Có cơ chế bảo vệ đặc biệt doanh nghiệp dám tố cáo nhũng nhiễu

Tại dự thảo Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu hàng quý, Thanh tra Chính phủ sẽ công khai kết quả xử lý các vụ việc nhũng nhiễu DN của cán bộ, công chức các cấp trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, đồng thời thông tin này sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Chính phủ sẽ xây dựng các công cụ hiện đại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của DN và người dân về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Ảnh: L.Dịu

Nội dung dự thảo cho thấy, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp là cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đồng thời cắt giảm một phần đáng kể chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định, dễ tiên liệu; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh. Về các mục tiêu cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh. Đến năm 2020, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội để đạt điểm số trung bình của ASEAN-4 theo Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng thế giới; Cũng đến năm 2020, giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo Khảo sát PCI đến năm 2020. Bên cạnh đó, sẽ công khai 100% các hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang internet của cơ quan có thẩm quyền. Đến năm 2020, chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo Doing Business giảm xuống mức trung bình ASEAN 4. Dự tháo quy định về nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương trong việc phải có các giải pháp để cắt giảm chi phí cho DN gồm: Chi phí tuân thủ pháp luật; Chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh; Phí, lệ phí, tiền thuê đất và tiền khai thác tài nguyên; Chi phí không chính thức. Đặc biệt, trong cắt giảm chi phí không chính thức, Chính phủ sẽ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu giúp Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của DN về các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức các cấp. Bên cạnh đó, cơ quan này sẽ xây dựng các công cụ hiện đại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố cáo của DN và người dân về hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức (ví dụ như phần mềm điện thoại thông minh; diễn đàn truyền thông xã hội…). Hàng quý công khai kết quả xử lý các vụ việc nhũng nhiễu DN trên phương tiện thông tin đại chúng và trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ. Chính phủ cũng giao Thanh tra Chính phủ xây dựng cơ chế bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với DN dám tố cáo hành vi nhũng nhiễu trong thời gian xử lý vụ việc và 2 năm sau khi doanh nghiệp tố cáo để ngăn ngừa các hành vi trù dập doanh nghiệp (nếu có).

T.Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/co-co-che-bao-ve-dac-biet-doanh-nghiep-dam-to-cao-nhung-nhieu.aspx