Có cơ quan đóng cả dấu 'mật' vào danh sách vụ trưởng

Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tại Quốc hội sáng nay, 22-11, nhiều ĐBQH cảnh báo, tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước hiện khá nghiêm trọng, thậm chí có cả những văn bản mật cũng được chụp đưa lên mạng…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng tình trạng lộ bí mật nhà nước khá nghiêm trọng

Qua góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết phải ban hành luật này, song đề nghị phải làm rõ hơn khái niệm về bí mật nhà nước, phân biệt rõ giữa bí mật của nhà nước và bí mật của các cơ quan, đơn vị.

ĐB Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phân tích, xây dựng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cần phải đáp ứng được 2 yêu cầu quan trọng là đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đồng thời đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin.

Theo bà Nga, trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, hiện có 2 xu hướng. Xu hướng thứ nhất là trong thực tiễn có tình trạng bí mật Nhà nước bị lộ, lọt. Ngay cả trên không gian mạng, có những văn bản mật của cơ quan quan trọng được chụp đưa lên. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi ích của Nhà nước, của quốc gia.

“Ngược lại có tình trạng lạm dụng, đóng dấu mật vào những văn bản không mật. Thậm chí có cơ quan đóng “mật” vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành dù danh sách này thì có gì đâu mà mật?...” – ĐB Lê Thị Nga nêu. Trên cơ sở đó, bà Nga đề nghị, danh mục mật cần phải được cụ thể trong dự luật để tránh tùy tiện.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu làm rõ ý kiến ĐBQH tại phiên thảo luận sáng 22-11

Phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH góp ý về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước sáng 22-11, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc xây dựng luật này trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, việc để lộ, lọt bí mật nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng về chính trị, quân sự, an ninh, ngoại giao, kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia cũng như quyền lợi của nhân dân.

Đặc biệt, trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế, hội nhập và mở rộng quan hệ đối ngoại, công tác bảo vệ bí mật nhà nước càng phải được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Dự thảo Luật Bảo vệ Bí mật nhà nước được Chính phủ phân công cho Bộ Công an chủ trì xây dựng.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, luật này được xây dựng với tinh thần tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và nâng cao hiệu quả bảo vệ bí mật nhà nước về quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội.

Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng dự thảo luật này cần tiếp tục hoàn chỉnh để hoàn thiện. Thay mặt cơ quan xây dựng dự luật này, Bộ trưởng Bộ Công an trân trọng tiếp thu các ĐBQH đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, góp ý toàn diện trên các vấn đề nêu ra trong luật để cùng xây dựng luật được hoàn thiện hơn và báo cáo Quốc hội xem xét thông qua luật này theo đúng chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng bày tỏ mong muốn các vị ĐBQH, cử tri cả nước, các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với các lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh để phục vụ cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội đất nước một cách bền vững.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/co-co-quan-dong-ca-dau-mat-vao-danh-sach-vu-truong/748925.antd