Cô dâu Việt và tấm bản đồ Việt Nam ở Đài Loan

Đó là một ngày cuối tháng 9-2017. Trong chương trình tour du lịch Đài Loan, chúng tôi đến thăm khu phố cổ Thập Phần nằm ở Tân Bắc, phía Bắc thủ đô Đài Bắc. Thời Nhật chiếm đóng, nơi đây từng là khu khai thác mỏ than. Hiện phố cổ Thập Phần là một trong những điểm thu hút đông khách du lịch ở Đài Bắc.

Tấm biển Việt Nam quán ở phố cổ Thập Phần, Tân Bắc, Đài Loan. Ảnh: Đoàn Khắc Xuyên

Người dân kể lại rằng vào thời xa xưa, ngôi làng cổ này thường bị cướp tấn công, do đó người dân phải mang của cải chạy lên núi để trốn tránh. Những người đàn ông khỏe mạnh sẽ được cử xuống làng để thăm dò tình hình, khi thấy không còn cướp họ thả đèn lên trời làm tín hiệu để báo cho người dân quay về làng. Về sau, việc thả đèn trời trở thành một truyền thống của ngôi làng, và đèn lồng trở thành một biểu tượng của hòa bình, của những lời nguyện cầu tốt đẹp, của nền văn hóa truyền

Cô gái Việt đang giới thiệu các loại trà trong một showroom về trà. Ảnh: ĐOÀN KHẮC XUYÊN

thống nơi đây. Đèn lồng được làm bằng giấy gạo dầu, dán trên một khung tre với nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu tượng trưng cho sức khỏe, tài sản, công việc, bình an... Du khách cũng có thể trả tiền để tự tay viết những lời nguyện cầu lên đèn lồng và đốt nến để thả đèn bay lên trời.

Phố cổ có một tuyến đường sắt dài 12,9 ki lô mét chạy qua, được xây dựng xong năm 1921, dùng để vận chuyển than và nay vẫn còn. Thỉnh thoảng, chiếc đầu máy xe lửa cũ lại chạy qua khu phố cổ như để nhắc nhớ người dân và du khách về quá khứ của ngôi làng nay đã trở thành khu phố cổ.

Buổi chiều hôm ấy, khi chúng tôi đến thăm khu phố cổ, sau khi đã viết những lời cầu cho gia đình an khang, cho nước Việt thái bình thịnh vượng lên chiếc đèn đã mua và thả cho đèn bay lên trời từ chỗ tuyến đường sắt chạy qua, quay lại dãy hàng quán bán đèn thì... ngạc nhiên chưa, chúng tôi được thấy tấm biển này (ảnh).

Đáng chú ý trên tấm biển, ngoài ba chữ “Việt Nam quán” và những chỉ dẫn thả đèn viết bằng tiếng Việt, còn là hình vẽ bản đồ Việt Nam với đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một cảm giác ấm lòng xen lẫn tự hào. Tôi muốn nói lời cảm ơn người chủ của tấm biển với bản đồ nước Việt nói trên. Hỏi ra mới biết chủ quán là một phụ nữ Việt qua đây lao động rồi lấy chồng người Đài Loan. Nơi đất khách, chẳng cần ai tuyên truyền, chỉ dẫn, tự tấm lòng với Đất Mẹ đã dẫn dắt cô vẽ tấm bản đồ khẳng định chủ quyền đất nước đối với hai quần đảo kia.

Thật tiếc là, vì đi tour chung đoàn, tôi đã không có thì giờ để tìm hiểu thêm về cuộc sống và suy nghĩ, nỗi lòng của cô cũng như của những cô gái Việt Nam khác mà tôi gặp đây đó trong chuyến đi. Như cô gái đứng

Thả đèn trời ở phố cổ Thập Phần. Ảnh: ĐOÀN KHẮC XUYÊN

ra thuyết trình về sản phẩm trà tại một hiệu trà, như những cô gái giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng bánh dứa, hay ngay như cô hướng dẫn viên địa phương cho đoàn - một cô gái Việt đi học Trung văn tại Đài Loan rồi lấy chồng người Đài. Tất nhiên, không phải tất cả cô dâu Việt và lao động người Việt tại Đài Loan đều gặp may mắn như họ. Không ít bi kịch đã xảy ra mà truyền thông đã đưa tin. Nhưng tôi vẫn thấy cảm phục đối với những cô gái Việt lấy chồng Đài Loan vốn bị không ít người Việt nhìn với thái độ công khai hoặc ngấm ngầm khinh miệt, cho rằng họ chỉ biết chạy theo tiền, theo vật chất.

Hạnh phúc? Ai không thèm muốn, không theo đuổi hạnh phúc? Nhưng để có hạnh phúc, trước tiên người ta phải sống. Tôi biết đích xác trường hợp một cô gái quê miền Tây lấy chồng miền Đông, sinh được ba mụn con, chẳng may chồng chết vì tai nạn giao thông khi cô tóc còn xanh, thế là bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà, tay xách nách mang một thân một mình cùng với ba con. Hạnh phúc đâu để cô tìm kiếm khi kiếm được việc làm để nuôi bản thân mình và ba con đã là chuyện vô cùng gian nan. Cô đã trải qua nhiều công việc khác nhau, từ làm công nhân đến ôsin giúp việc nhà. Dù cũng gặp được người hảo tâm giúp đỡ, nhưng không nuôi nổi ba con, cuối cùng cô đã chọn đi lao động ở Đài Loan. Như vậy đấy, có những cô gái thiện lương mà vì điều kiện gia đình, hoặc như người ta thường nói, vì “sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu” nên học hành chẳng được bao lăm, chẳng thể kiếm được việc làm đàng hoàng để có cuộc sống tử tế ở quê nhà, nói chi đến hạnh phúc. Và nói đến bi kịch, phải chăng tất cả phụ nữ ở quê nhà đều không gặp bi kịch khi báo chí thường xuyên đăng tải thông tin về những trường hợp vợ bị chồng rượu chè, vũ phu ngược đãi, đánh đập, hành hạ, thậm chí giết chết như vụ người chồng nghi “ngáo đá” giết cả vợ và hai con ở Nga Sơn, Thanh Hóa mới đây.

Đoàn Khắc Xuyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/268627/co-dau-viet-va-tam-ban-do-viet-nam-o-dai-loan.html