'Cò đất' làm rối loạn thị trường bất động sản Đà Nẵng

Những ngày qua ở TP. Đà Nẵng, đi đâu người ta cũng nghe râm ran những câu chuyện về đất khu vực này, giá cả ở khu vực kia. Từ quán cà phê sang trọng đến vỉa hè, chưa bao giờ chủ đề đất đai lại thu hút sự quan tâm của nhiều người đến thế.

Giao dịch bất động sản ở một phòng công chứng trên địa bàn quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Giao dịch bất động sản ở một phòng công chứng trên địa bàn quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

Người người cò đất, nhà nhà đi cò đất

Giá đất được đẩy lên cao bất thường chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều nhà đầu tư ở Đà Nẵng đã thu về số tiền hàng tỷ đồng nhờ đầu tư "lướt sóng". Mua đi bán lại, rồi lại được mua đi bán lại, có lô đất giá đã đội lên gần gấp đôi so với giá trị trước đó, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Anh Nguyễn Thanh Hùng (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết, thời điểm trước Tết khoảng hơn một tháng, em ruột của anh có mua một lô đất ở khu vực Nam Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), giá một lô đất 100m2, đường 10,5m giá 3,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, ra Tết, đất của em anh đã được người mua trả với giá 5,4 tỷ đồng.

Không chỉ ở khu vực Hòa Xuân, hàng loạt các dự án như Golden Hills, Homeland Central Park… cũng được các nhà đầu tư tìm kiếm, giao dịch. Trong đó, phải kể đến khu A Golden Hills, giá giao dịch trước Tết và sau Tết Nguyên đán đã chênh nhau hàng tỷ đồng mỗi lô.

Giá đất Đà Nẵng tăng cao, thị trường giao dịch bất động sản sôi động cũng chính là điều kiện khiến giới “cò” đất ở Đà Nẵng nở rộ như “nấm mọc sau mưa”.

Không cần văn phòng môi giới, cũng chẳng cần đơn vị, tổ chức nào, giới này đổ đi săn lùng đất khắp nơi, không chỉ ở những khu vực trung tâm hoặc được đánh giá là tiềm năng mà ngay cả những nơi còn “bờ ruộng, gốc tre” thuộc huyện Hòa Vang cũng được giới “cò” đất ngã giá, hỏi mua để giới thiệu đến nhà đầu tư.

Anh Trần Minh Hữu – một nhà đầu tư bất động sản cho biết, trung bình mỗi lô đất giao cho “cò” bán, anh phải chi lại cho họ 1% giá trị giao dịch. Chẳng hạn, một lô đất được bán với giá 6 tỷ đồng, anh Hữu phải chi lại cho “cò” đất 60 triệu đồng. “Không cần bỏ vốn, có người mỗi tháng bán vài lô đã thu về hàng trăm triệu đồng từ việc mua đi bán lại đất của các nhà đầu tư”, – anh Hữu nói.

Được biết, trong thời điểm giao dịch bất động sản ở Đà Nẵng “nóng”, nhiều “cò” đất còn “bạo tay” đặt cọc để mua đất nhưng ngay sau đó sang tay cho người khác để kiếm tiền chênh lệch. Có người chỉ trong vài ba ngày đã có trong tay 2-3 trăm triệu đồng từ việc sang tay nối chủ này.

Chẳng những thế mà ở Đà Nẵng gần đây, đi đâu người ta cũng gặp “cò” đất. Nhà nhà cò đất, người người cò đất ở nơi này là có thật. Không ít người đang có công ăn việc làm ổn định cũng quyết định nghỉ việc để đi “cò”.

Trong đó, phải kể đến trường hợp của chị N.T.D., làm IT tại một công ty phần mềm có tiếng ở Đà Nẵng, lương hơn chục triệu đồng mỗi tháng nhưng chị vẫn quyết định xin nghỉ việc để đi môi giới đất.

“Đi làm công việc áp lực về mặt thời gian, chuyển qua môi giới đất mình có điều kiện chăm lo cho gia đình hơn. Còn về thu nhập, mỗi tháng mình giới thiệu bán được 1-2 lô đất là cũng khá thoải mái lo cho cuộc sống rồi”, – chị D. cho nói.

Được biết, trong giới “cò” đất ở Đà Nẵng hiện nay, những người chuyển nghề theo cơn “lốc” giá đất như chị D. cũng không ít.

Đà Nẵng xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân kinh doanh, môi giới bất động sản tung tin thất thiệt trên mạng xã hội

Trước cơn “sốt” giá đất lan cả đến những khu vực thuộc huyện Hòa Vang, khiến giao dịch bất động sản ở đây sôi động không khác gì những ngày hội. Giới “cò” đất ùn ùn kéo về dùng nhiều chiêu trò để đẩy giá đất lên cao bất thường nhằm trục lợi. UBND huyện Hòa Vang ngay sau đó đã ra văn bản gửi 11 xã thuộc địa bàn về việc chấn chỉnh tình trạng mua bán đất trên địa bàn huyện. Đồng thời, khuyến cáo người dân thận trọng trong việc mua bán đất, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở, ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài.

Thế nhưng, giá đất chưa hạ nhiệt thì các “cò” đất lại tung tin đồn Đà Nẵng chuẩn bị có quận mới được thành lập từ huyện Hòa Vang. Mặc dù ngay sau đó, Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng đã khẳng định, thông tin này là không chính xác. Đồng thời, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp nội dung trên để định hướng dư luận kịp thời. Tuy nhiên, việc tung tin đồn đã khiến cho tình hình bất động sản ở khu vực này rối loạn một thời gian.

Chấn chỉnh tình trạng “cò” đất tung tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến tình hình bất động sản ở Đà Nẵng, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân kinh doanh, môi giới bất động sản tung tin thất thiệt trên mạng xã hội nhằm mua bán, chuyển nhượng đất đai không đúng quy định của pháp luật.

Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng giao Ban Tuyên giáo Thành ủy, Quận ủy, Huyện ủy chỉ đạo cấp ủy Đảng trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để định hướng dư luận xã hội, giúp người dân hiểu rõ bản chất của tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bao che, tiếp tay cho hoạt động môi giới.

BÙI MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/co-dat-lam-roi-loan-thi-truong-bat-dong-san-da-nang-d92859.html