Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong lực lượng quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công không?

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện Khoản 2, Điều 13 của Luật KTNN trả lời chất vấn của ĐB về việc 'Năm 2018, KTNN đã ban hành 269 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 97.000 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra.

Trả lời chất vấn của ĐB Kim Thúy, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết: “Theo Luật thì KTNN thực hiện 3 nội dung: Kiểm toán báo cáo tài chính để xác nhận các thông tin kinh tế và báo cáo tài chính; Kiểm toán việc tuân theo PL để xác nhận và đánh giá VPPL; Kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả, hiệu lực tính kinh tế và trách nhiệm của người quản lý tài chính công và tài sản công. Các hoạt động này được tiến hành dựa trên cơ sở báo cáo tài chính, hồ sơ của các bên cung cấp, KTNN không có chức năng điều tra”. Tuy nhiên, thời gian qua KTNN đã có nhiều kiến nghị về bịt lỗ hổng chính sách trong công tác PCTN, lỗ hổng chính sách trong quản lý BT, đất đai, cổ phần hóa DN, thuế, tài chính công, tài sản công... KTNN đã có chỉ thị, công điện về PCTN thông qua hoạt động kiểm toán và trách nhiệm người đứng đầu.

Về giải pháp chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, Tổng kiểm toán cho biết: KTNN đã có quản lý nội bộ ngành bằng các biện pháp như xây dựng nhật ký online, kiểm soát đột xuất, thanh tra đột xuất và chấm điểm bình bầu các tổ kiểm toán. Đồng thời, mỗi khi có thông tin về Kiểm toán viên vi phạm, KTNN tổ chức kiểm tra ngay, nếu không phát hiện dấu hiệu tiêu cực nhưng phát hiện sai quy trình thì đình chỉ ngay Kiểm toán viên đó. Tổng kiểm toán khẳng định “Kiểm toán viên luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là tính liêm chính, trung thực và vấn đề bản lĩnh, chuyên môn. KTNN cam kết nếu có thông tin tiêu cực của Kiểm toán viên thì sẽ tổ chức xử lý và công khai đến đại biểu”.

VŨ HƯNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/157_197601_co-dau-hieu-bo-lot-toi-pham-trong-luc-luong-quan-ly-su-dung-tai-chinh-cong-tai-san-cong-khong-.aspx