'Cò đất' làm loạn ở Đà Nẵng

Một số nhóm người chủ ý tạo sốt đất ảo bằng chiêu trò lập điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai.

Tạo điểm nóng ở huyện Hòa Vang

Những ngày qua, tại bộ phận Một cửa huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) xảy ra tình trạng lượng người làm thủ tục đất đai tăng đột biến. Ghi nhận tại cơ quan này, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng hơn 100 bộ hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai. Cá biệt có ngày tăng đột biến với hơn 200 bộ hồ sơ.

Ông Võ Huy Thạch - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Vang cho biết, từ ngày 15/10/2021 đến nay, khi các biện pháp khống chế dịch bệnh được nới lỏng thì nhu cầu làm các thủ tục về đất đai của người dân tăng cao do dồn ứ trước đó.

Lượng người đến bộ phận Một cửa huyện Hòa Vang đăng ký làm thủ tục đất đai tăng đột biến. Ảnh: Quang Hải

Lượng người đến bộ phận Một cửa huyện Hòa Vang đăng ký làm thủ tục đất đai tăng đột biến. Ảnh: Quang Hải

Để giải quyết tình trạng hồ sơ ùn ứ gây quá tải, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Vang đã phải nhờ hỗ trợ thêm viên chức qua tiếp nhận. Bình thường bố trí 4 cán bộ làm việc thì những ngày cao điểm bố trí 8 người làm việc buổi sáng và 6 người làm việc buổi chiều.

Về tình trạng trên, ông Bùi Văn Hưng - Trưởng Phòng Đăng ký và Cấp giấy chứng nhận - Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đà Nẵng, cho biết đây là chiêu trò tạo sốt đất ảo của "cò đất".

Theo ông Hưng, thời gian gần đây xuất hiện một số nhóm người có chủ ý tạo ra những đợt sốt đất ảo, nhất là địa bàn nông thôn ở các tỉnh, thành cả nước, trong đó có huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nhằm mục đích trục lợi bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: Tạo điểm nóng để đăng tin không chính xác về nhu cầu người dân chen chúc nộp hồ sơ, gây quá tải tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giao dịch đất đai huyện Hòa Vang.

Qua khảo sát, tìm hiểu, hầu hết người dân thực hiện giao dịch thật sự theo nhu cầu không quá nhiều, trong khi các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội có khá đông thành phần là những nhóm người môi giới mua bán đất đai, môi giới làm thay thủ tục đất đai cho người khác.

''Cò đất'' trục lợi rồi rút nhanh

Thủ đoạn của các nhóm người nêu trên là đưa lên mạng xã hội hình ảnh phô trương nhu cầu, quy mô lượng người giao dịch mua, bán đất đai để tạo làn sóng gây sốt ảo về nhu cầu, nhằm làm giá mua đi bán lại giữa các nhóm người này với nhau. Đồng thời với chiêu trò giá ngày hôm sau tăng hơn so với ngày hôm trước, nhóm này đẩy giá đất lên cao qua từng ngày để trục lợi từ việc mua bán đất đai.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Hưng, thực tế nhu cầu sử dụng đất của người dân vào mục đích để ở hay sản xuất nông nghiệp là không nhiều, dẫn đến người cuối cùng có tham vọng đầu tư kiếm lời nhầm tưởng giá đất sẽ tăng từng ngày nên mua vào với giá rất cao, không đúng với giá trị thực tại thời điểm giao dịch.

Thực tế thì người dân thực hiện giao dịch thật sự theo nhu cầu không quá nhiều. Ảnh: Quang Hải

Thậm chí, có không ít người dân địa phương bán đất với giá thấp rồi mua lại đất khác, có khi mua lại chính lô đất mình đã bán với giá cao hơn vì nghĩ sẽ kiếm được tiền chênh lệch khi giá tăng lên từng ngày. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn bằng nhiều chiêu trò để tạo cơn sốt ảo, nhóm “cò đất” rút lui khỏi địa bàn thì giá đất lại trở về với giá trị thật của thị trường và theo nhu cầu thực tế.

“Vì vậy nhóm người này đã trục lợi thông qua tự tạo cơn sốt ảo rồi rút lui, chỉ còn người mua cuối cùng có nhu cầu bán nhưng không còn ai mua lại với giá cao như họ đã mua. Thậm chí nhiều người phải chấp nhận bán cắt lỗ do dùng tiền vay để mua đất đầu cơ bán kiếm lời, dẫn đến hậu quả lặp lại là “tiền mất, tật mang”, gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân vùng nông thôn vốn yên bình” - ông Bùi Văn Hưng cho hay.

Văn phòng Đăng ký đất đai đã tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng có văn bản thông tin rộng rãi và khuyến cáo người dân, nhất là vùng nông thôn huyện Hòa Vang cần hết sức thận trọng, tỉnh táo, cảnh giác với các chiêu trò nêu trên để tránh phải gánh lấy hậu quả không mong muốn và hệ lụy cho gia đình, xã hội.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành công văn nhằm quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Theo đó, UBND TP giao Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn quán triệt công chứng viên, nhân viên thực hiện nghiêm túc quy định về trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch; hướng dẫn người yêu cầu công chứng kê đúng giá thực tế chuyển nhượng, mua bán, cho thuê bất động sản để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tuyệt đối không hướng dẫn, tạo điều kiện để các bên tham gia giao dịch thực hiện các hành vi trốn thuế như: Ký gửi, ký chờ; khai giá chuyển nhượng, mua bán, cho thuê bất động sản thấp hơn giá thực tế giao dịch; hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng, mua bán để công chứng hợp đồng chuyển nhượng, mua bán khác nhằm mục đích trốn thuế.

Ngoài ra, Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Cục Thuế, Công an TP và các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công chứng trên địa bàn; đồng thời có giải pháp để kịp thời phát hiện hồ sơ đất đai có dấu hiệu vi phạm về thuế, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi trốn thuế trong chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản.

Quang Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/co-dat-lam-loan-o-da-nang.html