Có dấu hiệu này trên 1 tuần, bạn nên đến bệnh viện ngay

Ung thư đại tràng rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa vì vậy bác sĩ khuyến cáo nếu có bất thường đường tiêu hóa trên 1 tuần nên đến bệnh viện khám.

Tưởng rối loạn tiêu hóa

Chị N.T.H.N (33 tuổi, quê Ninh Bình) vào viện khám vì thấy đi đại tiện phân nhầy. Chị N. được bác sĩ tiến hành nội soi đại trực tràng phát hiện trong lòng đại tràng có khối u. Bấm sinh thiết nội soi, bác sĩ cho kết quả giải phẫu tế bào học là ung thư đại tràng.

Chị N. kể khoảng 2 tháng trước, thỉnh thoảng rối loạn tiêu hóa (đi ngoài lúc lỏng, lúc táo), bệnh nhân không đi khám và điều trị. Gần đây, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu đại tiện phân nhầy máu, mệt mỏi ăn kém, gầy sút 5 kg/ 2 tháng mới đi khám.

Hay trường hợp của anh N.T.Ph quê Thái bình vài tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy đi ngoài phân lỏng, kèm theo mệt mỏi mức độ nhẹ. Ngoài ra, bệnh nhân không khó thở, không đau ngực, không sốt, mọi sinh hoạt vẫn gần như bình thường. Bệnh nhân tự đi nội soi đại trực tràng kiểm tra định kỳ, kết quả đại tràng phải có tổn thương sùi vào lòng đại tràng, có khối sùi vào lòng đại tràng phải kích thước 2,1x1,8x1,9cm.

Bệnh nhân được tiến hành bấm sinh thiết cho kết quả ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa, xét nghiệm đột biến gen KRAS, BRAF (-).

BS Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết ung thư đại tràng là bệnh ung thư phổ biến trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa ở Việt Nam.

Đại tràng là là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa, kéo dài từ manh tràng đến ống hậu môn. Nhiệm vụ của đại trực tràng là tiếp nhận và bài tiết các thức ăn không tiêu hóa được (phân).

Ung thư đại trực tràng xảy ra khi các tế bào ở đây phát triển quá mức cơ thể không thể kiểm soát được, từ đó tạo thành khối u và có thể lan rộng ra những cơ quan khác trong cơ thể.

Theo Globocan 2019, ung thư đại trực tràng hiện nay đứng hàng thứ 3 thế giới và thứ 5 ở Việt Nam về tần suất phổ biến của bệnh.

Ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa có tiên lượng tốt trong trường hợp phát hiện ở giai đoạn sớm hoặc các tổn thương tiền ung thư. Nếu phát hiện muộn thì khả năng điều trị rất ít hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những ai dễ mắc

Nguyên nhân chính gây bệnh chưa xác định được, tuy nhiên người ta nhận thấy có nhiều yếu tố nguy cơ: đó là do tuổi cao nguy cơ mắc càng cao hơn. Những người béo phì, hút thuốc lá, uống rượu, ít vận động thể lực có nguy cơ mắc cao hơn.

Đặc biệt, bác sĩ Tiến cho biết chế độ ăn uống ít chất bã, nhiều mỡ và đạm động vật: Chế độ ăn này làm thay đổi vi khuẩn yếm khí ở đại tràng, biến acid mật và cholesterol thành những chất gây ung thư. Đồng thời thức ăn ít bã làm giảm khối lượng phân gây táo bón, chất gây ung thư sẽ tiếp xúc với niêm mạc ruột lâu hơn và cô đặc hơn, tác động lên biểu mô của đại tràng. Các chất phân hủy của đạm như indol, seatol, piridin là những chất gây ung thư trong thực nghiệm, cũng có thể gây ung thư trên người.

Ngoài ra, những người bị polyp đại tràng là nguyên nhân quan trọng gây ung thư đại tràng. Theo một nghiên cứu, trên 50% trường hợp ung thư đại tràng phát sinh trên cơ sở của polyp đại tràng. Số lượng polyp càng nhiều thì tỷ lệ ung thư hóa càng cao. Các bệnh đại tràng mãn tính: Ung thư đại tràng có thể phát sinh trên tổn thương của các bệnh: lỵ, amip, lao, giang mai, thương hàn và các bệnh lý khác của đại tràng như viêm loét đại tràng mãn tính

Ung thư đại tràng cũng liên quan tới yếu tố gia đình. Ví dụ như bệnh polyp đại tràng gia đình liên quan tới đột biến của gen APC (Adenomatous polyposis coli), chiếm 1% các ung thư đại tràng, hội chứng Lynch, liên quan tới gen P53, RAS và DCC, chiếm 5% trong số các ung thư đại trực tràng.

Các dấu hiệu của ung thư đại tràng dễ nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa khác. BS Tiến cho biết các trường hợp cảnh báo ung thư đại trực tràng như:

Thay đổi thói quen đại tiện: xen kẽ giữa táo bón và tiêu chảy

Máu trong phân

Nhầy trong phân

Đau bụng quặn cơn, ậm ạch đầy hơi, bí trung tiện, các dấu hiệu của tắc ruột do u lớn làm bít tắc lòng đại tràng

Cảm giác rằng không đi ngoài hết phân, thường xuyên có cảm giác muốn đi ngoài

Mệt mỏi

Giảm cân, thiếu máu không biết lý do

Khi có các triệu chứng trên, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được nội soi đại trực tràng. Đây là biện pháp quan trọng nhất khi nghi ngờ có ung thư đại trực tràng. Qua nội soi, bác sĩ có thể biết được tương đối vị trí, kích thước khối u và lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán chắc chắn khối u đó có phải là ung thư hay không.

Ngoài ra, người bệnh cần được thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm khác như: chụp cắt lớp điện toán (CT Scan), siêu âm bụng, X-quang phổi, điện tim, xét nghiệm máu... để giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn để tiến hành điều trị.

Đối với ung thư đại trực tràng càng phát hiện sớm thì cơ hội điều trị càng cao, người bệnh có nguy cơ được chữa khỏi nhiều hơn. Tốt nhất bác sĩ khuyên nếu có bất thường đường tiêu hóa trên 1 tuần nên đi kiểm tra. Ở người bình thường trên 40 tuổi cần thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng 3 năm/lần bằng nội soi.

Phương Thúy

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/ung-thu-dai-trang-co-dau-hieu-nay-tren-1-tuan-ban-nen-den-benh-vien-ngay-283558.html