Có dấu hiệu tham nhũng ở vụ tước đoạt quyền được dạy của giáo viên Vĩnh Thuận

Đã có nhiều nhà giáo đã bị người có chức vụ, quyền hạn trong ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tước quyền được dạy.

Ngày 01/7/2019, Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực thi hành. Có 3 trong 12 hành vi tham nhũng thuộc khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện là:

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi;...

Giải thích từ ngữ liên quan, Luật Phòng, chống tham nhũng nêu:

Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Tham nhũng được giải thích là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

Vậy, vụ việc nhiều nhà giáo đã bị ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận tước đoạt quyền được dạy của giáo viên là hành vi tham nhũng hay không? Câu hỏi này các cwo quan liên quan, có trách nhiệm nên vào cuộc làm rõ.

Luật Giáo dục quy định, nhà giáo phải được quyền giảng dạy theo chuyên môn đào tạo. Điều lệ trường phổ thông các cấp học cùng có chung quy định, nhà giáo phải được nhà trường tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh.

Nhưng, có nhiều nhà giáo ở Vĩnh Thuận đã bị tước đi quyền được dạy.

Như vậy, căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật nói trên, câu hỏi ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận tước đoạt quyền được dạy của giáo viên có phải là hành vi tham nhũng hay không cần được trả lời một cách thỏa đáng.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: VOV)

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: VOV)

Quy trình tước bỏ

Ngày 08/10/2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận lập báo cáo số 51/BC-PGDĐT gửi Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận để báo cáo một số vấn đề do báo chí phản ánh trong công tác thực hiện chế độ phụ cấp cho nhà giáo như sau:

“Năm học 2018-2019, trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận có 61 giáo viên được phân công nhiệm vụ làm nhân viên văn phòng.

Số giáo viên làm nhân viên văn phòng có trình độ chuyên môn chuyên ngành sư phạm, đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức là giáo viên.

Do tình trạng thừa giáo viên, thiếu nhân viên văn phòng là kế toán, văn thư, thiết bị, thư viện... nên Ban Giám hiệu nhà trường tạm thời phân công làm nhân viên văn phòng để đảm bảo chế độ làm việc.

Nguyên nhân, do thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu cân đối trong cơ cấu vị trí việc làm (thiếu nhân viên có trình độ phù hợp) dẫn đến phải phân công giáo viên đảm nhiệm.

Do số giáo viên này làm công tác văn phòng, không tham gia trực tiếp giảng dạy nên không được hưởng các chế độ phụ cấp như phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nhà giáo theo quy định của Chính phủ”.

Nội dung trên đã chính thức thừa nhận việc tước đi quyền được dạy của nhà giáo và vẫn đang tồn tại trong ngành giáo dục Vĩnh Thuận.

Và việc phân công nhà giáo trái vị trí việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ chính sách của nhà giáo của ngành giáo dục Vĩnh Thuận là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, điều này Giáo dục Việt Nam đã phản ánh chi tiết nhiều kỳ trước đó.

Ngành giáo dục Vĩnh Thuận không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ.

Để thực thi chính sách đối với nhà giáo, Luật giáo dục quy định, Nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình,đồng thời giao Chính phủ thực hiện chi tiết điều này.

Lý do nhiều giáo viên Vĩnh Thuận đã nghỉ hưu 6 tháng vẫn không có lương hưu

Nhưng, ngành giáo dục Vĩnh Thuận đã phớt lờ nhiều quy định của pháp luật về vấn đề tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với nhà giáo.

Cụ thể, do xây dựng chính sách tuyển dụng không đúng quy định nên ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận đã thừa giáo viên, thiếu nhân viên có trình độ phù hợp từ đó phải phân công giáo viên làm nhân viên và cắt mọi chế độ đãi ngộ dành cho nhà giáo mà pháp luật đã quy định.

Luật Viên chức 2010 quy định, việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhưng, người có chức vụ, quyền hạn trong ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận đã không tuân thủ quy định pháp luật trong nhu cầu công việc để tuyển dụng nên dẫn đến hậu quả thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu cân đối trong cơ cấu vị trí việc làm (thiếu nhân viên có trình độ phù hợp) dẫn đến phải phân công giáo viên đảm nhiệm vị trí nhân viên, từ đó tước đoạt quyền được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Tước đoạt quyền được hưởng mọi quyền lợi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo đã gây nên hậu quả tổn thất một cách nặng nề về tinh thần và vật chất của nhà giáo.

Trong vụ việc này, có dấu hiệu người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật.

Vụ việc hàng trăm nhà giáo bị tước đoạt quyền được dạy, bị tước đoạt quyền được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ không phải mới phát sinh từ năm học 2018-2019 như báo cáo số 51/BC-PGDĐT của Phòng Giáo dục và Đào tạo đã lập.

Mà thực tế, nhiều nhà giáo đã bị tước đoạt quyền và lợi ích hợp pháp từ rất lâu, điển hình như trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, thầy giáo Châu Văn Chính và mới nhất là thầy giáo Văng Hồng.

Luật pháp đã quy định, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhưng, hàng trăm nhà giáo bị phân công việc làm trái luật, bị tước đoạt quyền được dạy, bị tước đoạt quyền được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ đã tồn tại một cách vững bền ở huyện Vĩnh Thuận là do đâu?.

Hiện nay, nhiều nhà giáo vẫn chưa được khôi phục chi trả chế độ chính đáng, nhiều nhà giáo đã nghỉ hưu vẫn không được thụ hương chế độ hưu trí, vì vậy chỉ khi nào có sự tham gia đồng bộ của cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết tham nhũng thì vụ việc mới đạt được hiệu quả tốt đẹp, chế độ nhà giáo mới được khôi phục và bảo vệ.

Bài và ảnh: Nguyễn Phan

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-dau-hieu-tham-nhung-o-vu-tuoc-doat-quyen-duoc-day-cua-giao-vien-vinh-thuan-post208961.gd