'Có đi có lại' trong nghi lễ ngoại giao

Trong nghi lễ ngoại giao, không một quốc gia nào chỉ căn cứ hoặc quá chú ý đến yếu tố có đi có lại để quyết định việc đón tiếp khách nước ngoài.

‘Có đi có lại’ trong lĩnh vực nghi lễ ngoại giao.

‘Có đi có lại’ trong lĩnh vực nghi lễ ngoại giao.

Trong lĩnh vực đặc quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, Công ước Vienna 1961 có những quy định cụ thể được nhiều nước công nhận và dùng làm cơ sở cho quy chế ngoại giao tại nước mình và có đi có lại là một nguyên tắc thường được nói đến.

Trong lĩnh vực nghi lễ, tập quán và quy định của mỗi nước giữ vai trò chủ yếu. Quốc tế không có một quy định thống nhất trong nghi lễ ngoại giao cho tất cả các nước, kể cả trong nghi thức đón tiếp khách cấp cao nước ngoài. Mỗi nước có tham khảo tập quán quốc tế, đồng thời dựa vào điều kiện, hoàn cảnh, tập quán riêng của nước mình để có những quy định riêng và cách làm riêng. Tuy nhiên, những quy định và tập quán này cũng chỉ giữ và phát huy được vai trò trong chừng mực nó không trái với những nguyên tắc cơ bản về lễ tân ngoại giao đã được quốc tế công nhận như nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia, tôn trọng khách.

Vậy thì trong lĩnh vực nghi lễ ngoại giao và đặc biệt trong thủ tục và nghi thức đón tiếp khách cấp cao nước ngoài, các nước có thực hiện nguyên tắc có đi có lại không?

Trong quan hệ quốc tế, có đi có lại là một nguyên tắc được thừa nhận và coi trọng. Tuy nhiên, không nên hiểu có đi có lại là phải đón tiếp người ta hoàn toàn giống như người ta đón tiếp mình, hoặc đòi người ta đón tiếp mình đầy đủ như mình đã đón tiếp người ta mà không chú ý đến đặc điểm của mỗi nước. Thái độ nhiệt tình, nghi thức trọng thể của mỗi nước có cách thể hiện khác nhau. Ta đáp lại thái độ nhiệt tình, trọng thị của bạn bằng thái độ nhiệt tình, trọng thị của ta, theo tập quán và quy định của ta căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh.

Trong công tác đón tiếp khách nước ngoài, không quốc gia nào chỉ căn cứ hoặc quá chú ý đến yếu tố có đi có lại để quyết định các thủ tục, mức độ, nghi thức, chương trình hoạt động… vì như vậy sẽ tạo ra nhiều cách đón tiếp khác nhau gây tình trạng phân biệt đối xử, điều cần hết sức tránh trong quan hệ giữa các quốc gia.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-di-co-lai-trong-nghi-le-ngoai-giao-126860.html