Có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự trong vụ truy tố Công ty An Khang?

Liên quan vụ truy tố Công ty An Khang, theo quan điểm của các Luật sư thì có dấu hiệu của việc hình sự hóa quan hệ dân sự trong vụ án.

Các luật sư cho rằng chưa đủ căn cứ

Theo Luật sư Trần Đức Phượng, Giám đốc Công ty Luật Hợp Việt, thuộc Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, việc Tòa trả hồ sơ điều tra lại vụ án này là cần thiết. Dự án được Công ty An Khang có thực hiện trên thực tế. Trong quá trình thực hiện dự án, phía chủ đầu tư (Công ty An Khang) có những vi phạm hành chính và cũng bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính.

Cụ thể, công ty này có huy động vốn từ khách hàng để dùng làm vốn thực hiện dự án nên hoàn toàn khác với những vụ vẽ dự án ảo. Chính vì vậy, khi khởi tố các cá nhân về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì không thể chỉ căn cứ vào những vi phạm hành chính của công ty và việc giải quyết với khách hàng.

Theo Luật sư Phượng, tại vụ án này cũng không hề có các hành vi như bán tài sản đang thế chấp hay một tài sản bán cho nhiều người,…

Tại phiên xét xử sơ thẩm mới đây, đến nay đã có 213 bị hại thanh lý hợp đồng, nhận lại tiền đã góp vốn vào công ty, có 62 người đồng ý tiếp tục thực hiện dự án để nhận lại đất, 14 khách hàng còn lại (trong đó có nhiều người mới chỉ đặt cọc) thì công ty chưa liên hệ được nhưng đã chuẩn bị số tiền hơn 18,7 tỉ đồng để trả lại. Nhiều bị hại tại phiên Tòa đề nghị đổi từ tư cách bị hại sang người làm chứng.

Phối cảnh Dự án Metropolitan Vũng Tàu.

Phối cảnh Dự án Metropolitan Vũng Tàu.

Luật sư Phượng cho rằng, nếu vẫn giữ truy tố tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì cần làm rõ cá nhân nào chiếm đoạt, số tiền chiếm đoạt đã sử dụng vào việc gì, ai đó biết và giúp sức cho cá nhân đó không,…. để đầy đủ căn cứ truy tố. Ngoài ra còn áp dụng các biện pháp để khắc phục hậu quả, thi hành án đối với trách nhiệm dân sự thì vụ án sẽ có nhiều thay đổi.

"Như vậy, nếu vụ án này vẫn chỉ dựa vào danh sách những người bị hại trước đây và hành vi vi phạm hành chính của công ty sẽ không thể và cũng không rõ cá nhân có hành vi chiếm đoạt thì sẽ khiến vụ án bị kéo dài. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ và thiếu chặt chẽ thì sẽ bị trả hồ sơ điều tra lại nhiều lần.

Nếu không thay đổi trong việc điều tra và truy tố thì Tòa khó có thể ra bản án để tuyên buộc tội cho họ, từ đó dẫn đến vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, xã hội và cuộc sống của chính những người dân tại địa phương", Luật sư Phượng nói.

Còn Luật sư Nguyễn Thanh Biên, thuộc Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, căn cứ hồ sơ vụ án, diễn biến phiên tòa có thể thấy rằng, việc truy tố của Viện Kiểm sát là chưa thuyết phục. Bởi bản chất của vụ việc này là công ty An Khang đã có dự án thật, cụ thể là đã được các cơ quan thẩm quyền chấp thuận địa điểm cũng như phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Do đó, cần xem xét lại việc khởi tố và truy tố này. Vì có chăng, Công ty An Khang chỉ chưa thực hiện đủ quy trình liên quan đến một số thủ tục hành chính. Do đó, việc nhiều khách hàng của Công ty An Khang đề nghị trước Tòa là chỉ nên xử lý vi phạm hành chính chứ không thể xử lý hình sự như cơ quan tố tụng đã truy tố là hoàn toàn có cơ sở.

Theo Luật sư Biên, việc một số khách hàng góp vốn tố cáo trước đây có thể do tâm lý đám đông và do nhận thức về hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng góp vốn còn hạn chế. Sau đó tại phiên tòa, các bị hại đã đồng loạt yêu cầu không truy tố hình sự vụ án mà yêu cầu chỉ xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty An Khang. Những bị hại này đều cho rằng họ không hề bị Công ty An Khang lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

An Khang được cấp phép đầu tư thực hiện dự án

Theo Công ty An Khang trình bày và hồ sơ thể hiện, để có đất thực hiện dự án, các thành viên của công ty đã góp vốn bằng quyền sử dụng đất và công ty đã thương lượng đền bù với người dân được tổng diện tích đất gần 28ha, cụ thể như sau: Đất do các thành viên HĐQT góp là: ông Đỗ Đức Chính góp 3,65ha; bà Đỗ Thùy Linh – ông Vương Quốc Hải góp 6,95ha; ông Trần Quý Dương – bà Phạm Thị Thanh Hằng góp 4,49ha.

Các thành viên của Cty An Khang đã góp vốn bằng quyền sử dụng đất và công ty đã thương lượng đền bù với người dân được tổng diện tích đất gần 28ha.

Đất Công ty An Khang đứng tên quyền sử dụng là 1,62ha; Đất Công ty An Khang ký Hợp đồng góp vốn sau chuyển sang mua bán là 9ha; Đất Công ty An Khang mua đã thanh toán một phần tiền là 2,17ha.

Cùng với đó, ngày 07/7/2008, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Công văn số 4189/UBND-VP chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty An Khang. Ngày 22/7/2008, Sở Xây dựng có văn bản số 1732/SXD-KTQH thỏa thuận địa điểm dự án Metropolitan gửi Công ty An Khang. Ngày 14/01/2011, UBND TP Vũng Tàu có quyết định số 278/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Metropolitan.

Từ những dẫn chứng trên, Công ty An Khang cho rằng công ty được cấp phép, có đất thật để thực hiện dự án và dự án là hoàn toàn có thật chứ không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng như các cơ quan tố tụng đã khởi tố.

Tại phiên tòa ngày 19/7/2018, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa và phải trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát điều tra bổ sung vì nhận thấy rằng còn nhiều số liệu, tình tiết cần xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ mà tại phiên tòa này chưa thể làm rõ khi chất vấn các bị hại, nhân chứng và những người liên quan.

Công văn số số 6049 ngày 2062018 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Ngày 20/6/2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn số 6049/UBND-VP chuyển đơn của doanh nghiệp, đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, giải tỏa kê biên đối với 43 lô đất tại dự án Metropolitan, cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án nhằm khắc phục hậu quả, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, góp phần ổn định xã hội tại địa phương.

Nguyễn Hiếu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/co-dau-hieu-hinh-su-hoa-quan-he-dan-su-trong-vu-truy-to-cong-ty-an-khang-d75485.html