Có đại biểu đưa thông tin thiếu chính xác, bộ trưởng né trách nhiệm cá nhân

Đó là nhận định của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi trình bày dự thảo báo cáo tổng kết kỳ họp 6 Quốc hội khóa 14, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 11.12.

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng kết kỳ họp 6 của Quốc hội sáng nay, 11.12 - Ảnh Gia Hân

Theo ông Phúc, sau 22,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 và để lại những dấu ấn quan trọng.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, việc tổ chức kỳ họp thứ 6 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm.

Cụ thể, việc đóng dấu mật một số tài liệu chưa phù hợp với mức độ mật của nội dung, gây khó khăn trong việc bảo quản và sử dụng tài liệu. Có nội dung được chuẩn bị với chất lượng còn hạn chế, đặc biệt là việc gửi tài liệu chậm chưa được khắc phục.

Một số báo cáo giám sát kết quả giám sát chưa đề cập đầy đủ, toàn diện các mặt hoạt động của bộ trưởng, trưởng ngành; phần nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất trong một số báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước chưa sát tình hình thực tiễn.

Ông Phúc cũng nhấn mạnh, về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn còn một số câu hỏi nằm ngoài phạm vi chất vấn; có đại biểu nêu chất vấn còn dài, không đi thẳng vào trọng tâm, thông tin đưa ra thiếu chính xác.

Bên cạnh đó, có bộ trưởng, trưởng ngành trả lời còn chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, né tránh trách nhiệm cá nhân.

Đặc biệt, ông Phúc cũng chỉ rõ, vẫn còn hiện tượng đại biểu vắng mặt khá nhiều trong một số phiên họp, nhất là các phiên họp vào chiều thứ 6.

Người không chất vấn lại "nhảy" vào bình luận câu hỏi của người khác thì không nên

Cho ý kiến sau đó, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá khá kỹ lưỡng, chi tiết về các mặt nội dung, tổ chức của kỳ họp thứ 6 vừa qua.

Liên quan tới những hạn chế trong chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, cử tri có phàn nàn là tại kỳ họp vừa qua, đang chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành thì các đại biểu lại quay ra tranh luận lẫn nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng trong phiên chất vấn thì không nên có tranh luận giữa các đại biểu - Ảnh Gia Hân

“Cử tri kiến nghị là các đại biểu khi đánh giá một ngành thì phải công tâm, khách quan để tránh làm tổn thương, đánh giá không đúng một ngành. Bên cạnh đó, khi đại biểu có phát biểu không đúng về ngành thì bộ trưởng, trưởng ngành cũng nên trao đổi lại ngay trên nghị trường để tránh chuyện không đáng có về sau”, bà Nga nói.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị nghiên cứu cách tổ chức chất vấn để trong phiên chất vấn thì chỉ hỏi và trả lời chứ không có tranh luận giữa các đại biểu.

“Nếu nội dung trả lời chất vấn mà người hỏi chưa đồng ý thì có thể hỏi lại, tranh luận lại chứ một đại biểu khác không hỏi mà lại nhảy vào bình luận này kia khiến người nhận được câu hỏi không trả lời mà người khác lại trả lời hộ thì không nên”, ông Định nêu.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh kỳ họp thứ 6 là kỳ họp đạt kỷ lục về số người chất vấn và số câu hỏi chất vấn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, vì đây kỳ họp diễn ra vào lúc nửa nhiệm kỳ nên mới đặt vấn đề chất vấn việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng, trưởng ngành từ đầu nhiệm kỳ, còn sắp tới vẫn phải chọn nhóm vấn đề để chất vấn.

Liên quan tới việc các đại biểu dùng quyền chất vấn để tranh luận với nhau, bảo vệ ngành mình, bà Ngân cũng đồng tình, phải cải tiến để chất vấn là hỏi và trả lời, người trả lời không đạt thì người đó tiếp tục hỏi lại, tranh luận lại chứ người không chất vấn không nên chen vào tranh luận.

“Trước phiên chất vấn, chúng ta đưa ra quy tắc và nếu có ai không chất vấn mà giơ biển tranh luận thì không mời phát biểu”, bà Ngân nói.

Riêng việc tranh luận giữa đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu Nguyễn Hữu Cầu về tỷ lệ vi phạm của cơ quan điều tra trong công tác phòng chống tội phạm làm nóng nghị trường tại kỳ họp vừa qua, bà Ngân cho rằng, nên coi là chuyện bình thường.

“Nhưng đúng là Bộ trưởng Công an đứng lên nói thì hay hơn là có đại biểu của ngành đứng lên tranh luận lại”, bà Ngân nói.

Lê Hiệp

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/co-dai-bieu-dua-thong-tin-thieu-chinh-xac-bo-truong-ne-trach-nhiem-ca-nhan-1032237.html