Cơ đồ Việt Nam chưa bao giờ có được như ngày nay

Cơ đồ Việt Nam chưa bao giờ có được như hiện nay; vận nước đang lên; thời cơ đã đến; những tồn tại, khiếm khuyết, yếu kém đã thấy rõ...

Trong những năm Đổi Mới vừa qua, Việt Nam đã dốc sức để làm nhanh nhất có thể những cao tốc đường bộ, đường hàng không, cảng biển. Tới đây, vào tháng 5/2020, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án Đường sắt cao tốc Bắc Nam sau nhiều năm chuẩn bị, trong đó có đoạn làm sớm, có đoạn làm sau. Như vậy, vùng trũng nhất của giao thông là đường sắt cũng đã không chịu tiếp tục nằm im. Cơ đồ của Việt Nam về giao thông vận tải chưa bao giờ có được sự phát triển toàn diện và vượt bậc như hiện nay và dăm ba năm tới.

So với giao thông thì thông tin tuy đi sau nhưng lại về trước trong hiện đại hóa, tiếp cận cao tốc thế giới. Chỉ từ đầu thế kỷ XX đến nay, thế hệ 2.0 đã bị loại bỏ, thế hệ 3.0 càng bị loại nhanh hơn bởi 4.0, và thế hệ 5.0 đang ngấp nghé soán ngôi còn chưa nóng chỗ của 4.0. Cơ đồ của Việt Nam về thông tin chưa bao giờ được hiện đại hóa nhanh như đã đạt được như ngày nay.

Ngày 12/2/2020, Nghị viện Châu Âu đã thông qua hiệp định thương mại tự do EVFTA sau nhiều năm đàm phán. Hiệp định này cùng với 12 hiệp định FTA khác mà Việt Nam đã ký và đang có hiệu lực, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) đã mở đại lộ thương mại của đất nước tới hàng loạt các quốc gia G7, G20 tại khắp các châu Á, Âu, Mỹ, Úc. Thế giới đã có người cho rằng Việt Nam đang trở thành một cường quốc địa-chính trị. Cơ đồ của Việt Nam về không gian thương mại và địa chính trị chưa bao giờ được mở thênh thang và bền vững như ngày nay.

Vậy là những cao tốc thông tin, giao thông, thương mại của đất nước đã sẵn sàng cho nền kinh tế Việt Nam vượt tốc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa và dịch vụ của mình đi khắp các vùng miền của đất nước; đồng thời thực hiện xuất nhập khẩu với phần lớn các quốc gia thành viên Liên hợp Quốc.

Riêng các quốc gia có FTA với Việt Nam thì thuế suất bằng không được thực hiện với phần lớn các loại hàng hóa và dịch vụ ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện trong một số năm sau đó. Để có thể vượt tốc khi các cao tốc trên đã được mở ra, hệ thống doanh nghiệp trong nước không thể tiếp tục "dò đá qua sông" với những doanh nghiệp cứ mãi mãi là "nhỏ, vừa và li ti hóa" như những năm qua.

Doanh nghiệp không thể mãi cứ ''li ti, nhỏ, vừa" mãi.

Doanh nghiệp không thể mãi cứ ''li ti, nhỏ, vừa" mãi.

Trước hết, 5 triệu hộ kinh tế gia đình ở nông thôn phải nhanh chóng có thể chế để trở thành các trang trại kinh doanh trong ngành nông nghiệp hiện đại. Các trang trại này không cần tới "qui mô đồ sộ" về đất đai như các nông trang, nông trường trước đây. Trang trại chỉ cần một qui mô vừa đủ để thực hiện phương thức "làm ruộng như làm vườn". Qui mô và phương thức này đã và đang được thực hiện có hiệu quả cao trong chuỗi giá trị toàn cầu tại nhiều địa phương trong trồng hoa, quả, dược liệu, cây công nghiệp ngắn ngay, và cả trồng lúa với chất lượng cao nhất thế giới tại Long An.

Nếu 5 triệu hộ kinh tế gia đình được chuyển mình để trở thành các trang trại kinh doanh nông nghiệp hiện đại thì "Nông Thôn Mới" sẽ tăng tốc trên các đại lộ Thông tin, Giao thông, Thương mại đã được mở ra. Đòi hỏi có cơ chế thích hợp cho 5 triệu hộ kinh tế gia đình ở nông thôn, mà trước hết là việc ban hành luật về loại doanh nghiệp này. Luật đó cùng với các kiến tạo khác của nhà nước sẽ là phương thức cần và đủ để Nông nghiệp-Nông dân-Nông thôn không còn là vùng trũng của năng suất thấp, của được mùa mất giá, và của những người yếu thế phải đi toa cuối của đoàn tầu kinh tế Việt Nam.

Đối với 800 nghìn doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hiện có, và một hai triệu doanh nghiệp này sẽ có trong tương lai gần, cần có thể chế để khu vực này trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, đã đến lúc bỏ lại phía sau những quan điểm không còn đúng về DNTN, thậm chí đã đặt khu vực doanh nghiệp này đối đầu với Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời kỳ kế hoạch hóa. Và cũng đã đến lúc đặt Tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước ngang tầm với Tập đoàn kinh tế nước ngoài.

Từ trên hai thập kỷ qua cho đến nay, Nhà nước đã thành công trong một khác biệt với nhiều quốc gia châu Á khi trải thảm đỏ mời gọi các tập đoàn kinh tế nước ngoài đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Nay thảm đỏ thứ hai cần được trải ra để vinh danh, kiến tạo cho sự ra đời, trưởng thành và hoạt động đạt hiệu quả của các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước. Làm như vậy, một lần nữa, Việt Nam đưa nền kinh tế của mình vận hành trên các cao tốc thông tin, giao thông, thương mại bằng cả các tập đoàn kinh tế nước ngoài và tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước.

Đối với trên một nghìn DNNN, đã đến lúc cần bỏ lại phía sau tốc độ "rùa bò" trong cổ phần hóa đã đeo đẳng suốt mấy chục năm qua. Theo đó, phải đặt tốc độ chậm chạp này thành một trọng tâm để xử lý. Quá trình cổ phần hóa đã kéo quá dài, cần được kết thúc với một "tốc độ cao" để sớm giải phóng vài triệu tỷ đồng vốn đang ứ đọng trong các doanh nghiệp này, cung cấp cho các nhu cầu cấp bách của nền kinh tế đang khát vốn, đồng thời tránh cho nhà nước phải thêm nợ vay và nợ phải trả.

Hơn bao giờ hết, trên nền tảng của các cao tốc Thông tin-Giao thông-Thương mại đã được mở ra, thì quản lý nhà nước đối với nền kinh tế vận hành trên các cao tốc đó cũng cần được đổi mới một cách "cao tốc".

Theo đó, hệ thống không nên lúc nào cũng trong tình trạng cần huy động để thực hiện từ việc nhỏ đến việc lớn như lâu nay; Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo không thể tiếp tục được cơ cấu lại với tốc độ chậm như đã từng thấy trong các thập kỷ qua; bộ máy nhân sự cũng không thể không được sàng lọc để tránh "voi đi qua lỗ kim" như đã thấy.

Những thực trạng đó rõ ràng không thể tương tác được với các nền tảng cao tốc đã được mở ra. Để dọn dẹp những bề bộn trên đây, phương thức "những việc cần làm ngay" do cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đề xuất và thực hiện trong những năm đầu Đổi Mới, nay cần được tái sử dụng, trước hết cho việc: giảm cấp phó, giảm các ban chỉ đạo, giảm các tổ công tác đặc biệt, giảm cơ quan ngang bộ, giảm tổng cục, giảm sự trùng tên của các sở ban ngành ở địa phương với các bộ ban ngành ở trung ương, đặt Mặt trận Tổ quốc thành ngôi nhà chung của các hội và đoàn thể.

Cơ đồ Việt Nam chưa bao giờ có được như hiện nay; vận nước đang lên; thời cơ đã đến; những tồn tại, khiếm khuyết, yếu kém đã thấy rõ; Đại hội XIII của Đảng đang được chuẩn bị toàn diện. Tất cả đều báo hiệu về một Việt Nam "thoát trung bình, đạt cao tốc" trong thời gian tới. Chúng ta cần chuẩn bị những cỗ xe để đi trên các cao tốc đó.

TS. Đinh Đức Sinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/co-do-viet-nam-chua-bao-gio-co-duoc-nhu-ngay-nay-618478.html