Cô dâu Hà Nội 15 năm nấu ăn giúp gia đình 3 thế hệ duy trì bữa cơm sáng tối

Là con gái Hà Nội gốc nhưng 15 năm làm dâu chị Thanh Tú vẫn duy trì thói quen nấu ăn hàng ngày giúp gia đình duy trì bữa ăn hàng ngày sáng tối.

Nàng dâu đảm 15 năm duy trì nấu cơm hàng ngày cho gia đình

Chị Nguyễn Thị Thanh Tú (40 tuổi ) là phụ nữ Hà Nội gốc nhưng suốt những năm làm dâu đã qua chị luôn duy trì bữa ăn hàng ngày cho gia đình nhờ sự đảm đang, chịu khó trong việc bếp núc.

Vào những ngày lễ tết hay giỗ chạp, trong khi các chị em khác vận áo váy xanh đỏ đi chơi thì chị vẫn quần ta hai ống, lọ mọ từ sáng sớm nấu nướng, quần quật trong bếp chuẩn bị những mâm cỗ thịnh soạn dâng lên tổ tiên.

Là con gái Hà Nội gốc nhưng suốt nhiều năm qua chị Nguyễn Thị Thanh Tú vẫn duy trì việc nấu ăn hàng ngày cho cả gia đình

Là con gái Hà Nội gốc nhưng suốt nhiều năm qua chị Nguyễn Thị Thanh Tú vẫn duy trì việc nấu ăn hàng ngày cho cả gia đình

Không chỉ những ngày lễ tết, 15 năm qua với vai trò là con dâu trong gia đình dù công việc bận rộn nhưng bản thân chị vẫn duy trì việc nấu ăn hàng ngày.

Chị Tú chia sẻ: “Ngày chưa lấy chồng mình cũng đã được bà, được mẹ dạy làm những công việc trong gia đình phù hợp với khả năng và đúng thiên chức của một người phụ nữ như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa... Đến khi lấy chồng có gia đình riêng, nhà chồng lại nề nếp luôn giữ truyền thống ăn chung bữa cơm nên mình càng muốn tìm hiểu và nấu những món ăn ngon cho mọi người cùng thưởng thức”.

Chị Tú cho rằng, để đảm bảo cho sức khỏe của gia đình thì bữa cơm tự nấu rất quan trọng. Hàng ngày chị dậy từ sớm để đi chợ, chị lên sẵn thực đơn cho cả tuần để không mất thời gian cho việc nghĩ xem hôm nay sẽ ăn món gì, nấu món gì.

“Ngày thường bận nhiều công việc thì mình chỉ nấu những món đơn giản. Cuối tuần rảnh rỗi có nhiều thời gian mình sẽ nấu nhiều món hơn và cầu kì hơn để chiêu đãi cả nhà”, chị Tú chia sẻ.

Ngoài việc quan tâm đến nấu món ăn ngon cho gia đình thì bà nội trợ còn đặc biệt quan tâm đến việc bữa ăn phải đủ chất và đảm bảo dinh dưỡng cho cả nhà.

Chị Tú cho biết: “Gia đình mình có 6 người, 2 vợ chồng, 2 đứa con sống cùng ông bà nội nên việc nấu một bữa cơm để phù hợp với tất cả mọi người cũng không đơn giản. Ông bà thường thích ăn những món mềm, bọn trẻ lại thích ăn những món phải hấp dẫn và có màu sắc bắt mắt… Thế nên mình cũng phải cân đối và chọn lựa sao cho bữa ăn vừa đủ chất, vừa đảm bảo dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe, vừa phải phù hợp với từng người”.

Chị Tú chia sẻ thêm: “Việc chuẩn bị một bữa cơm cho cả nhà cũng mất khá nhiều thời gian và công sức, bởi ban ngày đi làm, tối về lại vội vàng bếp núc. Nhưng thấy mọi người thích thú khi thưởng thức bữa cơm mình nấu là lại có thêm động lực để vào bếp, sẽ không thấy việc nấu ăn là nghĩa vụ nữa mà sẽ trở thành đam mê và niềm yêu thích của mình”.

Duy trì bữa cơm sáng – tối để sum họp gia đình

Nhiều quan điểm cho rằng, xã hội càng hiện đại càng cần phải duy trì bữa cơm gia đình. Bữa cơm không chỉ là để ăn no mà đó là thời khắc sum vầy, ấm áp, là lúc các thành viên có thể chia sẻ, trải lòng, là nơi để được lắng nghe và thấu hiểu.

Bữa com mà chị Thanh Tú tự tay chuẩn bị cho gia đình

Ở nhiều gia đình, buổi sáng thì mỗi người điểm tâm mỗi kiểu: kẻ ăn bánh cuốn, người ăn phở, ăn bún, uống sữa, cà phê, kẻ thì ở nhà gọi gánh quà đến, người thì ra ngõ, ra phố. Bữa ăn trưa thì cũng lại càng tự ý tùy tiện, ai nấy đều ăn tự do ở gần cơ quan mình làm hoặc gần trường mình học. Bữa tối may ra mới có khả năng ăn tập trung nhưng lại xảy ra hiện tượng về trước về sau, không cùng một lúc, nhiều khi không chờ được nhau thì lại phải ăn mỗi người 1 bữa... còn ở gia đình chị Tú bữa sáng và bữa tối được coi là quan trọng nhất luôn được duy trì để mọi người sum họp.

“Mẹ chồng tôi bảo mẹ không biết văn hóa ấy được bắt đầu từ khi nào, nhưng từ ngày tôi về làm dâu đến nay15 năm, nét văn hóa ấy chưa này nào bị thay đổi. Buổi sáng không nhất thiết đồ ăn phải cầu kì mất thời gian, có thể là bún, mì, phở, xôi nhưng luôn phải tập trung đầy đủ mọi người. Từ ông bà, con cái đến cháu chắt. Mọi người gặp nhau, ngồi cùng nhau nói về dự định công việc của 1 ngày dài rồi tạm biệt hẹn gặp lại nhau vào bữa cơm chiều”, chị Tú tâm sự.

Sau bữa sáng thì gia đình chị Tú mỗi người 1 việc, vợ chồng chị thì đi làm ở cơ quan, 2 đứa con chị đi học bán trú ở trường nên bữa trưa mọi người tự lo liệu, ở nhà chỉ còn 2 ông bà đã về hưu nên cơm nước buổi trưa chị Tú luôn chuẩn bị sẵn để mẹ chồng chị ở nhà nấu lại.

Theo chị Tú, bữa cơm gia đình là thời điểm tốt để giáo dục con cái: “Mình luôn chú trọng đến việc giáo dục cho bọn trẻ qua những bữa cơm gia đình. Qua bữa cơm mình có thể dạy con về đức tính nhường nhịn, biết gắp thức ăn cho ông bà, biết vì người khác và tập những thói quen tốt khi ăn... Mình mong rằng, trong hành trang ký ức của các con, con sẽ luôn cảm thấy ấm áp và nhớ về bữa cơm gia đình, nơi có biết bao kỷ niệm đẹp sẽ theo con suốt hành trình cuộc đời sau này và cũng là nền tảng để con xây dựng và gìn giữ mái ấm riêng”.

Ở nhiều gia đình hiện nay, để có được buổi sum họp toàn gia đình là rất khó bởi ai cũng bận rộn với công việc, giải trí đến mức quên mất cả khoảng thời gian đoàn tụ gia đình.

“Ai cũng cả ngày bận rộn đi làm đi học, nhưng tối về ngồi lại với nhau, vợ chồng có thể chia sẻ về công việc của 1 ngày dài, về dự định cho ngày mai, về việc học hành của con cái... Chính những giây phút gặp nhau trong bữa cơm giúp chúng tôi thấu hiểu và gắn kết với nhau hơn”, chị Tú chia sẻ.

Với suy nghĩ như vậy, 15 năm qua người phụ nữ gốc Hà Nội đó đã giúp gia đình mình duy trì bữa ăn gia đình sáng tối, duy trì nếp sinh hoạt đáng trân quý của các thành viên trong gia đình 3 thế hệ để làm gương cho các con.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/co-dau-ha-noi-15-nam-nau-an-giup-gia-dinh-3-the-he-duy-tri-bua-com-sang-toi-d145320.html