Cô đã chắp cánh cho em vào đời

Hẳn bây giờ có lẽ cô chẳng còn nhớ em đâu. Một đứa học trò bình thường trong số hàng nghìn học trò của cô. Thế nhưng với em dù xa cô bao lâu thì hình ảnh cô vẫn luôn ghi nhớ trong tâm tưởng em - Một cô giáo hiền lành, dễ mến.

Cô kính yêu của em!

Bây giờ em đã là một cô giáo với thâm niên đứng lớp gần 20 năm. Thế nhưng trong kí ức của em cô luôn hiện hữu. Cô là giáo viên dạy Toán và chủ nhiệm chúng em suốt những năm học cấp II.

Ngày ấy, trường cấp II ở quê mình còn rất nghèo cô nhỉ. Trường học chỉ là mấy dãy nhà ẩm thấp nằm sát bên bờ sông. Được cái trong sân trường trồng rất nhiều cây. Đa phần là phượng và những gốc bàng già. Mùa hè phượng nở rực rỡ khắp sân trường. Hình ảnh cô đội nón trắng với dáng người nhỏ nhắn luôn hiện hữu trong tâm trí em. Cô giảng bài kĩ và rất dễ hiểu. Cô yêu lũ trò nhỏ như chính những đứa con của mình.

Ngày ấy, chúng em đa phần là những con nhà nghèo. Cả lớp chỉ một vài bạn có xe đạp. Chúng em thường đi bộ đến lớp. Vào những ngày mưa, chúng em lại cúp tiết ở nhà. Vậy nhưng đến trưa, cô lại đạp xe đến nhà chúng em để hỏi thăm. Cô cứ sợ chúng em đi học trên đường liệu có gặp bất trắc gì. Nhất là dòng sông Nhuệ ngay cạnh trường rất nguy hiểm. Ngày ấy làm gì có điện thoại hiện đại như bây giờ. Những lúc ấy chúng em thường nói dối cô với trăm ngàn lí do khác nhau. Sau đó cô chỉ nhẹ nhàng dặn dò rằng lần sau nghỉ nhớ viết dùm cô cái giấy phép. Thế mà chúng em vẫn cứ cố tình quên đi để làm khổ cô chứ.

Có lẽ sau bao năm ra trường và trải nghiệm bằng thực tế em mới thấy thương cô biết chừng nào. Dường như ngày nào chúng em cũng gây ra chuyện. Nào là lớp quên mang sổ đầu bài hay gây sự với bạn bè vì những chuyện vẩn vơ... Những lúc ấy cô thường nhẹ nhàng chỉ ra những cái sai để chúng em thấy. Cô thủ thỉ tâm sự cùng chúng em như một người mẹ, người chị. Vậy nhưng, ngày ấy chúng em đâu có hiểu hết lòng cô, chúng em thật hư phải không cô?

Em vẫn còn nhớ, ngày ấy việc học hành cũng không được quan tâm như bây giờ. Cha mẹ nghèo nên mọi việc học hành dạy dỗ đều phó mặc cho nhà trường. Cứ một hai tuần lại có bạn bỏ học không đến lớp. Thế là cô lại phải lặn lội đến tận nhà để thuyết phục phụ huynh. Lớp chúng em khi đó nằm rải rác ở tất cả các thôn trong xã. Thế nhưng vì học trò cô vẫn đạp xe đến để động viên. Nếu ngày mai chưa thấy học sinh đến lớp cô lại tiếp tục làm công tác dân vận.

Cô còn nhớ không, vào những sáng mùa đông, chúng em co ro trong những tà áo mỏng. Ngồi cả tiếng mà bàn tay vẫn chưa viết nổi bài. Những lúc ấy, cô thường nhìn chúng em rồi chảy nước mắt vì thương. Lúc nào cô cũng động viên chúng em ráng học để mai này có tương lai. Thế nhưng ngày ấy có mấy ai hiểu hết được lòng cô. Hầu hết các bạn trong lớp đều làm ngược để chứng tỏ mình là nhất.

Trong kí ức em, cô là một cô giáo dễ tính vui vẻ và thương yêu học trò hết mực. Cô thường bảo chúng em rằng môn Toán khó nên các em ráng nghe

giảng để hiểu bài ngay trên lớp. Cô còn kể chúng em nghe cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Tuổi thơ của cô là những tháng ngày vất vả lam lũ cùng cha mẹ. Được cái ba cô là người tân tiến. Ông luôn động viên con gái ráng học để cuộc đời sau này bớt khổ. Cô đi học với ước mơ được truyền cái chữ cho học sinh nghèo. Cô bảo chúng em rằng, các em chính là những thế hệ trẻ tương lai. Các em học hành không chỉ cho mình mà còn để sau này xây dựng quê hương đất nước. Cô luôn động viên chúng em cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Ngày ấy giá không có cô động viên thì em đã nghỉ học mất rồi. Khi biết em có ý định nghỉ học cô luôn động viên em cố gắng. Cô luôn bảo không có cái chữ em vào đời sẽ rất vất vả. Bây giờ chịu cực một chút nhưng sau này sẽ sướng. Những lời nói chân tình ấy em luôn nhớ mãi.

Cô xa nhớ của em!

Những ngày cuối lớp 9, chúng em phải ôn thi tốt nghiệp vô cùng vất vả. Buổi chiều trời nóng nực mà cả lớp không có nổi cây quạt. Cả cô và trò đều nhễ nhại mồ hôi. Thế mà cô cứ động viên chúng em ráng lên. Cô còn phụ đạo không công cho chúng em cả một tháng trời như thế. Đến gần ngày chúng em thi thì cô đổ bệnh. Nhìn cô gầy guộc mà chúng em thương vô cùng. Chúng em đã cố gắng rất nhiều để khỏi phụ công cô. Ngày chia tay chúng em đều khóc vì thương cô. Chúng em hứa hẹn rất nhiều với cô rằng chúng em sẽ luôn nhớ về cô, sẽ thương xuyên về thăm cô. Vậy mà... chúng em tệ quá phải không cô?

Cô kính yêu của em!

Bây giờ có lẽ cô đã già lắm rồi. Hơn hai mươi năm em chưa một lần trở lại thăm cô. Rất nhiều lần em có ý định về thăm cô nhưng rồi cuộc sống cơm áo, gạo, tiền lại cuốn trôi mọi dự định của em. Em luôn cảm thấy có lỗi với cô. Giá ngày ấy không có cô em đâu có được như ngày hôm nay. Người ta vẫn thường ví người giáo viên như người đưa đò quả chẳng sai cô nhỉ. Họ cần mẫn chở bao lớp người qua dòng sông tri thức. Họ chỉ biết cho đi mà không cần nhận lại. Cuộc sống của họ là sự hy sinh thầm lặng. Họ lặng lẽ sống, lặng lẽ cống hiến mà chẳng cần một danh hiệu nào cả. Điều này em thấy thật đúng với cô.

Bây giờ em đang bước tiếp con đường cô đã đi. Nhiều lúc gặp những học trò ngỗ nghịch hay cả những áp lực của nghề giáo. Thế nhưng hình ảnh của cô luôn tiếp thêm sức mạnh cho em vươn lên và vượt qua tất cả.

Cám ơn cô, người đã dạy dỗ em nên người. Hẹn gặp cô vào một ngày gần nhất.

Gửi cô: Nguyễn Thị Nga - nguyên giáo viên Trường THCS Bạch Hạ - Phú Xuyên, TP Hà Nội

Mã số 67

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/co-da-chap-canh-cho-em-vao-doi-3916737-b.html