng đặc sắc. Từ nỗi đau đó đó, anh (được sự ủng hộ của GS. Ngô Đức Thịnh – PV) đã đứng lên khởi xướng việc thành lập CLB Bảo tồn chầu văn Việt Nam do GS. Thịnh làm chủ nhiệm. Ra đời từ tháng 3/2012, CLB hiện thu hút 500 cung văn khắp đất nước tham gia với nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn loại hình âm nhạc truyền thống đang bị mai một này.

NA SƠN

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/co-dong-bong-cau-dat-bac-ki-3-truyen-nhan-cua-to-nghe-trai-long-ve-so-phan-ba-chim-bay-noi-noi-cua-thanh-a220128.html