Cỏ dại 'giang hồ mạng'

Sau những 'giang hồ mạng' Khá 'Bảnh', Dương Minh Tuyền, Huấn 'Hoa Hồng', Quang 'Rambo', Phú 'Lê', Đường 'Nhuệ'… hoặc bị xử lý hành chính, hoặc bị bắt, mới đây Dũng 'Trọc' Hà Đông tiếp tục bị cảnh sát bắt giữ. Những động thái này cho thấy cơ quan chức năng hết sức 'để mắt' tới những đối tượng đang 'đầu độc tâm hồn' người xem trên mạng xã hội.

Dũng "Trọc" Hà Đông tại phiên tòa xử con nuôi Khá "Bảnh" vào năm 2019.

Dũng "Trọc" Hà Đông tại phiên tòa xử con nuôi Khá "Bảnh" vào năm 2019.

“Giang hồ mạng” khác với “giang hồ thực” ra sao? Điểm khác là “giang hồ mạng” chỉ giỏi ăn chơi và nói chuyện đạo lý; toàn dính vào những tội danh “vặt vãnh” như đánh bạc, sử dụng ma túy trái phép, cả nhóm xúm vào đánh đập một phụ nữ; và kiếm được rất nhiều tiền sau khi tung các clip “nghĩa khí” (trong số đó không ít là dàn dựng) lên mạng xã hội. Điểm giống nhau là “giang hồ mạng” cùng “giang hồ thực” đều chỉ là những “con hổ giấy” trong cuộc đời, luôn đối diện nguy cơ tù tội và là những “liều thuốc độc” gây ra vô vàn hệ lụy trong xã hội.

“Giang hồ mạng” ra đời cùng với sự phát triển của internet, của Youtube, Facebook, Tik Tok… Khi niềm vui hàng ngày của rất nhiều người, đặc biệt giới trẻ, là tay lướt trên bàn phím và mắt dán vào màn hình thì các đối tượng “giang hồ mạng” “lên ngôi”. Những người trẻ còn hạn chế về nhận thức, khả năng nhận biết, phân biệt tốt xấu, đúng sai, cộng với tâm lý bầy đàn a dua; đã nhanh chóng “mắc bẫy” những kẻ luôn khoác trên mình cái vỏ bọc “hảo hán nghĩa hiệp, bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm”…

Phải xem một clip của một streamer “nổi tiếng” tại Hà Nội mới đây mới thấy báo động vấn đề giới trẻ đang bị “đầu độc tâm hồn”. “Người nổi tiếng” hơn 30 tuổi này mặc áo thun, quần đùi, gác một chân lên ghế, vừa ngồi “tương tác” với “người hâm mộ”, vừa chửi bới một đài truyền hình, vừa văng tục chửi bậy hạ đẳng “fan hâm mộ”, vừa nhận tiền “đóng góp”, vừa nhận câu hỏi và kẻ cả “khuyên dạy” đủ điều, đủ lĩnh vực....

“Mưa dầm thấm lâu”, những người trẻ cả tin rồi cuộc đời sẽ đi về đâu sau khi bị “trúng độc” từ những “kẻ ám sát” này? Khi những kẻ biến thái được coi là “thần tượng”, sẽ tác động tiêu cực lên quá trình hình thành nhân cách của giới trẻ, tạo ra những phẩm chất tâm lý sai lệch. Khi các hành vi, cử chỉ quái gở, tục tĩu, phản cảm, bạo lực, ngông cuồng được người trẻ cho rằng là đúng; khi coi những kẻ biến thái là thần tượng thì sẽ nảy sinh xu hướng tâm lý bắt chước, làm theo. Việc sa ngã, đi vào con đường vi phạm pháp luật có thể được bắt đầu từ những ảnh hưởng xấu này.

Trở lại những vụ bắt giữ các “giang hồ mạng”, không ít ý kiến cho rằng đó chỉ là một trong các giải pháp, nhưng chưa triệt được từ gốc. Vì tiền, vì tâm lý “thích nổi tiếng”, dù bắt những đối tượng này thì rất nhanh lại nảy nòi những cây độc khác, lây lan nhanh như cỏ dại.

Bản chất những Youtube, Facebook, Tik Tok… cũng không có lỗi. Họ chỉ tạo ra những sân chơi. Còn rác rưởi là do những người chơi biến thái tạo ra. Nhìn sang các nước phát triển, phải thừa nhận ít thấy có những “giang hồ mạng” và bầy đàn “tôn sùng” như vậy.

Giải pháp căn cơ dẹp nạn “giang hồ mạng” không chỉ là luật. Cũng cần phải sòng phẳng đặt câu hỏi trường học đã dạy người trẻ như thế nào; chúng ta đã quản lý con em mình như thế nào, hay chỉ gí vào tay chúng chiếc điện thoại hay máy tính bảng để chúng tự chơi, “tự bơi”? Các cơ quan văn hóa, các viện nghiên cứu, các viện hàn lâm đã có những nghiên cứu bài bản nào, có những kế hoạch nào, những hành động thực tế nào để tạo ra các sân chơi định hướng chân - thiện - mỹ cho người dùng mạng, đủ sức tiêu diệt những cỏ dại “giang hồ mạng”?

MInh Khang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/co-dai-giang-ho-mang-d135191.html