Cơ chế tăng vốn cho doanh nghiệp sau vụ Vietnam Airlines
Cuối tuần qua, Quốc hội đã thông qua phương án giải cứu hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Theo đó, Vietnam Airlines đã vi phạm một loạt điều kiện niêm yết, gồm: lỗ 4 năm liên tiếp từ năm 2020 đến năm 2023, vốn chủ sở hữu âm, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.
Hiện tại, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn đang niêm yết trên sàn HoSE. Cổ phiếu này vừa tăng giá liên tiếp trong ba phiên gần đây. Phương án tái cơ cấu thu hút sự chú ý nhất là việc Vietnam Airlines sẽ được “bơm” thêm tối đa 22 nghìn tỷ đồng bằng việc tăng vốn điều lệ.
Điều đáng nói là, trong ba lỗi vi phạm về điều kiện niêm yết, điều kiện lỗ bốn năm liên tiếp là không thể khắc phục được. Việc âm vốn chủ sở hữu, hay lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thì đều có thể giải quyết được.
Tính đến cuối quý 3 vừa qua, Vietnam Airlines âm hơn 11 nghìn tỷ đồng. Và lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hơn 13 nghìn tỷ đồng. Như vậy, có thêm 22 nghìn tỷ đồng vào vốn điều lệ, dễ dàng thấy hai vướng mắc nói trên đều được xử lý.
Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia với tỷ lệ sở hữu của nhà nước trên 86%. Kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc Nhà nước phải bỏ tiền ra để mua thêm cổ phiếu.
Tuy nhiên, đề án tái cơ cấu sẽ chia làm hai giai đoạn rót vốn. Giai đoạn đầu, tăng vốn tối đa 9.000 tỷ đồng, SCIC được mua cổ phiếu. SCIC là Tổng đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, cũng là một bên đại diện Nhà nước tại Vietnam Airlines.
Giai đoạn thứ hai, tăng tối đa 13 nghìn tỷ đồng, Quốc hội chấp thuận về chủ trương giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (gồm phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp).
Các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines sẽ được cải thiện đáng kể khi vốn điều lệ của công ty được tăng thêm bằng tiền tươi rót vào.
Sau khi đề án tái cơ cấu của Vietnam Airlines được thông qua, liệu Nhà nước có nhân cơ hội này, giải phóng cơ chế đầu tư? Việc này có thể giúp các doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn mạnh lên mà không cần chăm chăm giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, dù là không còn chi phối. Nếu không cởi bỏ cơ chế, một tỷ lệ nắm giữ của nhà nước có thể kìm hãm đà tăng trưởng của một doanh nghiệp, thậm chí đẩy họ vào khó khăn mà không biết tìm đâu ra tiền. Không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn được giải cứu như Vietnam Airlines.