Cơ cực nghề làm heo đất

Ký ức tuổi thơ về niềm vui có con heo đất đựng tiền lì xì, chắc ai cũng có. Kỷ niệm là vậy nhưng có lẽ ít đứa trẻ nào lớn lên lại bỏ công đi tìm cách thức hình thành một chú heo đất qua bàn tay tài hoa của những người thợ.

Để heo đất ra đời, phải vất vả từ khâu chọn đất, đổ khuôn, làm rỗng ruột đến phơi khô

Để heo đất ra đời, phải vất vả từ khâu chọn đất, đổ khuôn, làm rỗng ruột đến phơi khô

Bí quyết làm rỗng ruột heo

Làng nghề làm heo đất ở Lái Thiêu (phường Lái Thiêu, TX Thuận An, Bình Dương) ra đời cách nay gần nửa thế kỷ. Trải qua những thăng trầm, số người theo nghề heo đất vơi đi gần hết.

Thuở xưa, làng làm heo đất có gần 200 hộ làm nghề. Dọc hai bên đường, heo to, heo nhỏ, đứng, ngồi, nằm, đủ màu sắc trưng bày thu hút người mua. Nhưng nghề truyền thống khó giữ, khó tồn tại một cách đủ đầy khi kinh tế phát triển. Nay Lái Thiêu chỉ còn khoảng 20 hộ dân làm nghề heo đất.

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, ở làng heo đất Lái Thiêu, người trẻ, người già, kẻ có thâm niên đôi ba chục năm, người mới vào nghề vẫn đang miệt mài, chạy đua cho ra lò những chú heo đất thật đẹp nhằm cung cấp cho thị trường. Tết con heo, nhiều gia đình muốn nuôi một heo đất thật đẹp, hợp phong thủy, cầu tài lộc.

“Nghề này khó thuê người làm vì vất vả, tối ngày vật lộn với đất, với cái nóng. Người ta so sánh làm công nhân lương tháng 7 – 8 triệu đồng mà lại có bảo hiểm, có chế độ. Còn làm nghề này, lương cũng thế nhưng không có thêm quyền lợi khác”, ông Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1955, ngụ phường Lái Thiêu, TX Thuận An, Bình Dương) bộc bạch.

Chúng tôi ghé thăm lò heo đất của ông Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1955, ngụ phường Lái Thiêu), người có thâm niên làm nghề heo đất 5 năm. Lưng trần, người đầy đất sét, mồ hôi nhễ nhãi, ông Bình lúi cúi lùa từng khúc củi to, dài vào lò nung. Mẻ heo đất sắp chín nên cần đều tay cho đủ lửa.

Ông Bình kể: “Lái Thiêu là vùng đất làm gốm hàng trăm năm qua do người Hoa mang theo khi di cư đến Việt Nam. Nghề heo đất cũng xuất phát từ đây. Ngày xưa, nghề thịnh vượng nhưng giờ dần mai một”.

Để cho ra một chú heo đất ngộ nghĩnh, xinh xinh, phải mất rất nhiều công đoạn. Đất sét dùng làm heo đất lấy từ vùng Tân Uyên (Bình Dương) mới đúng chuẩn. Đất sét phải dùng máy đánh cho đều, nhuyễn tạo nên sự kết dính vững chắc khi khô.

Công đoạn tiếp theo là đổ đất sét vào khuôn tạo hình heo đất. Đây là giai đoạn quan trọng và lý giải tại sao heo đất rỗng ruột bên trong. Có đủ loại khuôn lớn bé, mỗi khuôn do bốn mảnh ghép lại và cố định bằng dây.

Đất sét lỏng được đổ đầy vào khuôn thông qua hai lỗ ở chân. Lúc này, heo đất đang đặc ruột. Vậy người ta làm sao để rỗng ruột cho heo đất? Rất đơn giản. Khuôn heo đất lúc nào cũng khô, hút nhiều nước. Do đó, phần đất sét lỏng tiếp xúc với khuôn sẽ khô nhanh cứng hơn phần bên trong.

Kinh nghiệm nhiều đời truyền lại, sau khi đổ đất sét vào khuôn tầm 20 phút, người thợ lại đổ ngược phần đất sét ra ngoài. Lớp đất sét khô nhanh, bám vào khuôn tạo hình heo đất và phần đất sét lỏng bị đổ ra ngoài sẽ tạo ra sự rỗng ruột bên trong heo đất.

Bí quyết này, theo ông Bình không rõ từ đâu đến, do ai nghĩ ra, ông chỉ biết người đi trước truyền lại cho người đi sau. “Nhiều người cứ nghĩ, người thợ sẽ đúc khuôn trong khuôn ngoài. Nhưng nếu như vậy, khi đất sét khô lại, tạo hình con heo đất thì làm sao lấy khuôn bên trong ra. Không lẽ mình xẻ đôi. Làm như thế mất nhiều công sức, không đạt kinh tế”, ông Bình nói.

Sau đó, phơi heo đất tầm vài tiếng, người thợ tháo phần khuôn ở đế và dùng đất sét vá hai lỗ ở chân lại (nơi đổ đất sét từ trong khuôn ra ở giai đoạn tạo hình heo đất – PV). Vá xong, người thợ mới tháo khuôn. Lúc này, heo đất đã thành hình thô nhưng chưa chắc chắn, dễ vỡ.

“Nếu ngày nắng đẹp, heo đất sẽ được phơi thêm một ngày nữa mới đạt độ cứng cần thiết trước khi cho vào lò nung. Ngày mưa hoặc âm u thì phải phơi mấy ngày. Sau khi phơi xong, heo đất sẽ được xếp vào lò nung, mỗi mẻ cho khoảng 2.000 con heo đất. Giống như các lò nung gạch, lò nung heo đất được đắp kín, hình mái vòm và có nhiều lỗ để đút củi vào. Mỗi lần nung phải mất 12 tiếng, heo đất mới chắc chắn”, ông Bình giải thích.

Lò tạo hình, lò… trang điểm

Cứ bốn ngày ông Bình cho một mẻ heo đất ra lò. Giá mỗi con heo đất từ 5.000 – 10.000 đồng, tùy theo loại to, nhỏ. Trừ hết chi phí, ông lãi khoảng ba triệu đồng. Giáp Tết Kỷ Hợi này, lượng hàng tăng nhiều nhưng ông Bình bất lực vì không thể mướn được người làm. Thế nên, ông Bình chỉ làm công đoạn heo đất thô rồi bán cho các cơ sở trang trí.

Theo chỉ dẫn của ông Bình, chúng tôi đến cơ sở tô “trang điểm” heo đất của chị Tạ Thị Ngọc Lan có thâm niên trong nghề 30 năm. Vợ chồng chị Lan đang tất bật cùng với ba công nhân khác đang tô màu, vẽ đường nét cho những chú heo đất.

Cả cơ sở đủ màu sắc, từ chú heo đất vàng có kim tuyến lấp lánh đến heo đất tô màu giống gấu trúc, heo đất cách điệu… Mẫu mới nhất mà chị Lan vừa đóng gói cho các cửa hàng là heo đất dành riêng cho Tết Kỷ Hợi. Những chú heo đất lớn có khắc hình đồng tiền hoặc câu chúc “vạn sự như ý”…

Chị Lan cho hay: “Mẫu mới thì phải tạo khuôn mới, cực lắm nên chỉ có vài lò làm được. Mình lấy về tô màu, bỏ mối thử. Ai ngờ cháy hàng, nhưng số lượng có hạn nên khó cung ứng được”.

Cả nhà chị Lan đều làm nghề này, em trai chị đang có lò heo đất ở Tân Phước Khánh (Tân Uyên, Bình Dương). “Coi nhẹ nhàng vậy chứ nghề này cực và độc hại lắm, không phải ai cũng làm được đâu. Người nào mới làm thì chỉ được tô màu những chú heo đất có một màu, người có thâm niên mới được vẽ hoa, vẽ chữ trên thân. Ngày nào cũng phải tiếp xúc với sơn, váng đầu chứ không phải chơi”, chị Lan chia sẻ. Một ngày, người thợ có thể sơn cả ngàn con heo đất nhỏ, nhưng với heo lớn, hoặc có vẽ họa tiết thì chỉ làm vài trăm con là cùng.

Tưởng chừng đơn giản nhưng cũng phải trải qua nhiều công đoạn, heo đất thô mang về phải dùng giấy nhám chà cho láng, không còn các cạnh thừa.

Sau đó, người thợ tô sơn, vẽ họa tiết. Sơn phải được pha thế nào cho thật loãng, có độ bám dính cao và nhanh khô. “Cái này là do kinh nghiệm mình làm nhiều năm chứ không có sách vở gì. Ngày xưa làm gì có chuyện heo đất được sơn màu. Việc này không khó nhưng đòi hỏi người làm phải cần mẫn và khéo léo”, chị Lan tâm sự.

Khu trưng bày heo đất của cơ sở chị Lan có hàng ngàn chú heo đủ sắc màu, được kẻ mắt, chân mày, tô son điệu đà. Vẫn là những đường nét trang trí truyền thống ngày xưa như chiếc lá, búp sen, hoa hồng. Mỗi ngày cơ sở cho ra lò khoảng 1.300 chú heo đất.

Dịp Tết này, nhu cầu heo đất tăng vùn vụt, cơ sở chị Lan phải làm việc từ 3h sáng đến tận 21h đêm mới kịp hàng giao cho các nơi. Dù mệt nhưng có thêm thu nhập, bởi công nhân làm ăn theo sản phẩm nên ai nấy cũng phấn khởi, thậm chí có người còn kêu cả chồng, con đến phụ.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tieu-dung-va-du-luan/co-cuc-nghe-lam-heo-dat-436299.html