Cô dâu đến nhà trai rước rể để ủng hộ nữ quyền

Một cô dâu Bangladesh đã dẫn theo 'binh đoàn' hàng trăm người họ hàng đến nhà trai rước rể trong lễ cưới tổ chức tại huyện Meherpur ngày 21/9.

Cô dâu Khadiza và chú rể Islam đã phá vỡ tục lệ cưới hỏi truyền thống. Ảnh: BBC

Cô dâu Khadiza và chú rể Islam đã phá vỡ tục lệ cưới hỏi truyền thống. Ảnh: BBC

Cô dâu Khadiza Akter Khushi (19 tuổi) đã tạo ra sự kiện có một không hai trong này trong đám cưới với chú rể Tariqul Islam (27 tuổi).

“Nếu đàn ông có thể đến rước dâu, tại sao phụ nữ không thể tự mình đưa dâu được?”, cô dâu Khadiza nói.

Khushi cho rằng cô làm điều này vì tất cả phụ nữ Bangladesh. Cô dâu đến nhà trai “rước rể” được cho là lần đầu tiên xuất hiện ở đất nước này khi tục lệ chú rể đến nhà gái rước dâu trong ngày cưới đã tồn tại nhiều thế kỷ.

Kênh BBC (Anh) cho biết hành động ủng hộ nữ quyền của Khadiza đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ Bangladesh nhưng cũng gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ. Một người đàn ông đã đề nghị ném dép vào cô dâu chú rể và gia đình họ vì đã làm trái với tục lệ.

Theo truyền thống Bangladesh, trong ngày cưới, chú rể và họ hàng nhà trai sẽ đến nhà gái rước dâu, tổ chức lễ cưới và lễ kỷ niệm trước khi cô dâu nói lời tạm biệt gia đình để về nhà chồng. Nhưng tại Meherpur, cặp đôi này đã có một đám cưới trái ngược với tục lệ, cô dâu cùng họ hàng nhà gái đến nhà trai rước rể, sau đó chú rể sẽ chuyển đến nhà vợ mình sinh sống.

Tuy nhiên Khadiza và chồng cho rằng việc làm này không có gì sai trái, điều đó hoàn toàn bình thường.

“Vấn đề không phải là tục lệ truyền thống, mà chúng tôi muốn đề cao vai trò của người phụ nữ. Ngày nay, một cô gái tới nhà trai không có gì là lạ. Thay vào đó, tình trạng lạm dụng phụ nữ sẽ suy giảm, phụ nữ xứng đáng có được phẩm giá của mình. Phụ nữ và nam giới đều bình đẳng, không ai có quyền hơn hay kém đối phương”, cô Khadiza nói.

Cô dâu đầu tiên tại Meherpur (Bangladesh) đến nhà trai rước rể. Ảnh: BBC

Cặp vợ chồng mới cưới này biết chắc lễ cưới sẽ gặp nhiều phản đối, thậm chí cả những thành viên trong gia đình cũng có phần dao động. Tuy nhiên anh Islam nói rằng cuối cùng họ hàng của hai bên cũng đến đầy đủ bởi anh và vợ mình không làm điều gì sai trái.

“Nhiều người kết hôn ở tòa án, nhiều người lựa chọn tổ chức lễ cưới ở nhà thờ. Còn chúng tôi kết hôn theo những gì mình cho là đúng. Chúng tôi ký tên vào giấy đăng ký kết hôn, trước mặt nhân chứng. Người ta nghĩ gì, nói gì không quan trọng. Mỗi người đều có chính kiến riêng và ai cũng có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân”, anh nói.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/co-dau-den-nha-trai-ruoc-re-de-ung-ho-nu-quyen-20190926164352364.htm