Có dấu hiệu cấp dưới kết luận tố cáo không chính xác, cấp trên phải giải quyết

Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo 2018 đang được lấy ý kiến rộng rãi quy định rõ, các căn cứ để người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cấp dưới.

Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo

Thanh tra Chính phủ cho hay, nhằm đảm bảo cho việc giải quyết tố cáo được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, Luật Tố cáo năm 2018 đã bổ sung quy định về việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cấp dưới.

“Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo”, Khoản 5, Điều 38 quy định rõ.

Tố cáo liên quan đến vợ/chồng của cấp dưới, cấp trên phải giải quyết

Hướng dẫn chi tiết quy định này, trong dự thảo Nghị định đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi đã quy định rõ, khi có căn cứ xác định việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên phải giải quyết tố cáo.

Cụ thể, nội dung tố cáo sẽ không được kết luận chính xác, khách quan; có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục giải quyết.

Dự thảo Nghị định cũng quy định những trường hợp thể hiện có dấu hiệu không khách quan trong việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức cấp dưới thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải giải quyết tố cáo, gồm:

+ Người bị tố cáo là vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người giải quyết tố cáo;

+ Nội dung tố cáo có liên quan trực tiếp đến vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người giải quyết tố cáo.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cho hay, nghị định cũng quy định rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp lấy vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cấp dưới theo quy định trên để giải quyết thì phải có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp dưới chấm dứt giải quyết vụ việc và chuyển vụ việc cho cơ quan, tổ chức cấp trên.

“Khi nhận được hồ sơ vụ việc thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp trên ra quyết định thụ lý tố cáo và thông báo bằng văn bản cho người tố cáo, người bị tố cáo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới trực tiếp giải quyết vụ việc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời hạn giải quyết được tính từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo”, dự thảo nêu.

Ngoài ra, còn quy định trường hợp có dấu hiệu không khách quan trong giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo phải báo cáo bằng văn bản và chuyển vụ việc đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp để giải quyết.

Thời gian công khai kết luận nội dung tố cáo thế nào?

Liên quan đến việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, Điều 40 Luật Tố cáo quy định,“trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo”.

Cụ thể hóa, Điều 6 dự thảo Nghị định quy định cụ thể hình thức công khai, thời gian công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Theo đó, công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người giải quyết tố cáo, người xác minh nội dung tố cáo, người bị tố cáo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị tố cáo công tác, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Thời gian niêm yết ít nhất 15 ngày liên tục.

Đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo. Thời gian đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trên mạng thông tin nội bộ của cơ quan giải quyết tố cáo ít nhất 15 ngày liên tục.

Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng gồm báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Việc thông báo phải được thực hiện ít nhất 2 lần.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/co-dau-hieu-cap-duoi-ket-luan-to-cao-khong-chinh-xac-cap-tren-phai-giai-quyet_t114c1160n139129