'Có chú Bình công an, người dân chúng tôi đỡ nhiều lắm...'

Không chỉ làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, Đại úy Thạch Bình - Trưởng công an xã (CAX) Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ còn có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực với bà con xã nhà.

Đại úy Bình giúp những em nhỏ đi qua cầu khỉ.

Đại úy Bình giúp những em nhỏ đi qua cầu khỉ.

Đại úy Thạch Bình quê ở TT.Cờ Đỏ. Từ khi còn học trung học, anh Bình muốn trở thành người chiến sĩ Công an nhân dân. Uớc mơ đó đã trở thành hiện thực khi anh được chọn vào ngành theo diện cử tuyển người dân tộc.

Sau khi tốt nghiệp trung học an ninh (nay là trung cấp – PV), rồi đại học ngành Tôn giáo dân tộc, anh Bình về nhận nhiệm vụ tại CAH Cờ Đỏ. Qua việc thực hiện chủ trương tăng cường công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh CAX, anh Bình được điều động về Thới Xuân – nơi có đông đồng bào dân tộc Khơ-me làm Trưởng CAX.

Đại úy Bình đi thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đại úy Bình cho rằng, việc được phân công về nơi công tác mới bản thân có nhiều thuận lợi nhưng để hoàn thành nhiệm vụ trước tiên phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến nhân dân.

Thời gian đầu với công việc mới, cùng với việc làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm xây dựng đội ngũ CAX ngày càng vững mạnh, đoàn kết yêu thương, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ, Đại úy Bình còn tranh thủ việc xây dựng uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Khơ-me.

Từ đây, Đại úy Bình cùng các cộng sự của mình thường xuyên xuống từng hộ dân tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia tố giác, phòng chống tội phạm, bảo vệ sự yên bình cho từng xóm ấp.

Với việc làm tốt công tác tuyên truyền và được bà con ủng hộ, Thới Xuân trở thành địa phương hoàn thành sớm nhất việc thu thập thông tin dữ liệu. Kết quả này có vai trò không nhỏ của Đại úy Bình.

Nhớ lại sự giúp đỡ ân cần của Đại úy Bình, ông Đào Sol cho biết: “Bà con ở đây rất mến anh Bình, bởi cái gì chưa hiểu đều được hướng dẫn, giải thích cặn kẽ”.

Đại úy - Thạch Bình (phía trong) cùng cộng sự đi cảm hóa thanh niêm lầm lỗi.

Đến ấp Thới Trường 1, người dân còn nhắc nhiều đến mô hình: “Quán cà phê pháp luật”. Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực, trong đó Đại úy Bình là một trong những thành viên tích cực. Đến nay, dù đã có nhiều thay đổi nhưng một bộ phận bà con dân tộc vẫn còn thiếu thông tin, kiến thức về quy định pháp luật, cách làm giàu… Tuy nhiên khi mô hình đi vào hoạt động phần nào giúp bà con tháo gỡ vấn đề này.

Theo đó, Đại úy Bình phối hợp với Chi hội phụ nữ ấp lồng ghép tuyên truyền về phương thức thủ đoạn hoạt động tội phạm, ý đồ của kẻ xấu, nâng cao ý thức cảnh giác, vận động bà con tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đến nơi triển khai mô hình tôi thấy bà con được đọc báo, nghe mấy anh công an hướng dẫn về cách thức phòng tránh tội phạm, cảnh giác không sập bẫy của bọn lừa đảo hết sức bổ ích” - bà Danh Thị Hiền cho biết.

Ít ai biết rằng, dù tuổi đời mới 32, lại làm công tác dân vận rất giỏi ở địa phương. Đặc biệt sau 2 năm về địa phương mới phục vụ, anh trở thành “điểm tựa” cho nhiều thanh niên lầm lỗi. Trước đây, khi nhắc đến Đoàn Văn Cư (ngụ ấp Thới Thuận) là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây, bởi thành niên này thường xuyên đánh nhau gây mất an ninh trật tự. Sau khi được anh Bình cảm hóa, giờ thanh niên này đã chí thú làm ăn, với nguồn thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Theo Đại úy Bình, muốn chống tội phạm có hiệu quả thì phải làm tốt công tác phòng ngừa, chủ động ngăn chặn và làm tốt công tác quản lý, cảm hóa giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật hoàn lương.

Bà Đoàn Thị Thanh đánh giá: “Thạch Bình về đây làm việc đã làm thay đổi ý thức của người dân rất nhiều. Người dân nào khổ là Bình tình nguyện giúp đỡ, kể cả những người lầm đường lạc bước. Có chú Bình công an, người dân chúng tôi đỡ nhiều lắm”.

Như lời bà Thanh, chúng tôi đi một vòng trong xóm và ai cũng quý mến và đánh giá những đóng góp của Đại úy Bình. Những nỗ lực của anh đã đưa Thới Xuân trở thành địa bàn không xảy ra trọng án, phạm pháp hình sự được kéo giảm cũng như nhiều năm được công nhận đạt 3 không: “không tội phạm, không ma túy, không mại dâm”.

Đại úy Bình cùng các đơn vị tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bằng sức mình có thể, cứ gần đến năm học mới, Đại úy Bình tranh thủ ngoài giờ làm việc cất công lặn lội đi vận động đồng nghiệp, những người quen biết, các nhà hảo tâm để góp tiền mua 5.000 quyển tập và 50 chiếc cập làm quà trao tặng cho học sinh nghèo hiếu học ở địa phương.

Không những thế, cứ vào chiều muộn cách ngày của những tháng học sinh nghỉ hè, sau giờ làm việc tại cơ quan, Đại úy Thạch Bình lại vội đến lớp phổ cập tiếng Khơ-me cho hơn 10 em học sinh tại chùa Set Tador mà không cần nhận lại khoản thù lao nào.

Thấy hoàn cảnh của các em nhỏ nên anh Bình chấp nhận làm thầy giáo bất đắc dĩ.

Đại úy Bình nhớ lại: “Tôi đi vận động từng nhà, gom mấy em lại học rất khó. Cái khó trong việc dạy học nữa là các em lứa tuổi khác nhau, học khối lớp cũng khác nhau. Ngoài ra do không qua trường lớp sư phạm, nên thời gian đầu tôi phải dành nhiều công sức tìm tài liệu, bổ sung giáo án để có thể truyền đạt kiến thức”.

Thế là từng nét chữ được thầy Bình viết lên bảng được các em chăm chú viết theo, em nào viết chưa đẹp, thầy tận tình cầm tay nắn nót. Lúc đầu lớp chỉ vài ba em, nhờ sự tận tâm của Đại úy - thầy giáo Bình lớp ngày càng đông hơn. Thấy các em hăng say nên người thầy giáo này bận mấy cũng đến lớp. Để buổi học được sinh động, người Trưởng công an tìm những câu nói, câu chuyện hay bằng tiếng Việt dịch ra tiếng Khơ-me.

Anh Bình đang hớt tóc cho các em nhỏ.

Ngoài ra, tranh thủ lúc rảnh rỗi cứ nửa tháng hoặc một tháng, Đại úy Bình lại trổ tài “cầm đầu” - cắt tóc cho trẻ em miễn phí một lần. Anh Bình chia sẻ: “Trước đây, tôi có học nghề hớt tóc, về quê thấy tụi nhỏ tóc tai bù xù thì hớt cho lịch sự. Mỗi lần rảnh thì tâp hợp từ 3 – 4 em lại hớt hết đứa này đến đứa khác. Việc làm của mình chẳng đáng kể nhưng cha mẹ các em đỡ tốn phần tiền này”.

Ông Đỗ Xuân Phúc – Phó chủ tịch UBND xã Thới Xuân - nhận xét: “Là cán bộ được tăng cường về cơ sở, đồng chí Bình đã kịp thời tham mưu cấp ủy, UBND triển khai thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo ANTT, trật tự an toàn giao thông, ngăn ngừa phòng chống tội phạm nên được nhân dân tin tưởng. Đến nay, bộ mặt Thới Xuân không ngừng đổi thay, bà con trên địa bàn xã an tâm lao động sản xuất và vừa được công nhận là xã nông thôn mới. Trong kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của Đại úy Thạch Bình”.

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/guong-sang/khi-truong-cong-an-xa-lam-thay-giao_86391.html