Có chế tài nhưng vẫn gặp khó

Vừa qua, tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 'Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)'.

Người dân đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Ảnh: N.T

Hình sự hóa các vi phạm bảo hiểm

Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2015, tổng số nợ BHXH tăng từ gần 6.300 tỉ đồng lên hơn 7.000 tỉ đồng. Đến năm 2017, số nợ BHXH có giảm, nhưng vẫn ở mức hơn 5.700 tỉ đồng. Trong đó, số nợ khó thu là hơn 1.600 tỉ đồng, số nợ không thể thu hồi là 476 tỉ đồng (do các DN đã và đang giải thể, phá sản, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn).

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - nhận định: “Tình hình vi phạm pháp luật của các pháp nhân là DN diễn ra khá phổ biến, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tình trạng này có xu hướng gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS”. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc trốn đóng bảo hiểm gây ra nhiều hệ lụy, khiến cho người lao động (NLĐ) mất niềm tin, không muốn cống hiến, gắn bó lâu dài với DN, đồng thời dễ phát sinh tình trạng ngừng việc tập thể, đình công tự phát của NLĐ, gây bất ổn xã hội.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Văn Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp - cho rằng, các hành vi vi phạm về bảo hiểm đang gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp. “Các vi phạm phổ biến như vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động; dùng thủ đoạn gian dối để thụ hưởng trái phép các chế độ bảo hiểm, vi phạm trong quản lý và thực hiện bảo hiểm” - ông Dũng chia sẻ.

Ngày 20.6.2017, Quốc hội đã thông qua Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2018. Theo TS Nguyễn Chí Công - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý Khoa học, Tòa án Nhân dân tối cao, một trong những nội dung quan trọng được BLHS năm 2015 bổ sung là nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm gồm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); Tội gian lận BHYT (Điều 215) và Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ (Điều 216).

TS Công nhấn mạnh: “Việc tội phạm hóa về bảo hiểm gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến mức phải dùng loại chế tài nghiêm khắc nhất chế tài hình sự để xử lý. Những quy định này cùng với các quy định mới của một loạt các đạo luật được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây như Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Bộ luật Tố tụng hình sự... tạo ra nhiều cơ chế để thực thi cũng như phương thức để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm lao động, trên thực tế nó đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định”.

Khó khăn thu hồi nợ bảo hiểm

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - Thanh tra viên chính, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra, đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, NLĐ, hạn chế thất thoát, giúp việc cân đối các Quỹ BHXH, BHYT. “Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, gian lận BHXH, BHYT, BHTN đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, xảy ra ở hầu hết các địa phương. Điển hình là việc chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tại các DN” - ThS Thắm nêu ý kiến.

Nhiều đơn vị có tên trong danh sách nộp đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN nhưng khi xác minh phát hiện tham gia không đủ số lao động thực tế. Một số DN còn né tránh không tham gia đầy đủ bảo hiểm cho NLĐ hoặc mức tham gia bảo hiểm cho NLĐ thấp hơn quy định. Ngoài ra, các đơn vị sử dụng lao động được cấp chế độ nghỉ dưỡng sức nhưng không chi trả cho NLĐ, chi sai mục đích. Có những trường hợp cơ quan BHXH không quyết toán chế độ nghỉ dưỡng sức, giải quyết chế độ độ hưu trí không kịp thời, giới thiệu đi giám định suy giảm khả năng lao động không đúng quy định, thu lệ phí giám định cao hơn quy định (thường xảy ra ở DN sau khi cổ phần có tinh giản biên chế).

Dù các văn bản trên đã quy định cụ thể về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế cũng như thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế nhưng thời gian qua, thực tiễn thực hiện các biện pháp cưỡng chế hành chính đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Thanh tra BHXH, Thanh tra Bộ LĐTBXH, hiện chưa có lực lượng chuyên trách để thực hiện quyết định cưỡng chế hành chính đối với các trường hợp vi phạm bảo hiểm; cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ còn thiếu, phần lớn trường hợp vi phạm do tổ chức bị xử phạt tự giác thực hiện. Ngoài ra, biện pháp kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá cũng gặp nhiều khó khăn. “Các ngân hàng vì mục đích kinh doanh thường bảo vệ khách hàng nên không tích cực phối hợp với cơ quan thi hành cưỡng chế trong việc khấu trừ tiền. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính cũng gây ra những khó khăn nhất định” - ông Tuấn nói thêm.

NGUYỄN TRI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/co-che-tai-nhung-van-gap-kho-636644.ldo