Có con với người có vợ thì làm sao để con nhận họ nội?

Tôi không biết mình có con với người đã có gia đình, tôi phải làm gì để cháu được nhận cha, nhận họ hàng bên nội khi cha cháu đã mất?

Có con với người có vợ thì làm sao để con nhận họ nội?

Năm 2008 tôi có chung sống với một người đàn ông nhưng không biết anh ta đã có gia đình. Sau khi anh ta thú nhận, tôi đã chấm dứt quan hệ với anh ta nhưng lại phát hiện có thai. Tôi đã sinh ra đứa bé. Cuối năm 2017, tôi nghe tin anh ta không may bị tai nạn qua đời.

Nay cháu đã 10 tuổi, tôi muốn cháu biết về cha của mình, để cháu nhận ông bà và họ hàng bên đó. Luật sư cho tôi hỏi: Tôi phải làm gì để cháu được nhận cha, nhận họ hàng bên nội?

Thùy Linh (Hà Nội)

Tôi phải làm gì để cháu được nhận cha, nhận họ hàng bên nội? - Ảnh minh họa Luật sư tư vấn về việc nhận họ bên nội khi có con với người đã có vợ

Theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình về Người có quyền yêu cầu xác định cha, mẹ, con thì:

“Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; xác định con cho cha, mẹ chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này:

- Cha, mẹ, con, người giám hộ;

- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

- Hội liên hiệp phụ nữ.”

Mặt khác, khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau: “Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này ….”

Như vây, căn cứ vào các quy định trên thì bạn là mẹ của cháu bé, bạn có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha cho con của mình. Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn đang cư trú (theo điểm b khoản 2 Điều 35; điểm t khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Luật sư Lê Thị Hồng Vân - Công ty Luật An Ninh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)

Tuy nhiên, khi yêu cầu Tòa án xác định cha cho con của bạn, bạn phải cung cấp các chứng cứ chứng minh quan hệ cha con của hai người. Bạn có thể tham khảo các chứng cứ chứng minh tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.

- Trường hợp không có văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Video: Luật sư nói về quy định về đối tượng được tham gia BHXH và mức đóng BHXH (Nguồn: VOV)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/co-con-voi-nguoi-co-vo-thi-lam-sao-de-con-nhan-ho-noi-d126858.html