Cơ chế thoáng để TP HCM bứt phá

Nhiều đại biểu Quốc hội dẫn lại các ví dụ về việc TP HCM từng tạo ra làn sóng đổi mới và kỳ vọng hòn ngọc Viễn Đông - đầu tàu kinh tế của đất nước - sẽ sớm có cơ chế, có căn cứ pháp lý để bứt phá

Ngày 20-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường Nghị quyết "Về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM". Trước đó, sau phiên thảo luận tại tổ vào tuần trước, nhiều nội dung trong bản dự thảo đã được tiếp thu, sửa đổi. Chẳng hạn, khống chế mức trần tăng thuế không quá 25% so với hiện hành; lương cán bộ, viên chức không quá 1,8 lần lương cơ bản.

Đầu tàu chạy mãi bằng đầu máy hơi nước

Nhấn mạnh cấp bách phải ban hành một cơ chế cho TP HCM, đại biểu (ĐB) Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) thẳng thắn: "Có ĐB cho rằng việc thí điểm cơ chế đặc thù cho TP HCM đã chín muồi nhưng theo tôi là đã chín mõm rồi, không thể kéo dài được nữa. Từ TP "sầm uất" đang trở nên "trầm uất" vì những cơ chế ràng buộc".

TP HCM sẽ được tự quyết trong vấn đề tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Trong ảnh: Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM trong giờ làm việcẢnh: HOÀNG TRIỀU

ĐB Dương Trung Quốc cho rằng từ hàng ngàn năm trước, vùng đất phía Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy thế, sau khi đất nước thống nhất, TP HCM cố gắng bứt phá nhưng "trong một cơ chế hết sức hạn chế". "Công cuộc đổi mới giúp TP phát triển nhưng giờ vẫn nằm trong mặt bằng chung, không khác địa phương khác. Có nguyên lý là không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng. Nguyên lý này có giá trị phân chia, đạo lý. Còn hiện nay thì chúng ta không sợ thiếu, chỉ sợ cào bằng" - ông Dương Trung Quốc nhận định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, ông Đặng Thuần Phong, nêu rõ: "Một thời chúng ta đầu tư dàn trải, thiếu mũi nhọn trong khi các đầu tàu là động lực để chuyển cả vùng, cả nước lại bị bó hẹp khiến đầu tàu mãi chạy bằng đầu máy hơi nước, trong khi người ta đi bằng nguyên tử rồi".

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng trong suốt thời kỳ đổi mới, TP HCM có nhiều lần có cách làm xé rào, tạo ra làn sóng đổi mới. Ví dụ, những năm 1980, TP đề xuất thí điểm khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung trên địa bàn TP, sau đó pháp chế hóa thành quy định chung trên cả nước; hay như tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng, sau đó mở rộng ra nhiều tỉnh, thành, địa phương khác… "Với nghị quyết này, TP sẽ không cần phải loay hoay xé rào mà có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển, tiên phong cho cả nước" - bà Hoa nhìn nhận.

Cân nhắc áp dụng thuế tài sản

Đồng ý với cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách đem lại nguồn thu lớn cho TP nhưng ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cũng lưu ý lựa chọn chính sách tăng giảm thuế một cách hợp lý; các dịch vụ công phải tốt hơn, minh bạch trong thông tin và công bằng trong ứng xử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân…

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang) đề nghị đánh giá tác động trước khi tăng các sắc thuế, tăng ở mức độ nào…, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích đầu tư vào TP HCM, nhất là khi TP đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có trên 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập.

Đồng quan điểm, ĐB Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) cho rằng chỉ nên tăng không quá 25% đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường so với mức hiện hành và TP sẽ phải nghiên cứu, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH quyết định. Bên cạnh đó, chính sách thuế, phí nên mở rộng đối tượng thu hơn là tăng mức thu.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) bày tỏ lo ngại về đề nghị áp dụng thuế tài sản bởi nếu chỉ áp dụng cho TP HCM thì sẽ ảnh hưởng đến tính công bằng trong áp dụng và thực thi chính sách, tạo sự khác biệt giữa những người nộp thuế. "Thí điểm phải có khác biệt nhưng ảnh hưởng đến tâm lý người dân thì cần thận trọng. Nếu áp dụng thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh bất động sản, thị trường chứng khoán và chỉ số cạnh tranh, hấp dẫn" - bà Mai nói.

Tự quyết mức tăng thu cho người lao động

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng quy định trong dự thảo là khống chế ở mức trần thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức TP không vượt 1,8 lần lương cơ bản là "rất khó cho TP". "Tôi đề nghị nên giao cho TP tự chủ, không nên quy định ở mức trần này để TP chủ động hơn" - bà Bé nêu quan điểm.

ĐB Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) đề nghị không chỉ tăng thu nhập cho công chức, viên chức mà cần tăng thu nhập cho đối tượng người lao động. Bởi vì, nhiều người dân ở TP HCM không phải là công chức, viên chức nhưng có đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của TP.

Cũng về vấn đề mức lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi cho rằng nên giao cho TP quản lý căn cứ vào cống hiến, đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở chất lượng, hiệu quả công tác và kết quả đầu ra. "Quy định như vậy mới là đầy đủ, thoáng. Đã cho TP cơ chế rất rộng và thúc đẩy phát triển, tại sao chúng ta lại đặt quy định lương là 1,8 lần lương cơ bản?" - ông Lợi đặt câu hỏi.

Giơ bảng tranh luận, ĐB Phan Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) nêu ý kiến không nên chọn một sự đột phá khác biệt quá lớn giữa cán bộ, công chức nói chung và giữa TP HCM với các tỉnh lân cận. Ngoài ra, cũng cần lưu ý nếu chỉ thí điểm tăng thêm cho cán bộ, công chức thuộc TP quản lý thì cán bộ, công chức các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP gặp phải sự chênh lệch thu nhập.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh An Giang) nhấn mạnh nếu không áp dụng trần thu nhập tăng thêm thì sẽ xảy ra sự bất cập cho việc phát triển của các địa phương, cụ thể là các địa phương khác sẽ bị chảy máu chất xám.

PHƯƠNG NHUNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/co-che-thoang-de-tp-hcm-but-pha-2017112022191177.htm