Cò đất 'lướt cọc' tạo sóng

Thị trường bất động sản có thể sẽ 'đóng băng' trong một thời gian chứ không còn phát triển trong dài hạn khi thiếu sự minh bạch, bị làm giá bởi môi giới…

Giá đất khắp nơi dậy sóng, ‘cò’ đất đua nhau ‘lướt cọc’… và hệ lụy

Giá đất khắp nơi dậy sóng, ‘cò’ đất đua nhau ‘lướt cọc’… và hệ lụy

“Cò” đất ‘lướt cọc” kiếm lời

Nhà đất ở các quận huyện ở Hà Nội như Đông Anh, Long Biên, Thanh Trì… tăng giá chóng mặt mấy tuần qua. Từ những mảnh đất nằm ở mặt phố ngoài đê tại Long Biên trước đây giá chỉ 20-30 triệu đồng/m2 thì nay giá đất cũng được đẩy lên toàn 50-60 triệu đồng/m2. Hay những mảnh đất nông nghiệp mua bán bằng giấy viết tay, giá thấp nhất cũng 'quát' 12 triệu đồng/m2… Các mảnh đất trong làng, mặt đường lớn ở Đông Anh giá rao bán dao động 40-70 triệu đồng/m2.

Một số khu vực ven Hà Nội như Hòa Lạc, Ba Vì, Hòa Bình, giá đất thời gian gần đây cũng tăng phi mã, có nơi giá đất tăng gấp 3 - 4 lần.

Tăng mạnh nhất thời gian gần đây phải kể khu vực quanh hồ Đồng Chanh (huyện Ba Vì), giá đất có những nơi đã tăng gấp 4 lần.

Anh Nguyễn Văn Minh - một nhà đầu tư cho biết, đầu năm 2020 anh mua 2 lô đất có diện tích 2.000m2 giá 1,2 triệu đồng/m2, nhưng đến nay đã tăng lên 4,5 triệu đồng/m2, tức là đã tăng gấp 4 lần chỉ trong vỏn vẹn 1 năm.

Anh Minh cũng cho biết, những lô đất có diện tích nhỏ thường có giá cao hơn so với những lô đất lớn do tổng vốn đầu tư ít, dễ thanh khoản. Hiện những lô đất có diện tích trên 10.000m2 chỉ có mức giá từ 1,2 - 2 triệu đồng/m2.

Những thửa đất tại đây thường được rao bán từ 3 sào trở lên, tương đương 1.100m2. Trong đó, có khoảng vài trăm m2 là đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Thậm chí, tại thôn Dy, xã Minh Quang (Ba Vì), đất nông nghiệp cũng tăng giá mạnh, từ vài năm trước giá đất chỉ 40 triệu đồng/sào (360m2), sau đó cứ tăng dần lên các mức giá 60 triệu, 100 triệu, rồi 120 triệu đồng/sào, thậm chí vài trăm triệu mỗi sào, tùy khu vực và diện tích.

Theo anh Nguyễn Hưng – một nhà đầu tư đã mua khoảng 7.000m2 (tương đương gần 20 sào) đất ở Ba Vì, trong đó có 500m2 đất ở, còn lại là đất vườn cho hay, năm trước anh chỉ mua với giá 110 triệu đồng/sào nhưng đến nay sau một năm giá đã tăng lên 450 triệu đồng/sào. Môi giới liên tục gọi điện hỏi mua.

Cũng theo anh Hưng, tại Ba Vì có đến 70% người hỏi mua đất là những người đầu cơ, chỉ khoảng 30% là những người mua có nhu cầu sử dụng thực.

Môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch, huyện lên quận... để “đẩy’ giá đất lên.

Theo tìm hiểu, thị trường các khu vực Đông Anh, Long Biên, Ba Vì…. nóng lên phần lớn do giới ‘cò’ đất tự mua bán với nhau, tạo 'sóng' trên thị trường. Thậm chí, các “cò” còn dùng chiêu ‘lướt cọc’ để kiếm lời khiến thị trường bỗng dưng trở nên sôi động.

Theo đó, khi ‘đánh hơi’ một miếng đất ở vị trí đẹp, giá hợp lý và chủ nhà đang cần bán, ‘cò’ đất lập tức đến làm việc ngay với chủ nhà, sẵn sàng xuống cọc.

Họ nghĩ cách đàm phán kéo dài thời gian đặt cọc với chủ đất, rồi sau đó đăng tin rao bán.

Khi ‘cò’ khác cảm thấy ‘ngon’ ăn lại sẵn sàng mua lại cọc của ‘cò’ trước đã làm việc trực tiếp với chủ nhưng "chênh" lên vài giá… số tiền đó sẽ được ‘cò’ sau cộng dồn vào giá của miếng đất…

Cứ như vậy, cò tự tăng giá đất bằng cách chính ‘cò’ ‘lướt cọc’ của nhau, trao tay nhau. Đến khi có khách mua thì giá bán của miếng đất đó đã tăng lên rất nhiều so với giá bán ban đầu.

Anh N. một môi giới đất ở Đông Anh đã khoe với PV (trong vai người tìm mua đất) rằng: “Anh chỉ ‘ăn non’, đặt cọc mảnh đất hôm trước nhưng hôm sau nếu có khách mua lãi 3 giá mỗi mét là anh sang cọc luôn để không phải xuống tiền cả mảnh khi hết thời hạn cọc”.

Theo tìm hiểu, ở khu vực Ba Vì thời gian qua, có những môi giới nhà đất còn kiếm được tiền tỷ nhờ chiêu ‘lướt cọc’ chỉ trong vòng 1 tháng.

Nhà đất cứ qua tay "cò" nọ đến "cò" kia, cứ như thế khiến thị trường nhà đất bị tạo 'sóng" bởi tay các ‘cò’ đất mua bán với nhau và đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà đất cứ bị ‘thổi’ giá lên nhanh chóng trong một thời gian ngắn.

Hệ lụy khi “cò” làm giá, chỉ "cò" giao dịch với "cò"

Theo số liệu từ Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đến bất động sản các tỉnh xung quanh Hà Nội cũng tăng mạnh trong quý đầu tiên của năm 2021.

Trong phạm vi bán kính cách Hà Nội 50km, các tỉnh thành vệ tinh đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, Thái Nguyên tăng 50%, Bắc Giang tăng 37%, Bắc Ninh 28%, Hòa Bình 35%, Hải Dương 19%.

Khu vực vùng ven quanh bán kính 20km của Hà Nội cũng chứng kiến mức độ quan tâm tăng đáng kể trong quý 1/2021. Cụ thể, Đông Anh (Hà Nội) tăng 36%, Từ Sơn (Bắc Ninh) tăng 67%, Gia Lâm (Hà Nội) tăng 18%, Ba Vì (Hà Nội) tăng 33%, Quốc Oai (Hà Nội) tăng 32%, Văn Giang (Hưng Yên) tăng 13%, Thanh Trì (Hà Nội) tăng 8%, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm (Hà Nội) tăng 4%.

Đề án quy hoạch sông Hồng đã làm gia tăng mức độ quan tâm tại một số khu vực ven sông. Bãi Thượng Cát, Liên Mạc tăng 291%, các bãi Hoàng Mai, Thanh Trì 1, Thanh Trì 2 tăng 137%, bãi Long Biên – Cự Khối tăng 75%, bãi Bắc Cầu tăng 73%, bãi Tàm Xá - Xuân Canh tăng 27%.

Đặc biệt, tốc độ tăng giá rao bán đất ở các khu vực cách trung tâm Hà Nội 50km khá mạnh. Đơn cử, giá rao bán đất ở Quốc Oai tăng 20%, Bắc Ninh 10%, Hưng Yên 26%... nhưng ở Ba Vì giá rao bán tăng tới 76%.

Nói về câu chuyện ‘cò’ đất tham gia ‘lướt cọc’, ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường của Batdongsan.com.vn cho rằng, hiện tượng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản.

“Đầu tiên là ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường, rất nhiều giao dịch chúng tôi ghi nhận được ở khu vực Ba Vì khi khách hàng đã đặt cọc có thể bị “bong cọc” trong vòng 1-2 tuần là chuyện rất dễ dàng. Kể cả người bán và người mua sẽ bùng cọc với nhau, mua bán trao tay, không có công chứng hay giấy tờ pháp lý nào của nhà nước.

Trong khi đó, giá đất ở Ba Vì vẫn còn khá rẻ so với các khu vực lân cận nhưng với sự thiếu minh bạch, làm giá của môi giới sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường; có thể thị trường sẽ ‘đóng băng’ trong một thời gian chứ không còn phát triển trong dài hạn”, ông Hiếu cho hay.

Minh Thư

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/nha-dat/gia-dat-khap-noi-day-song-khi-co-dat-giao-dich-voi-co-dat-lam-gia-281121.html