Cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập còn nhiều ràng buộc

Ngày 3/10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Nhiều ĐB đã tỏ ra băn khoăn khi các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa tự chủ thực chất.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn Bộ trưởng Y tế. Ảnh: T.L.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí chất vấn Bộ trưởng Y tế. Ảnh: T.L.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Năm 2008 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2008/QH12về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cuối năm 2018, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18. Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập đã ghi nhận một số kết quả tích cực, hiện 100% các bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức tự chủ ngày càng cao, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ, người dân có cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật cao; nhiều bệnh viện khang trang, sạch sẽ. Các bệnh viện công lập cũng đã quản lý chặt chẽ nguồn thu - chi để có kinh phí hoạt động, tăng thu nhập cho cán bộ và trích lập các quỹ.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng nhận thấy một số vấn đề nổi lên như văn bản hướng dẫn liên quan đến cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế chưa hoàn thiện. Việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa. Các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất. Còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh và góp phần bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế.

Giải trình về những khó khăn trong thực hiện tự chủ, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trước hết do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các bệnh có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố và giữa các tuyến. Việc cho phép các đơn vị tự chủ về tài chính, được thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành thì có thể dẫn đến đơn vị sẽ giải thể hoặc không phát triển các khoa, bộ phận không có thu hoặc nguồn thu thấp, chỉ tập trung phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu, trong khi việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế huyện, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng cung ứng được ít dịch vụ, có nguồn thu thấp, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao là đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên nên rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động dễ dẫn đến việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ, hoặc chỉ định nhập viện để điều trị nội trú chưa đúng quy định.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/co-che-tu-chu-doi-voi-benh-vien-cong-lap-con-nhieu-rang-buoc-tintuc448902