Có địa phương đề xuất sáp nhập 3, 4 chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực

Toàn ngành Thuế đang nỗ lực thực hiện sáp nhập các chi cục thuế vừa đảm bảo đúng kế hoạch đã đề ra vừa đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Ông Vi Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Trong năm 2018 sẽ ghép 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành 154 chi cục thuế. Ảnh TL.

Theo lộ trình, trong năm 2018 sẽ ghép 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành 154 chi cục thuế (Giảm 173 chi cục thuế). Khối lượng công việc nhiều, thời gian lại ngắn, Tổng cục Thuế đã thực hiện kế hoạch này như thế nào để đảm bảo đúng lộ trình thưa ông?

Để triển khai việc sắp xếp chi cục thuế, ngay từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW; thực hiện chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nghiêm túc và chủ động triển khai việc nghiên cứu, xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế khu vực.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai Kế hoạch của Bộ Tài chính; Thành lập Ban chỉ đạo triển khai sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế, đồng thời chỉ đạo các cục thuế thành lập ban chỉ đạo thuộc cục thuế để chỉ đạo thực hiện. Đồng thời Tổng cục cũng phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính tiến hành khảo sát tại các cục thuế đại diện các miền trong cả nước để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sắp xếp, sáp nhập.

Để các địa phương triển khai thuận lợi, Tổng cục Thuế cũng đã hướng dẫn các cục thuế xây dựng Đề án thành lập chi cục thuế khu vực. Với quyết tâm chính trị cao của toàn ngành, việc thành lập chi cục thuế khu vực sẽ được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.

Việc ghép các chi cục thuế đã được nghiên cứu, xây dựng thành đề án đảm bảo việc chi cục thuế mới phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn cả về tổ chức bộ máy, kết hợp sắp xếp lại nguồn nhân lực để thực hiện tinh giản biên chế, giảm chi phí hành thu của cơ quan Thuế đồng thời vẫn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình triển khai, Tổng cục Thuế có giao các địa phương nghiên cứu đề xuất phương án sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế trước hết cần căn cứ yếu tố địa lý tự nhiên, có tính đến yếu tố văn hóa, lịch sử và các điều kiện khác. Do đó, việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế không chỉ được thực hiện bởi 2 chi cục thuế, thậm chí có địa phương đề xuất ghép 3, ghép 4 làm sao để nâng cao hiệu quả hoạt động sau khi sắp xếp và đảm bảo việc hoạt động được thuận lợi.

Việc ghép các chi cục thuế trước hết là giảm về đầu mối tổ chức, theo đó sẽ giảm ngay số lượng lãnh đạo cấp trưởng (Chi cục trưởng và Đội trưởng). Đối với số lượng lãnh đạo cấp phó (Chi cục phó và Đội phó) thì trước mắt có thể cho giữ nguyên số lượng như trước khi sáp nhập, về lâu dài sẽ có lộ trình bố trí sắp xếp để đảm bảo số lượng cấp phó theo quy định.

Đối với số lượng công chức của chi cục thuế khu vực, trước mắt xác định bằng số lượng công chức của các chi cục trước khi sáp nhập. Sau này sẽ nghiên cứu và có lộ trình xác định lại số biên chế phù hợp đảm bảo tinh giản, gọn nhẹ.

Vậy trong quá trình ghép thì cơ sở vật chất làm việc, nơi giao dịch về thuế sẽ được tổ chức như thế nào để không làm ảnh hưởng đến công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp hàng ngày?

Trong quá trình xây dựng Đề án ghép các chi cục thuế để thành lập chi cục thuế khu vực có tính đến 3 mối quan hệ giao dịch như sau: Cơ quan Thuế - Người nộp thuế (cá nhân và doanh nghiệp); Cơ quan Thuế với các cơ quan hữu quan trên địa bàn; Nội bộ cơ quan Thuế.

Trong đó chú trọng mối quan hệ giữa cơ quan Thuế với người nộp thuế theo tinh thần không làm tăng thủ tục hành chính về thuế của người nộp thuế; không làm tăng thời gian cũng như chi phí đi lại… của người nộp thuế trong giao dịch với cơ quan Thuế.

Như vậy, trước mắt vẫn duy trì một bộ phận tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế tại địa bàn trụ sở cũ để đảm bảo sự thuận lợi trong giải quyết thủ tục của cơ quan thuế và thực hiện nghĩa vụ về thuế đối với người nộp thuế.

Đồng thời, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thuế, nộp thuế điện tử, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Khi công tác công nghệ thông tin đã đáp ứng được việc điện tử hóa các thủ tục hành chính thuế, ngành thuế sẽ tính toán việc sắp xếp lại các trụ sở làm việc trên địa bàn theo hướng thu gọn nhằm tiết kiệm kinh phí, đồng thời vẫn đảm bảo được việc hoạt động của cơ quan thuế diễn ra bình thường và phục vụ người nộp thuế ngày càng tốt hơn.

Việc sắp xếp các chi cục thế đang được ngành Thuế thực hiện hết sức quyết liệt. Vậy, kết quả mà ngành Thuế kì vọng sau cùng là gì thưa ông?

Việc ghép các chi cục thuế lại với nhau sẽ có những tác dụng giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đây cũng sẽ là cơ sở để sắp xếp lại tổ chức bộ máy; sắp xếp lại nhân sự, tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.

Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn sẽ là căn cứ quan trọng để xây dựng Đề án tổ chức cơ quan Thuế vùng cấp tỉnh theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/co-dia-phuong-de-xuat-sap-nhap-34-chi-cuc-thue-thanh-chi-cuc-thue-khu-vuc.aspx