'Có cơ sở đào tạo thay vì dạy lái xe an toàn lại... dạy mẹo để đỗ'

Nhắc đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây ra nhiều cái chết thương tâm thời gian qua, ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ Công an lập chuyên án để điều tra, xử lý những tiêu cực trong khâu đăng kiểm, đào tạo sát hạch lái xe...

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Quốc hội

Cuối phiên thảo luận tại Quốc hội sáng nay, 30-10, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, nhìn vào các số liệu báo cáo thì từ đầu năm đến nay tổng số vụ tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả số vụ lẫn số người vị thương, số người chết.

Tuy nhiên, từ thực tiễn, có rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết nhiều người hoặc do lái xe sử dụng ma túy gây ra những cái chết đầy thương tâm.

Điều đáng nói, theo bà Thủy, nếu phân tích về những vụ tai nạn này sẽ nhận thấy, có những chủ thể có thể có liên đới tới việc gây ra tai nạn nhưng hoàn toàn vô can, không phải chịu trách nhiệm, thậm chí không ai nhắc đến.

Nữ ĐBQH phân tích, đầu tiên là một số đơn vị đào tạo sát hạch lái xe thiếu trách nhiệm, dạy không đến nơi đến chốn, chất lượng đào tạo kém, dù quy định pháp luật về vấn đề này khá đầy đủ, thậm chí quy định về số giờ lái thực hành khi đào tạo lái xe ở nước ta còn cao hơn nhiều quốc gia tiên tiến.

“Pháp luật đầy đủ nhưng vấn đề là phải học thật, thi thật. Nắm bắt tâm lý một số bộ phận không muốn đi học nhưng vẫn muốn có bằng, quá trình đạo tào không ít cơ sở đã cắt xén chương trình học. Thậm chí thay vì dạy bài bản để người học có thể lái xe an toàn thì lại dạy... mẹo để đỗ” – ĐB Thủy chỉ ra.

Minh chứng thêm cho nhận định này, ĐBQH đoàn Bắc Kạn nêu: “Nhiều người ở phía Nam nhưng đăng ký học lái xe ở phía Bắc. Điều gì thu hút họ khi đường xa, chi phí đi lại đắt đỏ, tốn kém? Phải chăng có cơ sở học dễ thi dễ. Nghiêm trọng hơn là có tình trạng “bao” thi bao đỗ, đóng tiền mua bằng” – nữ ĐBQH là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.

Nhắc lại, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 22-7-2019, Thủ tướng Chính phủ có nói về việc xuất hiện “điểm đen” tại cơ quan đăng kiểm, đào tạo, sát hạch đào tạo xe và chỉ đạo Bộ Công an lập chuyên án điều tra, ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng, phải lập chuyên án thì mới có thể khám phá được các vụ tiêu cực trong lĩnh vực này, bởi khi kiểm tra, thanh tra thì “mọi hồ sơ đã được làm tròn”.

Từ đầu năm, 5.600 người vĩnh viễn không bao giờ trở về vì TNGT

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng còn nhức nhối, theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, đó là các ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị kinh doanh vận tải. Cụ thể, Luật quy định các đơn vị kinh doanh vận tải phải tổ chức khám sức khỏe lái xe 1 năm 1 lần, nhưng nhiều nơi khoán trắng, để lái xe tự đi khám, mang kết quả về lưu hồ sơ doanh nghiệp, thậm chí không cần nộp.

“Cử tri cũng phản ánh nhiều trường hợp học lái xe không đến khám sức khỏe, chỉ bỏ ra 200.000 đồng và cung cấp thông tin chiều cao, cân nặng, là có giấy chứng nhận đủ sức khỏe lái xe. Có trường hợp bị bệnh tâm thần nhưng vẫn được cấp giấy phép lái xe như ở Hòa Bình, Đắc Nông” – ĐB Thủy dẫn chứng.

Cuối cùng, nữ ĐBQH đoàn Bắc Kạn cho rằng, tình trạng “nhờn luật” an toàn giao thông là nguyên nhân quan trọng nữa khiến tai nạn giao thông còn nghiêm trọng. Báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, hơn 5.600 thiệt mạng vì tai nạn giao thông, tức hơn 5.600 người ra khỏi nhà để đi làm, đi học nhưng rồi vĩnh viễn không trở về.

"Giảm tai nạn giao thông cần nhiều biện pháp nhưng trước hết là cần sự nghiêm khắc của pháp luật dành cho những đối tượng vi phạm. Mọi vi phạm phải được phát hiện xử lý nghiêm, không thể vô can không chịu trách nhiệm. Có như vậy mọi người dân mới được bình an và không còn nước mắt rơi” – ĐB Nguyễn Thị Thủy kết lại.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/oto-xe-may/co-co-so-dao-tao-thay-vi-day-lai-xe-an-toan-lai-day-meo-de-do/830897.antd